Chuyên gia Trung Quốc khuyến cáo phương Tây sử dụng khẩu trang

Ông Gao cho biết, đeo các thiết bị che mặt sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2 bởi người mang mầm bệnh đã có và chưa có triệu chứng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân ở Mỹ và châu Âu đã sai khi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong đại dịch COVID-19. Đây là nhận định của ông Gao Gao Fu - người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn tạp chí uy tín Science.

"Virus này được truyền qua các giọt bắn (droplet) và tiếp xúc gần. Bạn phải đeo khẩu trang, vì khi bạn nói, luôn có những giọt nước bắn ra từ miệng bạn,” ông Gao khẳng định.

Phát biểu của ông Gao cùng trùng với ý kiến của nhiều chuyên gia hàng đầu khác về dịch tễ, kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới không nên đưa ra thông điệp “người khỏe mạnh thì không cần khẩu trang.”

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng chỉ những người có triệu chứng nhiễm COVID19 hoặc những người chăm sóc người bệnh COVID 19 mới cần đeo khẩu trang.

Hầu hết các cơ quan y tế châu Âu và Hoa Kỳ đều có quan điểm tương tự, trích lý do thiếu nguồn cung y tế.

[Số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu vượt ngưỡng 30.000 người]

Đầu tháng 3, Cộng hòa Séc đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thi hành lệnh bắt buộc mọi đeo khẩu trang - bao gồm cả khẩu trang tự chế, khi ở trong lẫn ngoài nhà. Hàn Quốc đã khuyên tái sử dụng khẩu trang nếu cần thiết.

Ông Gao cho biết, đeo các thiết bị che mặt sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2 bởi người mang mầm bệnh đã có và chưa có triệu chứng.

“Khẩu trang có thể giúp ngăn virus thoát ra và lây nhiễm cho người khác,” ông Gao nói. Ông cũng là một thành viên của đội phân lập Sars-CoV-2 tại Trung Quốc.

Trong văn bản khuyến cáo mới nhất được CDC Trung Quốc ban hành vào ngày 22/3 bởi, mọi người không cần phải đeo khẩu trang khi họ ở nhà hoặc trong một không gian mở. Nhưng trong văn phòng, phòng họp, thang máy và trên phương tiện giao thông công cộng thì có, cơ quan này cho biết.

Ông Gao cũng đã kêu gọi bổ sung công tác đo nhiệt độ ở nơi công cộng tại châu Âu và Mỹ để phát hiện những người có thể có triệu chứng của COVID-19.

“Tại Trung Quốc, mọi người đều phải được đo thân nhiệt trước khi đi vào một nơi nào đó,” ông nói. “Cần đảm bảo người bị sốt không được vào trong.”

Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến 1/4, trên 700.000 người trên thế giới đã nhiễm SARS-CoV-2, khiến hơn 36.000 người tử vong, trong đó Mỹ và Italy là hai tâm dịch lớn nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục