Nụ cười rạng rỡ của những bệnh nhân đã kết thúc giai đoạn điều trị, hay những cái ôm, cái bắt tay thật chặt của những người vừa hoàn thành trách nhiệm cách ly tập trung… như những liều “dopping” cho đội ngũ y bác sĩ và những người làm công tác hậu cần - những chiến sĩ đang làm một công việc thầm lặng nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

Từ ngày vào cách ly tại Sư đoàn 317 đến nay đã hơn 10 ngày, ngày nào bạn Lê Thúy Hiền cũng chứng kiến cảnh các chú bộ đội leo lên leo xuống cầu thang bộ hàng chục lần/ngày để đi phát cơm, vận chuyển đồ đạc, khử trùng, đưa tờ khai xét nghiệm... hay đơn giản chỉ là nhận giúp và giao những hơn hàng mà người cách ly đặt mua qua mạng. Nhìn những chiếc áo kín mít luôn đẫm mồ hôi, nhưng ánh mắt các chú vẫn luôn thể hiện sự vui tươi, nụ cười trìu mến càng khiến những người đang tham gia cách ly như Hiền có thêm quyết tâm thực hiện thật tốt công việc cách ly.

“Hôm nào bọn em cũng được các chú bộ đội động viên, cố gắng hoàn thành cách ly. Các chú còn nói bà con, đồng bào thực hiện cách ly càng tốt sẽ càng nhanh về nhà. Không những vậy, các chú còn tặng quà cho từng người nữa. Dù không biết quà là gì, nhưng được các chú bộ đội tặng quà cũng đã thấy vui rồi. Khi nghe các chú gọi hai tiếng “đồng bào”, bọn em cảm thấy rất thân thương, gần gũi, bởi các chú coi bọn em như người nhà và chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ rất chu đáo”, Hiền chia sẻ.

Bên trong khu cách ly tập trung, người cách ly được khám và đo nhiệt độ hàng ngày để bác sỹ nắm và theo dõi tình hình sức khỏe.

Tương tự, bạn Trần Tuấn Anh, du học sinh Ý hiện cách ly tại Quận 9, cho biết: “Mình đang ăn tối thì một anh trong bộ đồ bảo hộ kín mít bước vào: "Tuấn Anh à, em đang ăn cơm à, anh xin lỗi nhưng chuyển phòng qua bên kia dùm anh được không vì có người mới về, đang gấp lắm em, thông cảm giúp anh nhé". Thật ra, mình cũng chưa biết tên anh này là gì, thậm chí còn chả biết mặt mũi thế nào vì lúc nào anh ấy cũng đeo khẩu trang, chỉ nhớ mỗi cái giọng nói miền Trung. Từ những ngày đầu về khu cách ly, anh ấy là người mình ấn tượng nhất vì sự ân cần của anh. Mỗi lần gặp là lại khuyên mình đeo khẩu trang, rửa tay hay cần gì thì nói ảnh, lâu lâu lại nói “Thôi ráng đi, mấy ngày nữa là ra rồi”.

Tuấn Anh kể tiếp: “Sau khi em dọn đi, anh ấy nhanh chóng xịt khử trùng phòng của mình cho "bạn mới" vào. Rồi lại chạy qua chạy lại thu xếp cho người mới cũng như đốc thúc người cũ, một lúc sau mới nghỉ ngơi được, vừa đứng vừa thở mà mồ hôi cứ rơi tầm tã trên mặt. Cách ly là điều mà không ai mong muốn, nhưng vì sức khỏe cộng đồng nên mình phải cố gắng đón nhận. Điều kiện cách ly chắc chắn không tiện nghi như ở nhà nhưng những người nhân viên tận tâm, ân cần mà mình xin được gọi là "những anh hùng đeo khẩu trang" luôn cố gắng hết sức từng ngày để chúng ta cảm thấy thoải mái nhất. Xin cảm ơn các “anh hùng đeo khẩu trang!”.

Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của lực lượng hậu cần trong khu cách ly tại Kí túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

"Còn mấy ngày nữa là được tái hoà nhập cộng đồng, thú thật là trước khi về Việt Nam mình cũng có lo lắng vì cách ly tập trung. Nhưng cuộc sống những ngày qua khiến mình rất biết ơn và cảm kích. Không chỉ bản thân mình, mọi người ở những phòng bên đều rất trân trọng khoảng thời gian này. Có lẽ trải nghiệm cách ly ở mỗi nơi mỗi khác, nên ý kiến của mình chỉ mang tính cục bộ. Mình cảm thấy may mắn khi được ở tại trường Quân khu 7, được các bác sỹ và anh chị em chiến sỹ chăm sóc tận tình từ sức khoẻ, bữa ăn cho đến nhu cầu cá nhân", Nguyễn Tăng Quang, một du học sinh về từ Anh đang thực hiện cách ly cho biết.

Hai giờ sáng, khi mọi người còn đang say trong giấc nồng thì bên trong khu cách ly Sư đoàn 317 (Quân khu 7), những chiến sỹ hậu cần đã lục đục thức dậy bật bếp, lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn để đến đúng 6 giờ sáng sẽ có những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho những người đang thực hiện cách ly trong đơn vị.

Các chiến sỹ hậu cần của Sư đoàn 317 phải thức dạy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị những bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng cho người cách ly tập trung.

Em Phương Tiến Đạt, chiến sỹ nuôi quân Tiểu đoàn 10 thuộc Sư đoàn 317, cho biết em vào Tiểu đoàn đã hơn 1 năm và cũng khá quen thuộc với công việc chuẩn bị các bữa ăn cho các cán bộ, chiến sỹ trong Sư đoàn. Tuy nhiên, khi nhận lệnh cùng anh em nấu cơm cho người cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19, ban đầu em cũng hơi lo lắng. Lo lắng bởi không biết nấu cơm cho người cách ly sẽ cần và khác gì so với nấu cơm cho các chiến sỹ; lo lắng vì công việc sẽ tăng lên và thời gian thức dậy sẽ sớm hơn mà không biết mình có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ mới hay không…

Các dân quân tự vệ tại KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm đủ thứ việc trong đó có kiêm thêm công việc vận chuyển đồ tiếp tế cho người cách ly.

Tuy nhiên, sau khi được cấp trên “đả thông tư tưởng” rằng đây là nhiệm vụ của bộ đội là cùng cả nước tham gia “chống dịch như chống giặc” vì vậy những chiến sỹ nuôi quân như Đạt cũng cảm thấy vững tin hơn và sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao.

“Chỉ với 26 chiến sỹ hậu cần, nhưng mỗi bữa ăn, mọi người phải chuẩn bị khoảng 1.000 suất phục vụ cho những người đang thực hiện cách ly, người phục vụ trong khu cách ly và toàn bộ cán bộ, chiến sỹ trong Sư đoàn 317. Dù khối lượng công việc vất vả hơn, nhưng khi nghe các chiến sỹ báo về là bà con ăn cơm khen ngon, ăn hết cơm và còn gửi lời cảm ơn các chiến sỹ hậu cần là bọn em thấy rất vui, lại có thêm động lực để tiếp tục nấu những bữa cơm ngon, canh ngọt cho bà con”, Phương Tiến Đạt vừa cười vừa cho biết.

Hàng ngày, với bộ quần bảo hộ màu xanh kín mít từ đầu đến chân, các anh dân quân tự vệ trong khu cách ly tại Kí túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) ngày nào cũng chạy từ tầng nọ sang tầng kia để đưa cơm, đặc biệt còn vận chuyển hàng ngàn vật phẩm, nhu yếu phẩm mà người thân của những người cách ly nhờ chuyển dùm cho người đang thực hiện cách ly.

Thời tiết TP Hồ Chí Minh khá nóng nhưng lúc nào các chiến sỹ, dân quân tự vệ cũng phải mang bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân để mang cơm cho người đang thực hiện cách ly.

Anh Nguyễn Việt Cường, chiến sỹ dân quân phường Hiệp Bình Chánh (Quận Thủ Đức) đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trải lòng: “Thời tiết TP Hồ Chí Minh mùa này cực nóng, mỗi ngày đi giao cơm mồ hôi ai cũng vã ra như tắm, chưa kể mùi thuốc sát trùng xộc thẳng vào mũi, da tay ai cũng bong tróc hết vì phải sát khuẩn liên tục khi vào khu cách ly. Thế nhưng mọi người không ai nề hà mà còn coi đó là nhiệm vụ phải hoàn thành”.

Bệnh viện Quận 2 thực hiện siêu thị 0 đồng trong khu cách ly tập trung để người cách ly tùy ý chọn các món đồ mình cần dùng.

Theo anh Cường, khi nhận nhiệm vụ lên đường hỗ trợ công tác cách ly trong KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thời gian đầu có nhiều nỗi lo về mặt chuyên môn cũng như đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Tuy nhiên, qua thời gian và dưới sự hướng dẫn đào tạo của cán bộ y tế tại khu cách ly, anh và các bạn dân quân cũng đã bớt lo, thay vào đó là cảm thấy có trách nhiệm hơn với việc làm ở đây. “Mỗi ngày, đội dân quân tự vệ ở đây đều phải cố gắng làm việc tới 200% công lực để luôn đảm bảo an toàn cho các bạn sinh sống trong cách ly”, anh Cường nói.

Trong khi đó, anh Võ Hồng Đức, chiến sỹ dân quân phường Hiệp Bình Phước (Quận Thủ Đức) cho biết, sau khi làm việc ở đây một thời gian bản thân cũng đã không còn lo sợ nữa, bởi anh biết mình đang làm công việc bảo vệ sức khỏe chung cho đồng bào.

“Khi mình vào đây, mình đã giấu người yêu và gia đình, bởi mình sợ gia đình và người thân sẽ ngăn cản mình làm nhiệm vụ. Đến ngày công tác thứ ba, mình mới thông báo cho người nhà và người yêu, lúc đó họ đều bày tỏ sự lo lắng cho mình. Tuy nhiên, khi thấy mình vui vẻ và công tác tốt nên người thân mình cũng bớt đi nỗi lo phần nào, còn tin tưởng, khuyên nhủ mình cố gắng cống hiến nhiều cho công việc này”, anh Đức nói.

10 giờ đêm ngày 20/3, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện quận Thủ Đức bắt đầu nhận được lệnh điều động, lập tức lên đường trong đêm đến làm việc tại khu cách ly tại KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sau khi tập kết tại khu vực cách ly, đoàn bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức phối hợp với các nhân viên y tế Bệnh viện Quận 9, Quận 2, Trung tâm y tế dự phòng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, lực lượng dân quân tự vệ... hỗ trợ gần 1.000 bà con kiều bào đang làm việc và học tập tại nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong khu cách ly đặc biệt.

“Vừa xuống xe, không ai biết ai, nhưng bà con kiều bào vừa nhìn thấy y bác sỹ, điều dưỡng là khóc quá trời khiến ai cũng bất ngờ. Mọi người cứ cảm ơn, cảm ơn rồi lại cảm ơn! Tôi không biết họ cảm ơn gì nhưng nhìn thấy đồng bào mình khóc qua chiếc kính bảo hộ, tôi cũng khóc theo bà con! Nhìn thấy bà con mình, tự dưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi nghĩ họ đã phải kìm nén, nín thở suốt chuyến bay đến khi được đặt chân lên đất nước Việt Nam, họ chỉ biết òa khóc”, điều dưỡng Khiếu Ngọc Hoàn Tâm, làm việc khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết.

Các điều dưỡng, bác sỹ làm việc trong khu cách ly tập trung cũng phải thực hiện cách ly 14 ngày.

Từ thời điểm đó đến sáng ngày hôm sau, mọi công việc khám sàng lọc vẫn chưa kết thúc. Mặc dù ai cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng nhìn đồng bào đứng đợi cả đêm để chờ đến lượt thì mọi mệt mỏi cũng tan biến. Khi đó, mọi người chỉ còn biết làm thật nhanh để bà con được về phòng nghỉ ngơi sau hàng tiếng dài ngồi trên máy bay trở về nước.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Ngày 28 Tết là ngày rất đáng nhớ trong cuộc đời hành nghề y của tôi khi khoa Bệnh nhiệt đới là nơi được chọn để cách ly hai bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam. Lúc này cái tết sum vầy đối với đội ngũ bác sỹ điều trị trong khu cách ly đặc biệt phải tạm gác qua một bên, bởi phía trước chúng tôi là cuộc chiến không khoan nhượng với virus Corona”.

Trao giấy xuất viện cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

“Những người được chọn tham gia chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đều là bác sĩ, điều dưỡng giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở các đợt chống dịch SARS, H5N1, H1N1 trước đó. Phải nói thật, chính họ là những người dũng cảm nhất bởi khi có dịch bệnh nguy hiểm nhiều người sợ lây bệnh, nhưng riêng các bác sĩ trong khoa vốn là nơi "đầu sóng ngọn gió", lại phải tiến đến thật gần để chăm sóc, điều trị cho người bệnh và giúp họ chiến thắng dịch bệnh, dẫu biết đó cũng là đang đối diện với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.

Có thể khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, người cuối cùng đối diện trực tiếp với dịch bệnh COVID-19 chính là các bác sỹ điều trị trong khu cách ly đặc biệt tại các bệnh viện tuyến đầu ở thành phố. Bởi hàng ngày, hàng đêm, đội ngũ bác sỹ này phải âm thầm chiến đấu với virus để giành giật sự sống cho người bệnh. “Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ y, bác sĩ và các chiến sĩ ở bệnh viện. Những ngày qua là khoảng thời gian tuyệt vời đối với em. Ở đây, các y bác sĩ và các chiến sĩ xem chúng em như người thân trong gia đình. Em sẽ không bao giờ quên những ngày điều trị tại đây”, bệnh nhân P.A vừa được điều trị thành công và xuất viện ngày 29/3 đã không nén được cảm xúc của mình, cho biết.

Các chiến sỹ của Sư đoàn 317 làm những món quà nhỏ để tặng cho những người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung như lời gửi gắm tình cảm "tình quân dân như cá với nước".

Khi chia tay các anh bộ đội, chiến sỹ dân quân tình nguyện, bác sỹ điều trị trong những khu cách ly, trong đầu chúng tôi cứ nhớ như in những câu thơ mà các bạn thực hiện cách ly viết gửi tặng những “anh hùng” mùa dịch COVID-19:

Ngày đêm không mỏi
Theo dõi hằng giờ
Chuyển đồ viện trợ
Chẳng sợ thờ ơ
Sáng, trưa, chiều, tối
Nước uống, đồ ăn
Giúp người khó khăn
An tâm phòng dịch
Dân quân tự vệ
Niềm tin mọi người
Đẹp sao tuổi trẻ
Giữa mùa chơi vơi!

Nhóm phóng viên TP Hồ Chí Minh thực hiện

02/04/2020 09:17