Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Để có hình ảnh chân thực và nhân văn


(31/03/2020 11:07:41)

Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều 3/3 buốt lạnh, mưa dầm dề, sau khi nhận được công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Hòa Bình về việc đón nhận 106 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về được cách ly theo quy định tại trường Quân sự tỉnh Hòa Bình, Phụ trách Cơ quan thường trú (CQTT) tại Hòa Bình Bùi Thanh Hải đã triệu tập anh em phóng viên họp, bàn các phương án tác nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất. Tôi khá lo lắng vì là phóng viên Ban biên tập Ảnh mới nhận nhiệm vụ thường trú tại địa bàn cùng việc phải đối diện với sự nguy hiểm của dịch bệnh. Vượt lên nỗi lo, tôi vào cuộc với tâm thế “sợ” nhưng không chạy trốn COVID-19.

Phóng viên Lưu Trọng Đạt chụp ảnh các công dân từ Đức về cách ly tại trường Quân sự tỉnh Hòa Bình, ngày 25/3

Cuộc họp kết thúc, tất cả phóng viên CQTT tại Hòa Bình tức tốc đến ngay trường Quân sự tỉnh Hòa Bình để ghi nhận công tác chuẩn bị. Tại đây, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, đêm nay, đoàn công dân Việt Nam từ Hàn Quốc mới về đến khu cách ly. 

Đêm tĩnh lặng, chỉ có mưa và những cơn gió lạnh. Đặt chuông báo thức xong, nằm miên man với những suy nghĩ về sự nguy hiểm của dịch COVID-19, tôi nhủ thầm: “có lẽ sau chuyến đi này, mình cũng phải tự cách ly”.

Hai giờ sáng, đồng hồ đổ chuông, tôi bật dậy cùng anh chị em CQTT Hòa Bình với máy móc, đồ bảo hộ, trang thiết bị cần thiết, tiến thẳng vào khu cách ly.

Có mặt ở trường Quân sự tỉnh lúc 2 giờ 30 phút, trời vẫn mưa tầm tã. Chúng tôi ai cũng căng thẳng nhưng vì công việc, trách nhiệm với nghề vẫn vững tin và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Công tác chuẩn bị đón tiếp công dân diễn ra khẩn trương; biển cảnh báo, hệ thống phòng ở, khu vực tập kết công dân, khu vực tiếp đón được chỉ dẫn rõ ràng; các cán bộ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bác sỹ, quân y, chiến sỹ, bộ phận khử trùng đều đã vào vị trí.

Khoảng 3 giờ 30 phút, đoàn xe về đến cổng trường Quân sự tỉnh. Khi lực lượng phun khử trùng thực hiện nhiệm vụ cũng là lúc chúng tôi bước khỏi vùng an toàn và bắt đầu tác nghiệp. Trời mưa mỗi lúc một lớn, đồ bảo hộ và giày của tôi bắt đầu thấm ướt trong khi khẩu trang đẫm nước và hơi thở làm mờ mắt kính. Khoảng 4 giờ, những công dân đầu tiên bước xuống xe và được hướng dẫn di chuyển vào khu tập trung. Mọi người được phát nước rửa tay sát khuẩn, nước súc miệng và thực hiện khai báo các thông tin theo quy định. Sự mệt mỏi hiển hiện trên đôi mắt sau khi họ trải qua một hành trình dài, không tiếng nói, tiếng cười, những em bé ngủ thiếp trên tay bố mẹ… 

Chúng tôi được khuyến cáo nên chụp ảnh, quay phim từ xa và giữ khoảng cách tối thiểu 2m với các công dân. Lúc đầu tôi cũng thực hiện đúng chỉ dẫn này, sử dụng ống kính tele zoom, đứng từ xa dõi theo mọi người ngồi trên xe và đưa máy chụp những gương mặt mệt mỏi đằng sau ô cửa kính còn vương đầy những giọt mưa buốt lạnh mà lòng trào dâng niềm thương cảm. Tôi dõi máy theo các chiến sỹ và y bác sỹ đang lấy thông tin và ân cần đo thân nhiệt cho từng người. Họ chỉ cách những người có thể mang bệnh vài gang tay mà chẳng hề ngần ngại, có chăng chỉ là bộ đồ bảo hộ chống dịch làm cho xa cách. Tôi trông thấy những em bé theo cha mẹ vào cách ly, có em hơn ba tháng tuổi được bố mẹ gửi về nước cùng những hành khách trên chuyến bay và được bà nội tình nguyện vào ở khu cách ly để chăm cháu.

Nghĩ đến cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh, nhìn lại mình trong bộ đồ kín mít từ đầu đến chân, tôi quyết định thay ống kính, bước qua tấm biển cảnh báo và tiến sâu vào nơi các công dân đang tập trung, nơi cán bộ, chiến sỹ, bác sỹ đang ân cần đưa từng người lên phòng nghỉ… Quên đi sự nguy hiểm, tôi hòa mình vào những diễn biến trước mắt, chụp thật gần những con người trước mặt với tất cả cảm xúc thật nhất, gần gũi nhất và trân trọng nhất.

Khi các công dân ổn định vào phòng và bắt đầu các sinh hoạt ở ngôi nhà chung mới cũng là lúc tôi bước ra khỏi tấm biển cảnh báo khu vực cách ly, cởi bỏ đồ bảo hộ, thực hiện các quy trình khử khuẩn toàn thân và máy ảnh. Chúng tôi lên xe về cơ quan phát tin, bài khi đồng hồ chỉ 6 giờ 50 phút, sáng 4/3.

Trong thời gian 14 ngày cách ly của các công dân tại trường Quân sự tỉnh Hòa Bình, phóng viên CQTT Hòa Bình luôn theo sát thông tin để tìm hiểu về sự chu đáo của cán bộ, chiến sỹ, việc sinh hoạt của các công dân, ghi lại những tin tức, hình ảnh ấm tình quân dân như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Ngày 18/3, lại một ngày mưa gió, 106 công dân nhận giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly trở về với gia đình. Chúng tôi lại đến trường Quân sự tỉnh từ sáng sớm. Bắt gặp những gương mặt rạng ngời, tôi khẩn trương ghi lại khoảnh khắc cảm xúc vỡ òa khi những người cách ly được gặp người thân; khoảnh khắc chia tay và bày tỏ lòng biết ơn với những người lính trẻ đã tận tình giúp đỡ họ những ngày vừa qua; hay hình ảnh những chiến sỹ trẻ hỗ trợ công dân chuyển hành lý lên xe, khoảnh khắc vẫy chào tạm biệt… Tôi quan sát và bấm máy với niềm xúc động về tình cảm quân dân gắn bó, về những con người nơi tuyến đầu đã ngày đêm chăm lo sức khỏe cho đồng bào mình qua từng bữa ăn, giấc ngủ trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu COVID-19.

Phóng viên là một nghề vất vả và nguy hiểm, đòi hỏi mỗi người cần biết đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm để đưa ra những phương án phù hợp trước khi quyết định tiếp cận hoặc tác nghiệp bên lề sự kiện… Tuy nhiên, để có những bức ảnh, những thước phim hay, thuyết phục người xem, điều cần nhất là tiếp cận và biến mình trở thành một phần của sự kiện. Tôi luôn tâm niệm rằng, bất cứ sự kiện nào mình tham gia, tôi chính là người đại diện cho cơ quan thông tấn quốc gia để từ đó nỗ lực hết mình, kịp thời cung cấp tới công chúng những hình ảnh chân thật nhất, nhân văn nhất và sáng tạo nhất.
 
 
 
 
Nhóm ảnh do phóng viên Trọng Đạt chụp ngày 4/3

Lưu Trọng Đạt - CQTT tại Hòa Bình
Nội san Thông tấn số 3/2020