Thi THPT quốc gia 2020: Giảm độ khó trong đề thi tham khảo

Nhằm hướng tới kỳ thi thành công, không gây khó khăn, lo lắng với giáo viên, học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đề thi tham khảo của các môn thi, bám sát các nội dung dạy học đã tinh giản.
Thi THPT quốc gia 2020: Giảm độ khó trong đề thi tham khảo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8-11/8, chậm lại gần 2 tháng so với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhằm hướng tới kỳ thi thành công, không gây khó khăn, lo lắng, áp lực với giáo viên, học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đề thi tham khảo của các môn thi, bám sát các nội dung dạy học đã được tinh giản.

Đây là tài liệu tham khảo quan trọng để các trường chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch ôn tập cho học sinh trong thời gian tới.

Bám sát đề thi tham khảo

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Trưởng Ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo Trung học phổ thông quốc gia 2020, cho biết độ khó của đề thi tham khảo năm nay nhẹ nhàng hơn so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019.

Các câu hỏi đều không bao gồm nội dung kiến thức được tinh giản thuộc chương trình học kỳ 2 của lớp 12, năm học 2019-2020; các câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của học kỳ 2 lớp 12 trong đề thi đã được giảm toàn bộ phần ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, chỉ còn lại phần ở cấp độ nhận biết và thông hiểu.

Hay nói cách khác, những câu hỏi này tập trung khai thác vào các khái niệm, các kiến thức cơ bản của các bài học. Học sinh có thể học những nội dung kiến thức này dễ dàng qua hình thức thức học trực tuyến, trên truyền hình.

Trong đề thi có khoảng 70% câu hỏi về nội dung kiến thức cơ bản; khoảng 20% câu hỏi ở mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao.

[Chính thức công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020]

Theo ông Sái Công Hồng, để khai thác đề thi tham khảo trong quá trình dạy học và giúp học sinh ôn luyện, các thầy cô nên phân tích kỹ đề tham khảo, khu trú lại những nội dung hết sức căn bản, tích hợp các chủ đề để định hướng việc dạy học và ôn tập cho học sinh.

Đặc biệt, với những câu hỏi mang tính căn bản đều nằm hoàn toàn trong chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, học sinh có thể phân tích từng câu, xem câu nào thuộc chủ đề nào, câu nào thuộc khối kiến thức nào, trên cơ sở đó hệ thống hóa kiến thức cần sắp xếp các chủ đề liên thông với nhau để ôn tập tốt kiến thức căn bản; từ đó làm tiền đề cho câu hỏi thuộc nội dung cấp độ vận dụng và vận dụng cao còn lại.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng lưu ý rằng trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: "Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu "không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học."

Tuy nhiên, riêng phần “tự học có hướng dẫn” vẫn có thể được kiểm tra hoặc ra trong đề thi. Do đó, giáo viên cần thông báo cho học sinh để các em yên tâm học tập, ôn luyện.

Giúp học sinh yên tâm khi ôn tập

Đánh giá chung về đề thi tham khảo các môn, nhiều giáo viên nhận xét, đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành.

Toàn bộ những nội dung tinh giản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố không được đưa vào đề thi.

Phần nội dung kiến thức chủ yếu tập trung vào học kỳ 1 của chương trình lớp 12. Đề thi có sự phân bố hợp lý về kiến thức và thời gian, tạo thuận lợi cho học sinh thực hiện.

Tuy nhiên, một số giáo viên cũng cho rằng đề thi nên có độ phân hoá cao hơn để giúp các trường đại học thuận lợi cho tuyển sinh, không mang tính “cào bằng.”

Thi THPT quốc gia 2020: Giảm độ khó trong đề thi tham khảo ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội), chia sẻ: Năm học 2019-2020 này là một năm học khó khăn và thử thách, với kỳ nghỉ kéo dài “bất đắc dĩ” để phòng, chống dịch COVID-19, nên nếu đề tham khảo hợp lý sẽ đưa đến tâm lý yên tâm cho học sinh lớp 12 năm nay cũng như phụ huynh của các em. Lý do là việc học online, học trên truyền hình đã được ứng dụng ở các tỉnh, thành nhưng khó có thể đạt hiệu quả đồng đều và hoàn toàn khó thay thế việc học tập trực tiếp ở trường, được thầy cô sát bên giảng dạy, đôn đốc.

Cụ thể, với môn Ngữ Văn, cô Kim Anh nhận xét đề tham khảo năm nay vừa sức với học sinh hơn. Đề khoa học, gọn và khơi gợi sáng tạo. Đề tham khảo này ít nhiều đã gợi ý, “định hướng” cách dạy của giáo viên và cách ôn tập của học sinh trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay. Về kiến thức tổng thể, đề thi môn Ngữ Văn tham khảo đã đưa ra vấn đề từ cuộc sống và vấn đề văn học khá phù hợp với tâm lý và khả năng của đông đảo học sinh.

Đánh giá về đề thi môn Toán, thầy Lại Tiến Minh (giáo viên Toán Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội), cho rằng đề thi theo hình thức trắc nghiệm với 50 câu, cấu trúc ổn định như năm 2018, 2019. Nội dung đề gồm cả chương trình lớp 11 và 12, trong đó, chủ yếu là lớp 12. Các phần kiến thức lớp 12 chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ 1. Các câu thuộc chương trình học kỳ 2 không nhiều (chẳng hạn phần số phức chỉ chiếm tỷ lệ 3/47 câu). Các dạng câu hỏi không quá lạ, đều là dạng phổ biến, đã có trong các đề minh hoạ hoặc các đề thi thử hàng năm.

[Dịch COVID-19: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học]

Tuy nhiên, theo thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh), đề minh hoạ môn Toán có tính phân hóa yếu vì có tới 70% là các câu đơn giản và quen thuộc nên có cảm giác nhàn nhạt, dễ gây chủ quan cho học sinh ôn thi. Nếu đề thi thật cũng ít có tính phân hóa như vậy thì có thể dẫn đến bội thực điểm 10 (như năm 2017), gây khó khăn cho việc đánh giá và tuyển sinh của các trường đại học. Đề thi không có bất kỳ câu nào có tính ứng dụng thực tế, không có câu nào đòi hỏi tính sáng tạo, thông minh của học sinh.

Từ đó, thầy Trần Mạnh Tùng phân tích đề thi chính thức trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 nên tăng tính phân hóa và cần một hai tình huống thực tế để có hơi thở cuộc sống, giúp học sinh vận dụng Toán giải quyết các vấn đề đời sống. Để tuyển sinh đại học, đề cần các câu hỏi có chiều sâu, đòi hỏi sự thông minh, sáng tạo chứ không phải chỉ là thợ giải toán, chỉ cần thành thạo các dạng quen thuộc là đã có thể đạt 9, 10 điểm. Với một đề thi như hiện có thì rất khó có đánh giá công bằng cho học sinh.

Nhằm giúp học sinh sẵn sàng tâm thế bước vào kỳ thi, các giáo viên lưu ý, các em nên tranh thủ vừa học bài mới vừa ôn tập lại các kiến thức và một số nội dung lớp 11, bởi Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia gồm cả khối lượng kiến thức lớp 11, 12, đặc biệt là lớp 12, vì đây là kiến thức chủ đạo trong đề.

Với tình hình năm nay, thời gian học tập tại trường không nhiều nên học sinh cần có kế hoạch tự ôn tập và một lộ trình học tập hợp lý, hiệu quả; xác định khả năng của mình để học đúng trọng tâm và chất lượng. Đồng thời, các em cần tăng cường học online và học trên truyền hình một cách nghiêm túc và tự giác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục