Nhiều nước mạnh tay xử nghiêm những kẻ vi phạm quy định chống dịch

Nam Phi, Thái Lan và Hàn Quốc đã đưa ra những biện pháp mạnh tay để xử lý những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Cảnh sát bắt giữ một người dân chống lại quy định luật phong tỏa tại khu vực Diepkloof, cách thủ đô Pretoria 70 km về phía Nam. (Ảnh: TTXVN phát)
Cảnh sát bắt giữ một người dân chống lại quy định luật phong tỏa tại khu vực Diepkloof, cách thủ đô Pretoria 70 km về phía Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Cảnh sát Nam Phi ngày 5/4 đã bắt giữ toàn bộ 50 người đang tham dự một đám cưới được tổ chức cùng ngày do vi phạm các quy định của lệnh phong tỏa mà nước này hiện đang áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong một thông báo, chính quyền thị trấn uMhlathuze thuộc tỉnh KwaZulu-Natal - nơi đám cưới diễn ra cho biết toàn bộ những người bị bắt sẽ phải đối mặt với tội danh vi phạm Đạo luật Thảm họa quốc gia cũng như các quy định mà chính phủ ban hành trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc từ ngày 27/3 đến 16/4.

Toàn bộ những người bị bắt đã được đưa về đồn cảnh sát thị trấn để thẩm vấn.

Theo nhà chức trách địa phương, những người vi phạm có thể thực hiện quyền đăng ký bảo lãnh tại ngoại, tuy nhiên, trong thời gian chờ xét xử, những người này sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát.

Ông Vish Naidoo, người phát ngôn Lực lượng cảnh sát Nam Phi (SAPS) nhấn mạnh đây là ví dụ điển hình của việc nhiều trường hợp vẫn cố tình coi thường tính cấp thiết của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Nam Phi đã bước sang ngày thứ 11 áp dụng lệnh phong tỏa trên phạm vi cả nước trong thời gian 21 ngày.

Theo quy định, trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà, trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men, đi nhận tiền trợ cấp hay dự đám tang người thân.

[Người vô gia cư Nam Phi trong 10 ngày đầu phong tỏa do dịch]

Theo các nhà chức trách, tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 17.000 người đã bị bắt giữ do vi phạm các quy định trong thời gian phong tỏa.

Theo công bố của Bộ Y tế Nam Phi ngày 5/4 (theo giờ địa phương), tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên đến 1.655 ca và có thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 11 người. Nam Phi, có ca nhiễm đầu tiên từ ngày 5/3, là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất ở châu Phi.

Nhiều nước mạnh tay xử nghiêm những kẻ vi phạm quy định chống dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 5/4, Tòa án tỉnh Chai Nat đã tuyên án phạt tù 15 ngày và phạt tiền 15.000 baht đối với 4 người vi phạm lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng (giờ địa phương).

Các trạm kiểm soát được dựng lên trên khắp Thái Lan để triển khai lệnh giới nghiêm vốn được đưa ra từ ngày 3/4 vừa qua.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế Thái Lan ngày 6/4, số ca nhiễm mới ở nước này là 51 ca trong khi số ca tử vong mới là 3 ca.

Đáng chú ý trong số các ca mới có 13 ca là nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch. Như vậy, tổng cộng Thái Lan đang có 2.220 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Có thêm 119 ca bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 793 ca.

Còn tại Hàn Quốc, Bộ Tư pháp nước này ngày 6/4 cho biết đã trục xuất một phụ nữ Đài Loan (Trung Quốc) do từ chối vào cơ sở cách ly của chính phủ với lý do không chi trả được chi phí. Đây là người nước ngoài đầu tiên bị cưỡng chế xuất cảnh vì lý do này. 

Người phụ nữ này nhập cảnh Hàn Quốc vào ngày 2/4 sau khi ký đồng ý sinh hoạt tại cơ sở cách ly do Chính phủ Hàn Quốc bố trí trong hai tuần và chi trả các chi phí liên quan.

Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục vào cơ sở cách ly, người này cho biết không thể thanh toán chi phí và đã rời đi.

Vụ việc được bàn giao cho Phòng quản lý xuất nhập cảnh thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong vào ngày 5/4 và đến tối cùng ngày, người phụ nữ trên đã bị yêu cầu rời khỏi Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục