Dịch COVID-19: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ chống dịch

Chiều ngày 3/4 tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chủ trì cuộc họp trực tuyến với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19" với sự tham gia của đông đảo các hiệp hội ngành hàng, đại diện nhiều doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sự kiện được tổ chức nhằm ghi nhận, tổng hợp những vấn đề khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị Chính phủ tìm đường hướng, giải pháp và tăng cường phối hợp trong hành động để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay.  

Ông Lộc đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh. "Nhiều doanh nghiệp đang là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến này để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp đang là một chiến sĩ trong công cuộc chống dịch", ông Lộc nhấn mạnh. 

Theo khảo sát của VCCI, trên 80% doanh nghiệp cho biết, doanh thu của họ trong năm nay sẽ suy giảm so với năm ngoái. Hiện nay, Chính phủ đang ban hành nhiều chính sách và biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, đã có 15 văn bản của các bộ, ngành ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương hay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Tuy nhiên, một số bộ, ngành khác thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm.  

Qua tập hợp, ý kiến từ các doanh nghiệp kiến nghị cho phép và tiếp tục tạo thuận lợi để sản xuất và lưu thông hàng hóa và đặc biệt là đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, đề xuất cho phép hoạt động trở lại đối với công trình xây dựng đang bị đình chỉ do cách hiểu sai lệnh chỉ thị cách ly của Thủ tướng Chính phủ.

Một số doanh nghiệp, nêu ý kiến, Chính phủ cần công bố danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa ngay cả trong trường hợp cách ly chặt hơn như hiện nay. Việc không thanh, kiểm tra doanh nghiệp trong thời điểm này cũng cần phải được thực hiện triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vấn đề các ngân hàng thương mại không thu phí dịch vụ với các khoản giao dịch nhỏ và giảm lãi suất cho vay từ 1,5% đến 2,5% cho từng nhóm khách hàng trong thời gian dịch bệnh cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm kiến nghị. 

Khoản 3, Nghị định 20 về việc thực hiện hồi tố với các giao dịch liên kết, cũng được đặt vấn đề sửa đổi vì: “Nhiều quan điểm nói rằng, khi sửa Nghị định này thì ngân sách Nhà nước từ những năm trước đã quyết toán rồi. Nhưng đây là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Do đó, nếu giảm các khoản thuế cần nộp bằng cách giảm phần thuế của doanh nghiệp trong tương lai, nên không phát sinh chi phí cho ngân sách Nhà nước", ông Lộc nêu ý kiến.

Bàn về những tác động của dịch COVID-19, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết, do ảnh hưởng của dịch sẽ có 90% số doanh nghiệp chịu tác động theo từng mức độ khác nhau. Một số nhà nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đưa ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm do dịch COVID-19. Điều này đương nhiên tác động mạnh tới xuất khẩu dệt may. Mặc dù, chưa nói là sẽ ngừng bao nhiêu, nhưng theo ông Cẩm, đã có đối tác cắt hoàn toàn các đơn hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp Việt.

Ông Cẩm cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung khác từ trong nước và nguồn từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ,… để thay thế nguồn cung từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các nguyên vật liệu từ các nguồn cung nói trên chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã, giá cả lại cao hơn so với nguồn hàng từ Trung Quốc nên khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ của doanh nghiệp Việt”. Do đó, với ngành dệt may, dự kiến tăng trưởng có thể giảm khoảng 14%. Nếu quý II trở đi và trong điều kiện khả quan hơn khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được hồi phục thì có thể kéo theo và duy trì tăng trưởng cho ngành dệt may như trước; quý III và IV, sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. 

Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng thư ký VIDA cho biết, hiệp hội vừa khảo sát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp.

Theo đó, có 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do tác động của dịch bệnh. Cụ thể, tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30%-50%. Cá biệt, một số doanh nghiệp bị giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch. Bên cạnh đó là áp lực về tài chính, lãi vay đang là gánh nặng với doanh nghiệp trong bối cảnh vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản… Do đó, VIDA kiến nghị Chính phủ, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh. Kích thích các gói cho vay đầu tư trả chậm cho bà con nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến…

Câu chuyện về vấn đề lao động trong doanh nghiệp cũng được tập trung thảo luận tại cuộc họp trực tuyến. Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất: Không tăng lương tối thiểu trong năm 2021 và dừng thu phí công đoàn đến hết năm 2020 và giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% ít nhất là trong năm 2020, 2021. Bên cạnh đó, dừng và giảm khoản thu của quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng đến 12 tháng và giảm từ 1% xuống 0,5%. Một số doanh nghiệp nêu ý kiến, sử dụng nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động khi người lao động phải nghỉ việc vì không có việc làm. Đồng thời, dùng nguồn kết dư này để cộng nguồn của Ngân hàng Chính sách Xã hội có thể cho doanh nghiệp vay... 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, liên kết doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Đồng thời, tranh thủ đào tạo và đào tạo lại nhân viên trong bối cảnh hiện nay. Song song đó, các doanh nghiệp cần tập trung tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị theo hướng phát triển bền vững. Bởi, các nước sau đại dịch đều sẽ rất quan tâm đến thị trường nội địa. Chính vì lẽ đó, yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số cần phải được chú trọng nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay, đi đôi với thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp”. 

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ tiếp tục thực hiện nhanh Chính phủ điện tử và thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế; tích cực giảm mạnh và đơn giản hóa các thủ tục; nhất là miễn thu phí các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh vượt qua dịch COVID-19.

Thạch Huê  (TTXVN)
Dịch COVID-19: Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó
Dịch COVID-19: Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó

Tổng cục Thống kê cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở mức gia tăng thấp của số doanh nghiệp thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh cũng như quy mô doanh nghiệp và sự gia tăng mạnh của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN