Dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế: Cuộc chiến kép của Hàn Quốc

Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để giành thắng lợi trong cuộc chiến diễn ra đồng thời trên cả hai mặt trận chống dịch COVID-19 và suy thái kinh tế.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Daegu, Hàn Quốc ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Daegu, Hàn Quốc ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) số ra ngày 25/3 có bài bình luận về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của cây bút bình luận Choi Sung-jin, trong đó nhấn mạnh rằng thảm họa toàn cầu là cơ sở để thử nghiệm các dân tộc trên thế giới cũng như các nhà lãnh đạo của họ.

Đại dịch COVID-19 đang bộc lộ những điểm yếu của các nền kinh tế lớn cũng như hệ thống y tế công cộng của những nước này.

Hàn Quốc đã từng được coi là “ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc” vài tuần trước, song giờ đây đã nổi lên như một “chiến binh mẫu mực” nhờ các cách tiếp cận minh bạch, tích cực và dân chủ.

Tổng thống Moon Jae-in đã hành động mạnh mẽ và quyết đoán để ngăn chặn sự lây nhiễm. Tuy nhiên, sau đó chính ông cũng đã “mất điểm” khi từ chối “đóng cửa” đối với tất cả khách du lịch đến từ Trung Quốc đồng thời đưa ra dự đoán sớm rằng "điều tồi tệ nhất đã kết thúc."

Mặc dù vậy, các đối thủ thuộc phe bảo thủ của ông Moon Jae-in đã “đi quá xa” khi họ đòi "luận tội" Tổng thống với cáo buộc rằng Chính quyền của ông đã không đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, Hàn Quốc là một nền kinh tế mở cửa và phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Nếu các quốc gia tiếp tục đóng cửa biên giới, Hàn Quốc khi đó với nhu cầu nội địa ít ỏi rất khó có thể tồn tại chứ chưa nói là “tự một mình phát triển.”

Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm dự đoán dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc cho đến khi khoảng 60% người dân trên hành tinh này bị nhiễm virus SARS-CoV-2 rồi sau đó trở thành “miễn nhiễm.”

Điều này có nghĩa là các quốc gia nên chuẩn bị sẵn sàng để tham gia một cuộc chiến kéo dài đồng thời với hai kẻ thù: Dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế quy mô toàn cầu. Một số người bi quan hơn còn đưa ra cảnh báo về sự tái diễn của cuộc Đại suy thoái năm 1929.

[Kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ 1998]

Ở Hàn Quốc cũng vậy, những nhân tố yếu nhất của nền kinh tế quốc gia - các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhân viên bán thời gian - nói rằng: "Liệu có sự khác biệt nào nếu chúng ta chết vì virus hay chúng ta chết vì đói?."

Đây chính là những người không thể giữ "khoảng cách xã hội" (để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2) nếu họ muốn tiếp tục kiếm tiền và duy trì cuộc sống. Vì vậy, có thể nói Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để giành thắng lợi trong cuộc chiến diễn ra đồng thời trên cả hai mặt trận này.

Hàn Quốc có thể giữ dịch COVID-19 ở mức có thể kiểm soát được nếu tiếp tục duy trì những biện pháp đã và đang làm: Ngăn ngừa nhiễm trùng cụm, nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, theo dõi tất cả các trường hợp bệnh nhân được xác nhận cho đến khi kết thúc và tập trung điều trị những ca có triệu chứng nghiêm trọng.

Cuộc chiến chống suy thoái kinh tế có thể khó hơn nhiều, một phần vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra không phải do sai lầm trong quản lý kinh tế mà là bởi dịch bệnh làm tê liệt cả cung và cầu.

Nói tóm lại, các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên giúp cho các nhà sản xuất nhỏ trụ được, trong khi giúp người nghèo mua được nhu yếu phẩm hàng ngày, bao gồm cả thực phẩm.

Việc cắt giảm lãi suất cũng chẳng giúp ích gì nhiều, bởi giá trị của đồng nội tệ không thể giảm hơn nữa. Cách duy nhất còn lại là chính phủ cần tăng chi ngân sách nhiều hơn.

Ngày 24/3 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 100.000 tỷ won (khoảng 80 tỷ USD).

Bên cạnh đó, ông cũng công bố một loạt quỹ đặc biệt để bình ổn các thị trường chứng khoán và trái phiếu trong nước.

Dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế: Cuộc chiến kép của Hàn Quốc ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo tác giả bài viết, các con số trên có vẻ ít ỏi so với kế hoạch chi tiêu của Mỹ là 1.300 tỷ USD hay khoản ngân sách bổ sung trị giá 150 tỷ euro (khoảng 162,26 tỷ USD) của Đức.

Ngay cả khi thừa nhận khoảng cách về quy mô nền kinh tế, chi tiêu tài chính của Hàn Quốc chỉ chiếm 0,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với mức 2,3% GDP của Mỹ và 4,3% GDP của Đức.

Việc Tổng thống Moon Jae-in cho biết khoản ngân sách bổ sung không phải là kết thúc mà là “sự khởi đầu” là hoàn toàn có lý bởi giờ đây không phải lúc né tránh trách nhiệm. Do đó, việc chi ngân sách từ tiền nộp thuế của dân để thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu nên được thực hiện táo bạo, nhanh chóng và chính xác.

Bên cạnh đó, Chính quyền một số tỉnh và thành phố của Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện chi trả "trợ cấp thảm họa cơ bản" cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in nên sớm mở rộng ra quy mô toàn quốc.

Các nhà phê bình bảo thủ tỏ ra lo ngại rằng điều đó có thể trở thành khoản “thu nhập cơ bản phổ biến” sau khi đại dịch kết thúc như từng xuất hiện ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Tuy nhiên, để có được điều này, đòi hỏi cần có nhiều cuộc thảo luận hơn, bao gồm cách thức bổ sung nguồn tài chính và cách phân phối chúng.

Những người bảo thủ cũng viện dẫn “chủ nghĩa dân túy” trong thời gian sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15/4 tới và sức mạnh tài chính của quốc gia. Các ứng cử viên có thể và nên đưa ra một cam kết cho các khoản trợ cấp sinh hoạt (thậm chí còn) hào phóng hơn.

Tác giả bài viết đi đến kết luận rằng Hàn Quốc có kinh nghiệm vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á (năm 1997) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) và quốc gia này hoàn toàn có thể làm như vậy một lần nữa.

Chẳng hạn, nước này có thể bắt đầu bằng cách củng cố lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng cách xây dựng thêm nhiều bệnh viện dành riêng cho các bệnh truyền nhiễm và tạo ra một làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) khác với tên gọi "K-Health" dựa trên sự công nhận mang tính toàn cầu về các hệ thống và cơ sở y tế của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục