Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị

Khi không còn có thể tiếp xúc trực tiếp, việc tìm đến các ứng dụng giao tiếp để trò chuyện hay cập nhật tin tức dường như là yếu tố sống còn, ít nhất về mặt tinh thần, hay chỉ đơn giản giết thời gian.

Bằng cách này hay cách khác, công nghệ đang chứng minh bản thân chúng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp con người kết nối với xã hội trong những ngày cả thế giới đang cách ly khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Anh bạn Berlin khám phá Instagram

Tim, một người bạn tôi quen ở Berlin không phải là người hâm mộ của mạng xã hội, anh chỉ có tài khoản Instagram nhưng cũng chẳng bao giờ cập nhật trừ ba tấm hình cũ rích đăng lên bao đời, anh giao tiếp với mọi người bằng Whatsapp, công cụ chat đơn thuần hơn là mạng xã hội.

Hai ngày trước tôi thấy anh xem story của mình, ngạc nhiên đến độ phải nhắn ngay chỉ để hỏi: “Anh giờ cũng xem cả story sao?” “Trước đây tôi chẳng bao giờ xem đâu, nhưng dạo này ở nhà liên miên chán quá, nên thứ gì tôi cũng xem!” - anh đáp.

Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị ảnh 1Số lượng người dùng trực tuyến ngày càng tăng ở những nơi đang áp dụng lệnh cách ly toàn xã hội.

Không cần suy nghĩ để hiểu ra lý do vì sao anh phải “ở nhà liên miên," Đức đã chính thức công bố “bế quan tỏa cảng” ít nhất hai tuần, anh bạn tôi vốn thích các trận bóng đá và gặp gỡ bạn bè ở quán càphê quận Kreuzberg - phía Nam Berlin đột nhiên phải bó gối ngồi nhà, chơi game từ sáng đến tối mịt.

Rồi chơi game cũng chán, mỗi ngày Tim nhắn tôi để cập nhật mình khám phá được điều gì mới, xem stories trên Instagram là một khám phá rõ ràng không mới, nhưng việc chạm vào màn hình để xem cuộc sống của những người khác thế nào âu cũng là phát kiến khi cuộc sống trở nên quá ngột ngạt giữa những bức tường, dù có ở một quận sôi động và đa văn hóa như Kreuzberg.

Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị ảnh 2Instagram, Facebook, Telegram… tất cả những ứng dụng giúp con người kết nối với xã hội đang được sử dụng nhiều hơn.

Cũng như nhiều người khác, Tim đang đóng góp vào lượng trực tuyến tăng gấp đôi chỉ trong từng tuần khi các thành phố châu Âu lần lượt đóng cửa ngăn dịch. Facebook thậm chí báo cáo người Italy dành thêm đến 70% thời gian trên các ứng dụng mạng xã hội của họ.

Khi không còn có thể tiếp xúc trực tiếp, nhu cầu kết nối và ý thức đơn lẻ của mỗi người càng mạnh, việc tìm đến các ứng dụng giao tiếp để trò chuyện hay cập nhật tin tức dường như là yếu tố sống còn, ít nhất về mặt tinh thần, hay chỉ đơn giản “giết thời gian."

Sức mạnh bất ngờ của KOLs

Định nghĩa truyền thống về những người gây ảnh hưởng (KOLs) thường gắn với hoặc ngôi sao, nghệ sỹ, hoặc người làm về thời trang, làm đẹp, du lịch, thậm chí review ẩm thực…

[Những bí quyết nếu muốn làm việc tại nhà hiệu quả mùa dịch COVID-19]

Thế nhưng giờ đây, với lệnh cấm di chuyển giữa các quốc gia, sân bay im lìm, thậm chí những chuyến bay nội địa cũng bị thắt chặt; những KOL du lịch loay hoay với việc không thể khoe thêm về những điều mới mẻ, dù người xem dường như cũng bớt hào hứng với hình ảnh ăn chơi tận đẩu đâu trong khi còn những mối lo sát sườn và thường nhật hơn.

Không còn những sự kiện văn hóa, nghệ thuật hay PR để các millennials có dịp mặc đẹp, review; ngành công nghiệp marketing online có thể đang ngắc ngoải, nhưng một thế hệ ngôi sao gây ảnh hưởng mới bỗng tỏa sáng, từ chính những chủ đề ít ai có thể tưởng tượng lại “làm nên chuyện” một ngày, từ DJ làm nhạc trong phòng ngủ, giáo viên dạy học trên trang YouTube cho đến đầu bếp hướng dẫn nấu ăn trực tiếp trên Instagram.

Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị ảnh 3Ngay cả đầu bếp sao Michelin như Massimo Bottura cũng kịp bắt trend mở chương trình dạy nấu ăn online.

Nếu hỏi trẻ em từ New York đến Jamaica chúng đang hứng thú với nhân vật nào nhất, khả năng cao câu trả lời sẽ là Mr.Wick.

Từ một nhân vật vô danh trên YouTube, lớp học thể dục của anh chàng này có đến 869.000 lượt người xem vào ngày đầu tiên Anh phong tỏa toàn quốc, 1 triệu người xem video của anh vào ngày tiếp theo, và hiện tại là hơn 4 triệu lượt xem.

Theo đó, nội dung chia sẻ của những KOL dù đã nổi hay mới nổi, cũng dần chuyển sang những chủ đề gần gũi hơn với đời sống hàng ngày như nấu ăn, rèn luyện thể chất và hài hước.

Giờ đây nhu cầu của những công dân là tập trung vào duy trì sức khỏe. Lượng người xem các video thể dục hàng ngày tăng 200%, video dạy nấu ăn tăng 45%, ngay cả những đầu bếp hàng đầu như Massimo Bottura (đầu bếp được sao Michelin) cũng dần bước chân vào thế giới KOL bằng việc dẫn chương trình nấu ăn Kitchen Quarantine (Nhà bếp phong tỏa) mỗi tối trên Instagram của mình.

Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị ảnh 4Nấu ăn, trồng cây, chăm sóc thú cưng… tất cả đều có thể trở thành “KOL” trong thời đại cách ly này.

Một ngày, Tim nhắn tin nói anh đang tự giáo dục mình bằng việc xem 20 tiếng phim tài liệu chiến tranh trên Netflix, một lần nữa, anh không nhận ra mình giỏi chuyển động theo xu hướng đến thế nào. Nội dung giáo dục hiện là một trong những xu hướng “content” mới của thế giới, khi trẻ em không thể đến trường, người lớn đột nhiên có nhiều thời gian rảnh để quyết tâm học một thứ gì mới, những khóa học ngôn ngữ, kĩ năng như đan lát, học đàn… Không phải ngẫu nhiên các quảng cáo viral hiện nay đều tập trung vào những khóa học online kiểu này.

Từ “cơn nghiện” Tik Tok đến Tổ chức Y tế Thế giới

Từ ứng dụng chìm nghỉm trong hàng ngàn ứng dụng khác, Tik Tok bỗng thu hút đến 800 triệu người dùng và là cơn nghiện mới của rất nhiều người. Dù ra đời ở Trung Quốc, hiện Tik Tok ngày càng thu hút sự chú ý ở Mỹ và châu Âu, vượt xa những kỳ vọng về một ứng dụng tưởng như đơn giản này.

Jennifer Lopez, như nhiều nghệ sỹ tên tuổi khác, chọn Tik Tok cho những video hát hò nhảy múa của mình, bởi những video được chia sẻ ở đây sẽ nhanh chóng lan rộng trên những ứng dụng khác, đó hẳn là lý do nhiều người chọn đến Tik Tok đầu tiên nếu muốn không bị lãng quên. Theo số liệu thống kê, người ta có thể dành ra đến tận 58 phút mỗi ngày trên ứng dụng này.

Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị ảnh 5J.Lo, Camila Cabello là hai trong số sao Âu Mỹ đi tiên phong trong việc sử dụng Tik Tok.

Thậm chí ngay cả tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng bắt đầu gia nhập Tik Tok nhằm phố biến tốt hơn những thông điệp về sức khỏe của mình. Không có bí mật sâu kín gì để làm nên thành công của Tik Tok trừ việc bạn có thể tìm thấy bất cứ thể loại video nào cũng như nhanh chóng chỉnh sửa video với nhiều tính năng khác nhau, những xu hướng vui vẻ khiến người ta tạm quên âu lo áp lực như thử thách nhảy thu hút hàng triệu người, nghệ sỹ nổi tiếng tất nhiên không thể nằm ngoài xu hướng đó.

Sự lan tỏa của Tik Tok kỳ diệu ở chỗ video của ai cũng có cơ hội được hàng triệu lượt xem, có nghĩa khả năng cao ai cũng có thể có cảm giác “nổi tiếng” một lần.

Thế giới cách ly do đại dịch: Công nghệ thể hiện quyền lực thống trị ảnh 6Ứng dụng tưởng chừng đơn thuần giải trí này cũng được WHO sử dụng như phương tiện truyền tải các thông điệp một cách nhanh chóng và phổ biến nhất.

Trong khi những bức ảnh tĩnh giờ không còn đủ để xoa dịu cơn “thèm tương tác” của hàng tỷ người rải khắp các thành phố lớn nhỏ, những video ngẫu nhiên được chọn theo hứng thú cá nhân dường như có sức hấp dẫn hơn hẳn.

Như tờ Financial Times diễn giải, corona lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ, ngoại trừ thời gian và mạng công nghệ. Và công nghệ thì vẫn luôn vận động từng ngày, bằng cách này hay cách khác./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục