Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước Đông Nam Á

Malaysia hiện là quốc gia có số người nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với 3.333 trường hợp.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước Đông Nam Á ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 30/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Reuters đưa tin Malaysia ngày 3/4 đã ghi nhận thêm 217 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 3.333 người.

Như vậy, Malaysia hiện là quốc gia có số người nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Bộ Y tế Malaysia đã xác nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19 trong cùng ngày, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này lên thành 53 người.

Cũng trong ngày 3/4, Indonesia cũng xác nhận có thêm 196 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 1.986 người.

Trong khi đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 181 người, sau khi có thêm 11 ca tử vong mới. Hiện 134 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Tình báo Indonesia dự báo 106.000 người nhiễm COVID-19 vào tháng 7

Ngày 2/4, Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN) dự báo sẽ có 23.307 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này vào cuối tháng Tư.

Số người nhiễm SARS-CoV-2 tại Indonesia sẽ tiếp tục tăng cho tới tháng Bảy, có thể lên tới 95.451 người vào cuối tháng Năm, 105.765 người vào cuối tháng Sáu, và 106.287 người vào cuối tháng Bảy.

[Infographics] 5 nước Đông Nam Á có hơn 1.000 ca mắc COVID-19

Tuy nhiên, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ông Doni Monardo, nhấn mạnh rằng dự báo trên sẽ không xảy ra nếu Indonesia thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc.

BIN cũng dự báo dịch COVID-19 có nguy cơ hoành hành tại 50 trong tổng số 100 thành phố và huyện trên khắp cả nước, trong đó 49% trên đảo Java.

Ngoài ra, 10 tỉnh gồm Tây Java, Yogyakarta, Nam Sulawesi, Bali, Đông Kalimantan, Bắc Sumatra, Papua, Aceh, Đông Nam Sulawesi và Maluku có nguy cơ lâm vào tình trạng thiếu cơ sở và trang thiết bị y tế để điều trị cho những người nhiễm bệnh.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Terawan, 2.867 bệnh viện công và tư trên khắp cả nước hiện chỉ có 8.000 máy thở.

Trước đó, một nghiên cứu được Đại học Indonesia (UI) công bố ngày 27/3 cho thấy khoảng 2,5 triệu người dân nước này có thể bị lây nhiễm và hơn 240.000 người tử vong do COVID-19 nếu không có sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền nước này.

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm mô hình toán học về các bệnh truyền nhiễm (CMMID) của Anh dự báo số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia có khả năng lên tới 1 triệu ca vào cuối tháng Tư, trong khi Bộ Y tế Indonesia ước tính khoảng 600.000-700.000 người dân Indonesia có nguy cơ bị mắc bệnh này.

Thái Lan xem xét các biện pháp mạnh mẽ để đối phó với COVID-19

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Naruemon Pinyosinwat ngày 3/4 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang nghiêm túc xem xét các biện pháp quyết liệt hơn, có thể áp đặt lệnh giới nghiêm hoàn toàn nếu số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và số người bị tử vong do dịch bệnh này không giảm đi trong vòng một tuần tới.

Trước đó, hôm 2/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng, có hiệu lực từ ngày 3/4 cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Để thực hiện lệnh giới nghiêm, hệ thống tàu điện công cộng ở thủ đô Bangkok đã thông báo giờ đóng cửa vào lúc 21 giờ 30, trong khi các cơ sở phục vụ sinh hoạt khác cũng đã điều chỉnh giờ đóng cửa cho phù hợp.

Theo người phát ngôn Naruemon, Thủ tướng Prayut chưa muốn áp dụng các biện pháp khắc nghiệt, tức là cấm tất cả mọi người rời khỏi nhà vào mọi thời điểm, nhưng quyết định của ông sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của công chúng chấp hành lệnh ở nhà và thực hành giãn cách xã hội.

Tình hình dịch COVID-19 tại Thái Lan vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ngày 3/4, Thái Lan đã công bố thêm 103 ca nhiễm virus SARS-Cov-2 và 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước ngày lên 1.978 (riêng tại thủ đô Bangkok là 1.049 ca) và tổng số người tử vong lên 19 bệnh nhân.

Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm và tử vong được công bố ngày 3/4, số ca nhiễm trong độ tuổi từ 20-29 tăng mạnh và có 1 trường hợp là một nam nhân viên đường sắt 59 tuổi không có lịch sử bệnh mãn tính, bị ốm nặng từ ngày 31/3 và tử vong vào ngày 2/4, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Philippines có thêm 385 ca nhiễm SARS-CoV-2

Reuters đưa tin Bộ Y tế Philippines ngày 3/4 thông báo Philippines xác nhận có thêm 385 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 3.018 người.

Bên cạnh đó, Philippines còn ghi nhận thêm 29 ca tử vong do dịch COVID-19.

Đây là số ca cử vong nhiều nhất chỉ trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này, nâng tổng số ca tử vong lên thành 136./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục