Tác động hai mặt đối với Ấn Độ khi giá dầu sụt giảm

Giá dầu thấp sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến các nền kinh tế GCC, khiến các lao động Ấn Độ đang làm việc tại đây đối mặt nguy cơ mất việc, phải trở về nước, trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn kiều hối
Tác động hai mặt đối với Ấn Độ khi giá dầu sụt giảm ảnh 1Công nhân làm việc tại một cây xăng ở Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng eurasiareview.com, dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đã tác động đến mọi lĩnh vực và ngành nghề trên thế giới, đặc biệt là thị trường năng lượng.

Giá dầu thô đã giảm gần 40% sau tác động của cú sốc về nguồn cung-cầu khi Saudi Arabia và Nga không đạt được thỏa thuận về sản lượng.

Mỹ, một trong những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, cũng không tránh khỏi tổn thương khi giá dầu hiện đã giảm xuống hơn cả mức hòa vốn đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến.

Giá dầu sụt giảm cùng những hệ quả của nó là điều dư luận đặc biệt quan tâm. Ấn Độ, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, chắc chắn cũng cần tính đến những ảnh hưởng từ kịch bản này.

[Ấn Độ chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới]

Mỹ đã trở thành một nhà cung cấp dầu mỏ cho Ấn Độ trong vài năm trở lại đây, do vậy New Delhi cần nắm bắt thông tin và sự biến động của ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ cũng như triển vọng của ngành công nghiệp này.

Tại Mỹ, hiện có hàng nghìn nhà sản xuất dầu đá phiến, và giá dầu bán ra cần duy trì ở mức 27-37 USD/thùng để bù vào chi phí sản xuất, ở mức 48-54 USD/thùng để có lợi nhuận khai thác thêm giếng dầu mới.

Với mức giá dầu dưới 30 USD/thùng như hiện nay, nhiều nhà sản xuất sẽ đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Trong bối cảnh này, ngành công nghiệp dầu đá phiến sẽ cắt giảm số lượng giếng dầu khai thác mới, góp phần giảm lượng thặng dư dầu mỏ trên toàn cầu và đẩy giá dầu lên.

Các giếng dầu đá phiến khai thác đơn giản hơn so với các giếng dầu truyền thống và có thể nhanh chóng tái vận hành hoạt động. Ngành công nghiệp này đã chứng tỏ được sự bền bỉ của mình.

Trong cuộc khủng hoảng dầu gần đây nhất (2015-2016), không ít người từng lo ngại nguy cơ ngành công nghiệp này sẽ phá sản. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã giảm các chi phí và họ rất có thể sẽ lặp lại những nỗ lực này. Vì vậy, khó có khả năng ngành sản xuất dầu mỏ Mỹ đột ngột sụp đổ.

Bất chấp lo ngại của các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), chi phí sản xuất của họ khá thấp, chỉ khoảng 10 USD/thùng, vì vậy trong bối cảnh hiện nay, tình trạng thua lỗ khó có thể xảy ra.

Sản lượng bị cắt giảm tùy thuộc vào định hướng của từng chính phủ, vốn muốn giá dầu duy trì ở mức cao vì đây là nguồn thu chính của ngân sách. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga cũng theo xu hướng này, và việc điều chỉnh sản lượng sẽ do chính quyền quyết định.

Đối với Ấn Độ, giá dầu thấp vừa có lợi, vừa có hại. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 1,4 tỷ thùng dầu mỗi năm. Giá dầu sụt giảm gần một nửa, từ 110 USD/thùng xuống 60 USD/thùng, Ấn Độ đã tiết kiệm được ước tính 75 tỷ USD/năm tiền mua dầu, và số tiền này có thể sử dụng để hồi phục nền kinh tế.

Tuy nhiên, Ấn Độ là một trong những nước nhận nguồn kiều hối lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 78 tỷ USD trong năm 2018. Hầu hết số tiền này đến từ 8 triệu lao động Ấn Độ đang làm việc tại các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ GCC.

Giá dầu thấp sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến các nền kinh tế này, khiến các lao động Ấn Độ đang làm việc tại đây đối mặt nguy cơ mất việc làm và phải trở về nước, trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn kiều hối.

Sợ hãi luôn xuất hiện trong mọi cuộc khủng hoảng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá dầu sụt giảm là lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, và điều này không hề có lợi cho bất kỳ nền kinh tế nào, kể cả Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục