Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Vào vùng tâm dịch


(31/03/2020 11:02:05)

Có nên xông thẳng vào vùng dịch hay không? Làm sao để vừa an toàn cho bản thân và những người xung quanh vừa có những tác phẩm chân thực, xúc động?... Những câu hỏi đó là áp lực với tôi cũng như nhiều phóng viên theo dõi y tế trong những ngày đồng hành với cuộc chiến chống dịch COVID-19. Mười năm theo dõi lĩnh vực y tế, với tôi đây là đợt chiến đấu dài lâu, cam go và nhiều lo lắng nhất.

Phóng viên báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) Cao Thùy Giang (thứ hai, bên trái) phỏng vấn bác sỹ tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Ăn Tết với máy tính

Đến nay, đã hơn 60 ngày, kể từ khi Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi nhằm cập nhật tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp, ngày 15/1.

Ngày 30 Tết, khi không khí tất niên hiện diện trong từng ngôi nhà và khắp phố phường, mọi hoạt động dường như đã tạm lắng xuống, những phóng viên y tế chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi, bám trụ cuộc họp nóng của Ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra vào 11 giờ tại Bộ Y tế, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để thông tin về những ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Trưa hôm ấy, chúng tôi dự đoán rằng, dễ năm nay phóng viên y tế không có Tết. Quả thực, thông tin về dịch bệnh COVID-19 liên tục được Bộ Y tế đưa ra ngay sau khi ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận. Những ngày nghỉ Tết, đi đâu tôi cũng kè kè chiếc máy tính xách tay bên cạnh, sẵn sàng cập nhật những thông tin mới nhất về dịch COVID-19.
 
Viết sao để không nhạt

Khó khăn nhất trong đợt tác nghiệp này là bên cạnh những con số nóng hổi về những ca nhiễm mới tại Việt Nam, những cảnh báo phòng chống dịch tới người dân, thì việc có những bài viết chân thực ghi nhận cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh, những vất vả, lo âu của các y bác sỹ đang ngày đêm điều trị bệnh cũng hết sức quan trọng.

Trong tôi có một sự mâu thuẫn đáng kể, khi dịch COVID-19 tại Trung Quốc bùng phát rất mạnh, tử vong nhiều. Ban biên tập báo điện tử VietnamPlus quán triệt phóng viên phải đặt sự an toàn lên hàng đầu và hạn chế đi vào vùng dịch. Sau một tháng đưa tin về dịch bệnh với những số liệu từ các cơ quan chức năng, cảm nhận những bài viết của mình cứ nhàn nhạt dần, thiếu chiều sâu, một phần bởi chưa có những chi tiết từ các nhân vật thực tế.

Rồi cũng có những cú điện thoại gọi cho bệnh nhân để nắm bắt thông tin, hỏi thăm những cảm xúc của họ khi đang được điều trị tại Hà Nội nhưng chỉ nhận được câu từ chối, ngại chia sẻ. Các bác sỹ điều trị cũng cho biết, khó có thể trao đổi, gặp gỡ với bệnh nhân vì họ đang được cách ly đặc biệt trong phòng áp lực âm.

Chiều 18/2, tôi quyết xông vào tâm dịch tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), nơi có hai bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên được điều trị khỏi bệnh. Đây không chỉ là niềm vui lớn của bệnh nhân, y bác sỹ mà còn là minh chứng rõ ràng về việc y tế tuyến cơ sở tại Việt Nam có thể điều trị thành công cho bệnh nhân mắc COVID-19. Nhận thấy có thể khai thác thông tin sâu với những câu chuyện sinh động nhất từ chính người trong cuộc, tôi đã đi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế vào vùng tâm dịch để thực hiện những bài viết chân thực về tuyến y tế cơ sở này.
 
Mắt thấy tai nghe

Quả thực, khi đặt chân tới Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng, gờn gợn, dù đã từng đồng hành cùng nhiều dịch bệnh như dịch sởi vào năm 2014, dịch cúm, dịch sốt xuất huyết, dịch chân tay miệng, dịch viêm màng não… Tại Bình Xuyên, các phóng viên được trang bị phương tiện bảo hộ và hướng dẫn cách thức tác nghiệp, vệ sinh đồ đạc an toàn sau khi rời khỏi vùng dịch.

Là phóng viên y tế, thường xuyên phải vào những khu vực có bệnh truyền nhiễm để tác nghiệp nên tôi luôn có ý thức sử dụng những loại vaccine phòng bệnh. Với những bệnh chưa có vaccine như sốt xuất huyết chẳng hạn, thì phải tránh không để muỗi đốt.

Trong chuyến đi đó, tôi được gặp gỡ và lắng nghe chính các bác sỹ nơi tuyến đầu chia sẻ về công tác điều trị cho các bệnh nhân, động viên bệnh nhân “chiến đấu” với dịch bệnh. Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, họ đã tạo nên những kỳ tích đáng ngưỡng mộ. Cùng với đó là tâm sự đầy xúc động của những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, niềm tin và lòng biết ơn của họ dành cho đội ngũ y bác sỹ.

Quan sát toàn bộ khu vực điều trị ở tuyến huyện, với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn mới thấy được sự vất vả và bản lĩnh đáng trân trọng của các y bác sỹ. Điều đó càng thôi thúc tôi thực hiện những bài viết chuyên sâu về khó khăn và những nỗ lực của y bác sỹ tuyến cơ sở.

Rời Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, đoàn công tác vào tiếp xã Sơn Lôi, tâm dịch của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Kết thúc chuyến công tác, tôi mang theo một chút lo lắng, bởi ở nhà có trẻ nhỏ và người già, cần vệ sinh sát khuẩn sao cho thật an toàn. Chúng tôi mua nước muối sinh lý sát khuẩn vùng họng, nhỏ vào mắt mũi, vệ sinh tay sạch sẽ và tắm gội, thay quần áo ngay khi vừa về đến nhà.
 
Cuộc chiến chưa có hồi kết

Những ngày sau đó, niềm vui liên tiếp đến khi ngành y tế điều trị thành công cho tất cả các ca bệnh, kết bằng buổi trực chiến làm tin xuyên đêm khi xã Sơn Lôi được dỡ lệnh phong tỏa lúc 0 giờ sáng 4/3.

Thế nhưng, tới đêm 6/3, mọi việc dường như lại bắt đầu, chúng tôi lại tiếp tục trực chiến khi nhận được tin Hà Nội xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Gần 12 giờ đêm, Bộ Y tế công bố kết quả ca bệnh đầu tiên dương tính tại Hà Nội cùng những thông tin về hành trình của bệnh nhân đó. Kể từ đây, cuộc chiến “chống giặc” COVID-19 chính thức bước vào giai đoạn quyết liệt, cam go khi liên tiếp các ca bệnh mới được công bố. Đây thực sự là giai đoạn quyết liệt không chỉ với Chính phủ, ngành y tế mà với toàn dân, trong đó có cánh phóng viên y tế khi phải cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin từ Bộ Y tế về các ca bệnh mới được phát hiện. Điện thoại lúc nào cũng thường trực trên tay để nhận thông báo và máy tính luôn sẵn sàng để đẩy tin, bài lên.

Những ngày đồng hành phòng chống dịch COVID-19, phóng viên y tế chúng tôi vẫn trêu nhau rằng, sau đợt dịch này có lẽ mắc bệnh đau dạ dày, bởi ăn uống thất thường, bất chợt bỏ bữa khi nhận được thông báo có ca nhiễm mới lại lao vào làm tin, bài nhất là trong bối cảnh giai đoạn hai với chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.
 
Phóng viên Tạ Nguyên, báo Tin tức (TTXVN), ghi nhận tình hình khám sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19 tại khu cách ly bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đồng lòng, quyết tâm đầy lùi dịch bệnh. Báo chí đồng hành cùng mọi lực lượng, để đưa đến công chúng những thông tin nhanh, chính xác, nhân văn và hiệu quả từ cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang cam go và khốc liệt.

Cao Thùy Giang - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 3/2020