Dịch COVID-19: Giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, xử lý nghiêm việc "găm hàng"

Dịch COVID-19: Giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, xử lý nghiêm việc "găm hàng"
Trang trại lợn ở Phú Thọ thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi theo khuyến cáo của Chi Cục Thú y. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Trang trại lợn ở Phú Thọ thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực
chăn nuôi theo khuyến cáo của Chi Cục Thú y. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Thịt lợn chiếm đến hơn 65% khẩu phần của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trước đó và hiện là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giá thịt lợn đang ở mức cao, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, cùng những tác động đến nền kinh tế.

Tìm giải pháp giảm giá thịt lợn và chi phí trung gian

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh và giảm giá bán lợn thịt. Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Masan, Dabaco, Mavin, GreenFeed…) đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và giảm giá bán lợn thịt hơi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán lợn thịt.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đồng hành, cùng giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi từ đầu tháng 4/2020, để bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.

Về diễn biến giá thịt lợn, từ tháng 1-3/2019, giá lợn duy trì ở mức từ 45 - 47.000 đồng/kg lợn hơi; tháng 4-7/2019, giá lợn giảm xuống 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tháng 8-12/2019, giá lợn tăng từ 42.000 - 86.000 đồng/kg; tháng 1-3/2020, giá lợn giảm từ 84.000 - 78.000 đồng/kg lợn hơi.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn ở mức cao, đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dẫn đến nguy cơ khó có thể kiểm soát chung CPI dưới 4% theo chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, với văn hóa và thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, thịt lợn chiếm đến hơn 65% cơ cấu thực phẩm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, vấn đề đảm bảo cung cầu, ổn định về giá cả thịt lợn, đảm bảo đời sống người dân là rất quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một tín hiệu đáng mừng là tìm được nhóm giải pháp thích ứng về căn bản để duy trì nhân tố phát triển chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, giá thịt lợn trong tình hình dịch bệnh còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có chi phí trung gian (giết mổ, vận chuyển, thương mại,...) trong chuỗi sản xuất, cung ứng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là một vấn đề cần phải có giải pháp, bởi hiện nay, giá thịt lợn còn rất nhiều chi phí trung gian, rất ít doanh nghiệp như Masan có chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến bàn mổ và phân phối.

"Đây là nút thắt chúng ta phải giải quyết để giảm giá thịt lợn" - do đó, Bộ trưởng kêu gọi sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền thông tin, có giải pháp để giảm bớt chi phí về khâu trung gian trong cung ứng thịt lợn.

"Tôi tin tưởng, nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ thành công ở giai đoạn này" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, tại hội nghị, bà Nguyễn Vân Hiền, đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan cho rằng: Đảm bảo an sinh xã hội để người tiêu dùng có sản phẩm, người chăn nuôi có lợi, giảm chi phí khâu trung gian không phải là việc làm của riêng một doanh nghiệp mà cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Từ đó, bà Nguyễn Vân Hiền đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Masan, Dabaco, De Heus, Japfa có thể cùng ngồi lại để bàn phương án hợp tác, phối hợp cùng nhau trong toàn chuỗi cung ứng, giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường, tiến tới giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán.

Bên cạnh đó, đại diện Masan đề xuất với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng chính sách: Gia tăng nguồn đạm động vật thay thế cho thịt lợn, như thịt gà hay cá. Bởi theo bà Nguyễn Vân Hiền, dù tất cả các doanh nghiệp chăn nuôi đều đang rất nỗ lực nhưng thực tế, sản lượng đàn lợn Việt Nam không thể ngày một ngày hai là đủ. Đồng thời, trong giai đoạn hiện tại, vấn đề an toàn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh là vô cùng quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá những kiến nghị của các doanh nghiệp tại hội nghị rất "trúng và đúng". Tuy nhiên, trước tình hình cấp bách của dịch COVID-19, Bộ trưởng đề nghị phải thống nhất và triển khai ngay việc giảm giá thịt lợn. Sau hội nghị này, các doanh nghiệp người chăn nuôi, đồng hành, chia sẻ với Chính phủ và người dân, giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg tại cơ sở chăn nuôi của mình.

Theo Bộ trưởng, về lâu dài phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật vĩ mô, bởi thịt lợn là ngành hàng đặc biệt quan trọng. Với những kiến nghị mang tính dài hơi hơn, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ. "Tinh thần là Bộ sẽ đồng hành, bám sát các vấn đề thực tiễn cùng tất cả cộng đồng doanh nghiệp, người chăn nuôi" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, xử lý nghiêm việc "găm hàng"

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các bộ, ngành, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho các ý kiến sâu sắc và trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam nói riêng và thế giới chung đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn trong đại dịch COVID-19. Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân đang tập trung phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn; từ đó đang đặt ra những thách thức lớn trong phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đại dịch bùng phát, lan rộng và đưa kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái sâu có thể kéo dài, từ đó làm thay đổi bức tranh kinh tế thế giới và tác động rất tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế.

"Đất nước còn nhiều khó khăn, việc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng với Chính phủ là rất quan trọng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần trong phòng, chống dịch.

Đối với Việt Nam, dịch bệnh tác động lớn đến phát triển của hầu hết các ngành kinh tế, làm suy giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội và từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Bên cạnh phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị phải duy trì phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo đời sống của người dân; trong đó đặc biệt phải tập trung phát triển nông nghiệp.

"Đây là một ngành kinh tế có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong các thời kỳ khó khăn, chiến tranh, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu... Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh rõ điều này" - Phó Thủ tướng nói.

Thời gian qua, khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành chăn nuôi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh để phát triển đàn lợn. Từ năm 2020 đến nay, tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn đạt 6,2% (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019). Tổng sản lượng thịt lợn đạt lượng 810 nghìn tấn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao. Phó Thủ tướng dẫn chứng thông tin báo chí đăng tải ngày 29/3 cho biết, giá thịt lợn đang ở mức 82-85 nghìn đồng/kg ở miền Bắc; 72-85/kg nghìn đồng ở miền Trung - Tây Nguyên; 75-8/kg nghìn ở miền Nam.

Về nguyên nhân của việc tăng giá thịt lợn, Phó Thủ tướng phân tích, do nguồn cung thấp hơn cầu do đàn lợn bị giảm do dịch bệnh; do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch.

"Bên cạnh đó có hiện tượng "găm hàng", hạn chế bán để chờ giá lên" - Phó Thủ tướng chỉ rõ, đồng thời cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40-45%).

Giá thịt lợn cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khi dịch bệnh. Trong lúc phải nghỉ việc, ít việc, thu nhập thấp do dịch bệnh lại phải chi tiêu cao sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân. Mặt khác, giá thịt lợn ở mức cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

"Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. Bên cạnh đó là tập trung tăng nguồn cung thịt lợn, phù hợp với nhu cầu của thị trường ở trong nước, khu vực và thế giới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp các địa phương, doanh nghiệp có giải pháp hạ giá thành chăn nuôi; tăng cường kiểm soát về giá trên thị trường, kiểm soát chi phí khâu trung gian. Trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch tăng đàn, tái đàn lợn nhưng đảm bảo cân bằng cung cầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng các chuỗi chăn nuôi, sản xuất, cung ứng, vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát các dịch bệnh trên lợn, trong đó có dịch tả lợn châu Phi; đảm bảo cung ứng thịt trong bối cảnh COVID-19, không để tâm lý hoang mang, ổn định thị trường.

"Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao; xử lý nghiêm tình trạng xuất nhập khẩu thịt lợn trái phép" - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng cho biết, trước cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trao đổi, mong muốn những doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn cam kết với Chính phủ, với người dân về giảm giá thịt lợn. Đây là nhiệm vụ chính trị, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với đất nước, xã hội và người dân.

Tinh thần này đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị./.
Xuân Tùng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm