Thêm một tuyến giao thông tại Cà Mau tiếp tục sụp lún nghiêm trọng

Toàn bộ phần lề đường và hơn một nửa phần mặt đường phía trái tuyến Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc giáp kênh Cơi Năm đã bị sụp lún hoàn toàn với chiều dài khoảng 20m, chiều sâu khoảng 2,5m.
Thêm một tuyến giao thông tại Cà Mau tiếp tục sụp lún nghiêm trọng ảnh 1Tuyến đường Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc tiếp tục sụt lún nghiêm trọng với chiều dài 20m. (Ảnh:TTXVN phát)

Ngày 31/3, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết tuyến đường Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời tiếp tục sụt lún nghiêm trọng tại vị trí Km19+220 cách điểm sụt lún ngày 15/3 tại Km19+250 khoảng 30m hướng về cầu Cơi Năm.

Thời điểm sụt lún đường xảy ra vào ban đêm, nhưng không gây thiệt hại về người.

Ngay sau khi sụt lún đường giao thông, chính quyền địa phương đã nhanh chóng bố trí rào chắn cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân, phương tiện (xe 2 bánh) lưu thông bằng cách đi vòng qua tuyến đường giao thông nông thôn rộng 1,5m đối diện kênh Cơi Năm.

[Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng]

Ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cà Mau, cho biết qua kiểm tra hiện trường, toàn bộ phần lề đường và hơn một nửa phần mặt đường phía trái giáp kênh Cơi Năm đã bị sụp lún hoàn toàn với chiều dài khoảng 20m, chiều sâu khoảng 2,5m.

Nguyên nhân sụt lún tuyến Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc tại vị trí Km19+220 được nhận định tương tự như những lần đã từng xảy ra trước đây tại vị trí Km19+250 và Km16+600 là do chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường với đáy kênh, hạn hán khiến nguồn nước trong kênh khô cạn làm phản áp của nước mất đi...

Ngoài ra, đất nền đường khô, nứt nẻ, rời rạc làm suy giảm khả năng chịu lực cũng được xem là nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún đường giao thông.

Trước đó, ngày 26/3, Sở Giao thông Vận tải Cà Mau có báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo sửa chữa, khắc phục sụt lún tuyến đường Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc tại vị trí Km19+250 và Km16+600. Theo đó, phần mặt đường bị sụt lún được đắp trả bằng cát, phía ngoài tạm thời đắp đất để giữ lề (đắp từng lớp theo chiều cao đắp cát).

Trong quá trình đất giữ lề có thể sử dụng gỗ địa phương để gia cố làm bờ bao. Phía trên phần mặt đường thi công lớp cấp phối đá dăm đến cao độ mặt đường hiện hữu để đảm bảo cho xe lưu thông.

Kế tiếp là tiếp tục bù lún cho đến khi mặt đường ổn định thì mới thi công lớp tráng nhựa.

Hiện nay, hệ thống kênh thủy lợi bị khô cạn nên không thể vận chuyển thiết bị và vật tư phục vụ thi công. Còn đường bộ thì không đảm bảo an toàn.

Theo nhận định của Sở Giao thông Vận tải Cà Mau, mặt đường Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc có dấu hiệu mất ổn định, nguy cơ sụt lún rất cao và không đảm bảo cho việc vận chuyển thiết bị và vật tư bằng đường bộ để thực hiện sửa chữa, khắc phục sụt lún đường giao thông trong thời điểm khô hạn.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải Cà Mau đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh tạm thời chưa tiến hành ngay việc sửa chữa, khắc phục tại 2 vị trí sụt lún (Km19+250, Km16+600) trên tuyến đường Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc, chờ đến mùa mưa để nền đường ổn định trở lại thì mới triển khai thi công để đảm bảo an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục