Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 3 tháng giảm 0,69%

Theo Tổng cục Hải quan chiều 30/3, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm nay ước tính đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,69%, trong đó xuất khẩu ước đạt 59,07 tỷ USD, tăng 0,5% và nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%.

Chú thích ảnh
Giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong 3 tháng đầu năm nay giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TTXVN.

Trong tháng 3/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá của Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tháng 3/2020 ước tính thặng dư 1 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt nam đến hết tháng 3 năm 2020 đạt 2,8 tỷ USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như dầu thô tháng 3/2020 ước tính đạt 141 triệu USD, giảm 20,8% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu dầu thô 3 tháng/2020 ước đạt 1,2 triệu tấn, trị giá ước đạt 532 triệu USD, tăng 11,6% về lượng nhưng giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá xuất khẩu tháng 3/2020 đối với gỗ và sản phẩm gỗ ước tính 900 triệu USD, tăng 20,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng/2020 ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, trị giá xuất khẩu giày dép ước tính đạt 1100 triệu USD, giảm 19,1% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng ước đạt 3,85 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước là dệt may ước tính tháng 3/2020  đạt 1,8 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt 6,49 tỷ USD, giảm 8,9% so cùng kỳ năm trước. 

Xăng dầu các loại nhập khẩu tháng 3/2020 ước tính 500.000 tấn, giảm 16,6% so với tháng trước và trị giá là 234 triệu USD, giảm 26,1% so với tháng trước. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu 3 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1,85 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,018 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng 3/2020 là 4,5 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 3/2020, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước là 13,18 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/03, Tổng cục Hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm nhưng cũng không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này để vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã có một số công văn gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần nắm chắc nguồn thu, nhất là tình hình xuất khẩu, nhập khẩu với các nước Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; bám sát tình hình hoạt động XNK của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý, nhất là các doanh nghiệp có XNK với các quốc gia trên, tình hình xuất khẩu hàng nông sản… nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị để kịp thời có báo cáo, phản ảnh phục vụ công tác điều hành ngân sách Nhà nước.

Theo Tổng cục Hải quan, các cửa khẩu miền Trung và miền Tây Nam Bộ, lượng hàng hóa ùn ứ do thực hiện biện pháp cách ly 14 ngày đối với người điều khiển phương tiện vận tải khi đi qua biên giới (các lái xe khi vận chuyển hàng hóa từ Lào, Campuchia về Việt Nam phải đưa vào các khu vực cách ly) nên dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, tương tự như đã xảy ra tại các cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm đầu tháng 2/2020. 

Các cửa khẩu biên giới phía Bắc bị ùn ứ hàng hóa đặc biệt là các cửa khẩu của Lạng Sơn (ngày 23/3 tồn 1277 xe chủ yếu là nông sản, hoa quả) và Lào Cai (tồn 172 xe, chủ yếu là nông sản, hoa quả). Việc tồn nhiều xe hàng xuất khẩu là do: Việt Nam và Trung Quốc tăng cường siết chặt công tác kiểm dịch y tế dẫn đến thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa tăng. Do lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang vào chính vụ, lượng hàng hóa dồn đến cửa khẩu nhiều hơn so với năng lực xuất khẩu. Thời gian xuất khẩu chỉ giới hạn thực hiện trong giờ hành chính, năng lực bốc xếp hàng hóa hạn chế.

Trước tình hình này, Cục Hải quan  Lạng Sơn đã đàm phán với Hải quan Hà Nam Ninh khu vực Trung Quốc về việc xuất nhập khẩu tại đường bộ Cửa khẩu Bình Nghi và phương án đưa lao động Việt Nam qua bốc xếp hàng hóa sang tải tại bãi xe Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực thông quan nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Lào Cai phối hợp với Trung Quốc thực hiện giải pháp cho lái xe, người giao hàng Trung Quốc sang Việt Nam chở hàng đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa, người điều khiển phương tiện phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang phòng dịch.

Số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) từ hoạt động XNK ngày 1/3 đến ngày 29/3 đạt 24.261 tỷ đồng, lũy kế cả năm đến ngày 29/3 đạt 75.185 tỷ đồng bằng 22,2% dự toán, bằng 21,2% chỉ tiêu phấn đấu. Trên cơ sở số thu những ngày đầu tháng 3 và ước kim ngạch XNK trong tháng 3 cũng như tình hình kinh tế nói chung hiện nay, ước thu tháng 3/2020 đạt 26.076 tỷ đồng. Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 77.000 tỷ đồng, bằng 22,78% dự toán, bằng 21,69% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái (84.336 tỷ đồng).
Minh Phương/Báo Tin tức
Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19
Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan cần đặt ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động. Đặc biệt, không nên vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN