COVID-19 - cơ hội cho các “Gói kích thích Xanh”

COVID-19 đã làm chệch hướng tập trung khỏi các vấn đề môi trường, song áp lực hiện đang gia tăng xung quanh việc vạch ra kế hoạch chi tiêu để đối phó với biến đổi khí hậu.
COVID-19 - cơ hội cho các “Gói kích thích Xanh” ảnh 1Quang cảnh thủ đô Amsterdam, Hà Lan. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo Reuter, đối với các chính phủ châu Âu đang phải vật lộn để cứu vãn nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để sống Xanh.

Các quốc gia trước nay vẫn thịnh vượng như Đức đã chấp nhận rằng họ sẽ phải chi mạnh tay để vượt qua cú sốc kinh tế mà COVID-19 gây ra. Nhiều nước cũng đang phải đối mặt với thách thức của việc phải đổ hàng tỷ USD vào các dự án khí hậu để duy trì được cam kết giảm phát thải khí các-bon. Vậy “gói kích thích Xanh” liệu có phải là lời giải cho vấn đề này?

Đối với những nhân vật bảo thủ trong vấn đề ngân sách đang chuẩn bị vứt bỏ những chuẩn mực truyền thống về tài khóa để chiến đấu với đại dịch, thì trái phiếu Xanh- nghĩa là tăng các khoản cho vay để tài trợ các dự án như năng lượng tái tạo và giao thông công cộng- có thể là một lựa chọn hợp lý.

COVID-19 đã làm chệch hướng tập trung khỏi các vấn đề môi trường, song áp lực hiện đang gia tăng xung quanh việc vạch ra kế hoạch chi tiêu để đối phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 24/3, cố vấn chính phủ Anh Chris Stark đã hối thúc các chính phủ “lưu ý đến các gói kích thích Xanh.” Đức đang lên kế hoạch bơm 350 tỷ euro để kích thích tài chính. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đặc biệt nhắm mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ cắt giảm phát thải khí đốt gây hiệu ứng nhà kính tới 55% so với mức của năm 1990.

Trong khi đó, Anh đã hứa sẽ trả 80% lương cho các lao động đang có nguy cơ bị sa thải vì các biện pháp phong tỏa chống dịch bệnh, lấy nguồn từ việc bán thêm nợ. Chính phủ nước này cũng vừa cam kết từ nay đến năm 2050 sẽ hạ mức phát thải khí cácbon xuống gần bằng 0.

Năm ngoái, Simon Bond, Giám đốc phụ trách quản lý danh mục đầu tư tại Columbia Threadneedle, đã viết một bức thư gửi Bộ Tài chính Anh để hối thúc bộ này phát hành các “trái phiếu Xanh.”

Ông cho rằng hiện là thời điểm để xúc tiến việc này trong bối cảnh nhu cầu về các gói kích thích đang rất cấp thiết do dịch bệnh hoành hành.

Ông nói với Reuters: “Cơ sở của trái phiếu Xanh là nhắm vào các dự án đang góp phần tích cực vào khát vọng giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kích xuống mức 0 vào năm 2050. Các dự án này nên là một phần trong chi tiêu cơ sở hạ tầng Xanh và được kết hợp với các gói kích thích tài chính.”

Vành đai Xanh sinh lời

Cho đến nay, các chính phủ đã khá chậm trễ trong việc theo đuổi các khoản cho vay, và hiện chỉ có 12 nhà phát hành trái phiếu công Xanh trên toàn thế giới, tức là chưa đến 1/10 thị trường trái phiếu Xanh, vốn cũng bao gồm nợ từ các công ty và các thực thể khác, và chứng kiến 250 tỷ USD trái phiếu được phát hành trong năm ngoái.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nợ nói rằng mọi thứ vẫn đang thay đổi.

[Chuyên gia Australia chia sẻ cách thúc đẩy thị trường tài chính xanh]

Đức lên kế hoạch phát hành trái phiếu Xanh trong nửa cuối năm 2020, giống như Italy; và một số ứng cử viên tiềm năng khác còn có Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch và Anh. Cơ quan quản lý nợ của Đức nói với Reuters rằng các kế hoạch trái phiếu Xanh của họ sẽ được thực hiện bất chấp đại dịch COVID-19.

Họ chỉ ra một bản cập nhật tình hình, theo đó thông báo rằng Đức “sẽ củng cố hơn nữa và phát triển mạnh mẽ” thị trường đầu tư Xanh và bền vững. Họ còn bày tỏ hy vọng thiết lập được một vành đai Xanh sinh lời cho khu vực đồng euro.

Các kế hoạch Xanh ngày càng gia tăng

Theo S&P Global, các trái phiếu Xanh hiện chiếm chưa đến 0,1% tổng nợ công. Với việc các chính phủ có khoảng 9 nghìn tỷ USD nợ tồn đọng trên thế giới thì tỉ lệ nhỏ này thôi cũng đủ đem lại cho thị trường một cú hích lớn.

Các quan chức của 5 cơ quan nợ của châu Âu nói với Reuters rằng điều khiến các chính phủ này rụt rè hiện vẫn là nỗi sợ rằng trái phiếu Xanh sẽ gây tổn hại đến các chương trình phát hành chính thống khi cướp đi khối lượng lớn giao dịch từ các thị trường này, và rốt cuộc sẽ làm gia tăng chi phí vay tổng thể.

Ngay cả ở Anh, ngôi nhà của một thị trường trái phiếu trị giá 2 nghìn tỷ USD, Chủ tịch cơ quan quản lý nợ Robert Stheeman, cũng đã bày tỏ những hoài nghi về hiệu quả của việc phát hành trái phiếu Xanh.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nợ đã đề xuất các chiến lược có thể cho phép việc cho vay Xanh mà không ẩn chứa các rủi ro liên quan.

Thorsten Meyer Larsen, phụ trách hoạt động chính sách tiền tệ và nợ chính phủ tại ngân hàng trung ương Đan Mạch, cho biết Đan Mạch đang cân nhắc một sự phát hành mà trong đó số tiền thu được không trực tiếp đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng phải đi kèm cam kết bằng các chi tiêu Xanh tương ứng.

Trong khi đó, một chuyên gia thị trường thạo tin về các kế hoạch của Đức, cho biết nước này đang nghiên cứu một lựa chọn bán trái phiếu đôi: tức là một trái phiếu Xanh cùng kỳ hạn được phát hành như một phiếu truyền thống ngang hàng và thay thế một phần trái phiếu thông thường.

Nhân vật này cho biết trong giai đoạn xảy ra một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như những biến động gây hoang mang hiện nay, các nhà đầu tư có thể đổi các trái phiếu Xanh lấy trái phiếu truyền thống, để có giá trị trao đổi tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục