Australia tiến hành thử nghiệm giai đoạn một vắcxin COVID-19

Tiến trình thử nghiệm dự kiến kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, tại cơ sở thiết lập an toàn sinh học mức độ cao ở Geelong.
Australia tiến hành thử nghiệm giai đoạn một vắcxin COVID-19 ảnh 1CSIRO nghiên cứu sản xuất vắcxin chống COVID-19. (Nguồn: AAP)

Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một vắcxin COVID-19 trên hai con chồn sương tại Phòng thí nghiệm Thú y Australia ở thành phố Geelong (bang Victoria).

Chồn sương được cho là có hệ thống hô hấp tương tự như con người, phù hợp cho việc thử nghiệm vắcxin.

Hai con chồn sẽ được tiêm vắcxin và giữ trong 4 tuần để hệ miễn dịch của chúng phát triển. Sau đó, chúng sẽ được tiêm một liều virus SARS-CoV-2 và bắt đầu tiến hành theo dõi các phản ứng cơ thể.

Tiến trình thử nghiệm dự kiến kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, tại cơ sở thiết lập an toàn sinh học mức độ cao ở Geelong.

Thử nghiệm trước mắt chỉ sử dụng đối tượng là động vật để kiểm tra xem liệu loại vắcxin tiềm năng, do Đại học Oxford (Anh) và Hãng Dược phẩm Inovio (Mỹ) sáng chế, có an toàn và hiệu quả hay không.

Việc thử nghiệm vắcxin COVID-19 hiện đang tiến hành song song tại một số quốc gia khác nhau trên thế giới, trong nỗ lực cùng nhau tìm kiếm vắc-xin chữa trị cho đại dịch COVID-19.

Các nỗ lực này hầu hết do Tổ chức Sáng kiến Phòng chống Dịch bệnh thế giới (CEPI) điều phối, trong đó CSIRO đóng một vai trò rất quan trọng. CSIRO là tổ chức nghiên cứu đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tạo ra đủ lượng virus - sử dụng chủng virus được phân lập bởi Viện nghiên cứu Peter Doherty ở Melbourne - để cho phép các công trình khoa học nghiên cứu tiền lâm sàng và COVID-19.

[Nga sắp thử nghiệm vắcxin phòng bệnh COVID-19 trên người]

Trong khi đó, theo Sputnik, ngày 1/4, bộ phận báo chí của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo cơ quan này sẽ gửi cho hơn 40 quốc gia lô đầu tiên thiết bị giúp chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, trị giá khoảng 4 triệu euro.

Thông báo lưu ý rằng IAEA đã nhận được yêu cầu từ khoảng 90 quốc gia thành viên trên toàn thế giới đề nghị giúp đỡ trong việc kiểm soát sự gia tăng số lượng người nhiễm bệnh.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nói: "Nhân viên IAEA nỗ lực hết sức mình để đảm bảo rằng thiết bị quan trọng này được giao nhanh nhất có thể đến nơi cần thiết nhất. Việc cung cấp hỗ trợ này là ưu tiên tuyệt đối của cơ quan."

Cùng với thiết bị và dụng cụ chẩn đoán, các quốc gia sẽ nhận được thuốc thử và vật tư tăng tốc quá trình xét nghiệm, cũng như thiết bị bảo vệ cá nhân và phòng thí nghiệm để phân tích an toàn các mẫu được lấy.

Lô đầu tiên sẽ được đưa đến hàng chục phòng thí nghiệm ở châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh và Caribe. Việc cung cấp các lô tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Thông báo cho biết IAEA dựa vào các nguồn lực của chính mình, cũng như tài trợ bổ sung, để cung cấp hỗ trợ này trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.

Các quốc gia thành viên đã công bố đóng góp hơn 9,5 triệu euro, bao gồm 6 triệu USD của Mỹ, 5 triệu CAD của Canada (khoảng 3,5 triệu đô la Mỹ) và 500.000 euro của Hà Lan. Sự đóng góp quan trọng của Australia cũng được ghi nhận.

Ngoài ra, Trung Quốc đã thông báo cho IAEA về việc chuyển giao thiết bị chẩn đoán, dụng cụ, thuốc thử và các vật liệu y tế khác với tổng trị giá 2 triệu USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục