Bài học về đeo khẩu trang ở Mỹ trong đại dịch cúm năm 1918

Mãi khi đại dịch COVID-19 nghiêm trọng, Mỹ mới khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong khi châu Á đã thực hiện điều này từ lâu. Ít ai biết Mỹ từng bắt buộc dân đeo khẩu trang trong đại dịch cúm năm 1918.

Quy định đeo khẩu trang

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ đeo khẩu trang trong đại dịch cúm năm 1918. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN (Mỹ), ngay khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người dân khắp châu Á lập tức đeo khẩu trang. Nhưng ở phương Tây, vật dụng ngăn ngừa virus này không được sử dụng nhiều. Thậm chí, các quan chức y tế còn coi đeo khẩu trang là không cần thiết. 

Tuy nhiên, tình hình đeo khẩu trang ở Mỹ năm 1918, khi đại dịch cúm xảy ra, lại khác hẳn. Đại dịch cúm xảy ra từ tháng 1/1918 tới tháng 12/1920, khiến 1/3 dân số thế giới (500 triệu người) nhiễm virus và 50 triệu người tử vong, trong đó nửa triệu người ở Mỹ.

Tháng 10/1918, khi thành phố San Francisco xảy ra làn sóng thứ hai bùng phát dịch bệnh, các bệnh viện bắt đầu đón ngày càng nhiều bệnh nhân cúm.

Ngày 24/10/1919, Ban Giám sát viên San Francisco (cơ quan lập pháp dân cử của thành phố khi đó) nhận ra cần thực hiện hành động quyết liệt khi có trên 4.000 ca nhiễm cúm. Ban này đã nhất trí 100% thông qua Sắc lệnh Đeo khẩu trang phòng cúm. Lần đầu tiên, người dân Mỹ phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Seattle đeo khẩu trang trong đại dịch cúm 1918. Ảnh: Getty Images

Sau khi San Francisco bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, một chiến dịch nâng cao ý thức đã bắt đầu. Thị trưởng thành phố cùng các thành viên Ban Y tế đã bảo trợ cho một cuộc vận động của Hội Chữ thập đỏ. Cuộc vận động có những khẩu hiệu như: Đeo khẩu trang và bảo vệ mạng sống. Khẩu trang chống cúm 99%. Nhiều bài hát về đeo khẩu trang đã ra đời. Ai ra ngoài mà không đeo khẩu trang có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Chiến dịch có hiệu quả và các thành phố khác ở bang California cũng học tập San Francisco, trong đó có Santa Cruz và Los Angeles. Các bang khác khắp nước Mỹ bắt đầu ra quy định tương tự về khẩu trang.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhiều nước cũng áp dụng các bước tương tự Mỹ. Ủy ban Viện hàn lâm Y khoa Paris khuyến nghị đeo khẩu trang ở Paris (Pháp) vào đầu tháng 11/1918. Tiến sĩ Niven, quan chức y tế thành phố Manchester, miền Bắc nước Anh cũng khuyến nghị tương tự.

Khi ngày càng nhiều người đeo khẩu trang khắp châu Âu và Bắc Mỹ, vấn đề nguồn cung xuất hiện. Ở nhiều khu vực tại Mỹ, các nhà thờ, tổ chức cộng đồng và Hội Chữ thập đỏ thường tổ chức lễ tôn giáo và tụ họp, đòi hỏi càng nhiều khẩu trang càng tốt. Trong khi đó, chỉ có một vài nhà sản xuất chuyên làm khẩu trang, như công ty sản xuất Prophylacto ở Chicago, và họ không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Nhiều nơi đã dựa vào sản xuất tại chỗ. 

Báo chí và chính quyền nhiều bang ở Mỹ gắn chiếc khẩu trang với cuộc chiến đang diễn ra trên chiến trường khắp châu Âu vào tháng 10/1918. Tờ Washington Times ngày 26/9/1918 đã đăng bài viết: “Mặt nạ phòng độc trong chiến hào, khẩu trang phòng cúm ở nhà” và cho biết giới chức Mỹ sẽ cung cấp 45.000 khẩu trang cho binh sĩ Mỹ để phòng chống đại dịch cúm Tây Ban Nha.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc ngày 11/11, các nhà sản xuất mặt nạ phòng độc đã chuyển sang sản xuất khẩu trang phòng cúm theo hợp đồng của chính phủ Mỹ.

Chú thích ảnh
Quy định về đeo khẩu trang ở San Francisco. Ảnh: San Francisco Chronicle

Luật về đeo khẩu trang phần lớn được người dân ủng hộ và thực thi tự nguyện. Thành phố Tucson ở bang Arizona đã ra sắc lệnh khẩu trang ngày 14/11/1918, theo đó yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang, trừ nhà thuyết giáo, ca sĩ, diễn viên trong rạp hát, giáo viên giảng dạy tại trường – những đối tượng đứng ở khoảng cách xa với người nghe. Cảnh sát trưởng Bailey cho biết ông không định đe dọa bắt giữ ai mà chỉ là yêu cầu cân nhắc tổ chức các cuộc tụ tập đông người, trừ khi người tham gia đều có khẩu trang.

Trong khi đó, thành phố San Francisco vẫn đi trước trong vấn đề khuyến khích dân sử dụng khẩu trang. Ngày 25/10/1918, tờ San Francisco Chronicle đã in nhiều bức ảnh lên trang nhất, trong đó có ảnh chụp các thẩm phán và chính trị gia hàng đầu ở thành phố đeo khẩu trang.

Sau đó, gần như không ai trốn được việc đeo khẩu trang. Mọi chuyến tàu tới từ các nhà ga Bờ Tây đều bị ủy ban khuyến khích đeo khẩu trang kiểm tra. Ủy ban này gồm các nhóm tình nguyện viên nữ phát khẩu trang cho ai không mua được.

Tất nhiên, cũng có một số người coi thường quy định. Một bức ảnh chụp một trận đấm bốc ở California cho thấy 50% khán giả không đeo khẩu trang. Cảnh sát đã phóng to bức ảnh và dùng nó để xác định những người không đeo khẩu trang. Mỗi người vi phạm bị cảnh cáo phải nộp một khoản tiền tự nguyện vào quỹ từ thiện dành cho binh sĩ chiến đấu ở nước ngoài, nếu không sẽ bị truy tố.

Hiệu quả của khẩu trang trong đại dịch 1918

Chú thích ảnh
Khu vực cách ly bệnh nhân cúm ở Mỹ năm 1918. Ảnh: Getty Images

Trong đại dịch cúm năm 1918, hầu như chưa có nghiên cứu khoa học về sử dụng khẩu trang. Tuy nhiên, có một bài báo thuyết phục liên quan tới một con tàu biển.

Đầu tháng 12/1918, tờ Times ở London đưa tin các bác sĩ ở Mỹ nói cúm lây qua tiếp xúc và có thể ngăn chặn được. Tờ Times lưu ý rằng trong một bệnh viện ở London, mọi nhân viên bệnh viện và bệnh nhân đều được hướng dẫn liên tục đeo khẩu trang. Sau đó, tờ báo này trích dẫn ví dụ thành công của việc đeo khẩu trang trên tàu du lịch.

Con tàu du lịch đi từ New York (Mỹ) tới Anh và có tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Khi quay đầu về Mỹ, thuyền trưởng ra lệnh cho thủy thủ đoàn và hành khách đeo khẩu trang sau khi đọc về công dụng của khẩu trang tại San Francisco.

Kết quả là trên chuyến tàu trở về, không có ai nhiễm cúm cho dù tỷ lệ lây nhiễm tại thời điểm đó ở Manhattan (Mỹ) và Southampton (Anh) – nơi tàu khởi hành – là rất cao. Không rõ có phải quy định đeo khẩu trang trên chuyến về giúp tàu không có ca nhiễm cúm hay không, nhưng tờ báo khẳng định như vậy.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Mỹ đeo khẩu trang phòng cúm. Ảnh: Getty Images

Có một số tiền tệ về hướng dẫn đeo khẩu trang. Trong thời kỷ xảy ra bệnh dịch hạch ở Mãn Châu năm 1910-1911, đeo khẩu trang cũng chứng minh hậu quả phòng bệnh. Nhà báo khoa học Laura Spinney, tác giả cuốn sách xuất bản năm 2017 về đại dịch cúm 1918, viết rằng nhờ kinh nghiệm về bệnh dịch hạch ở Mãn Châu năm 1911 mà người Nhật Bản đã nhanh chóng đeo khẩu trang ở nơi công cộng năm 1918. Giới chức Nhật Bản cho rằng khẩu trang đã hiệu quả trong bảo vệ người dân khỏi mầm bệnh trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây. 

Cuối tháng 12/1918, các thành phố và bang ở Mỹ đã đủ tự tin để bỏ sắc lệnh đeo khẩu trang khi số ca nhiễm bệnh mới giảm xuống một con số ở hầu hết khu vực. Tờ báo Chicago thông báo: “Hôm nay là ngày cuối cùng của chiếc khẩu trang nhỏ bé rắc rối”.

Năm 1918, người Mỹ đã đeo khẩu trang vượt quá mong đợi. Nhưng một thế kỷ sau, chính các nước châu Á mới nhớ bài học mà người Mỹ đã biết về tác dụng khẩu trang trong giảm lây nhiễm virus. Có lẽ là vì trong nhiều năm qua, khác với châu Âu và Mỹ, châu Á đã đối phó với nhiều dịch bệnh như dịch tả, thương hàn và nhiều bệnh truyền nhiễm khác như cúm gia cầm, SARS… Các dịch này đã giúp người châu Á duy trì thói quen đeo khẩu trang, trái ngược với phương Tây.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lầu Năm góc công bố hướng dẫn đeo khẩu trang trong quân đội Mỹ
Lầu Năm góc công bố hướng dẫn đeo khẩu trang trong quân đội Mỹ

Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 5/4 đã đưa ra những thông báo tóm tắt về việc đeo khẩu trang trong quân đội Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN