Ngày 29/3: Thêm 14 ca mắc COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp mạnh nhằm dập các ổ dịch

Ngày 29/3, Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 ca liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai; nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 188 trường hợp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định: Nơi tiềm ẩn nguy cơ từ ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất là Bệnh viện Bạch Mai và đề xuất tạm thời không cho các lao động đang làm trong các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ về quê thời điểm này.

Cách ly quyết liệt diện rộng để giảm thiểu tối đa ổ dịch lây nhiễm cộng đồng

Tại hội nghị trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 15 ngày tới là “giờ vàng quan trọng”, là thời điểm quyết định thành công của việc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với đặc điểm dân cư đông, mật độ dân số lớn, nhu cầu tiếp xúc cao… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 lớn, các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương đã thực hiện nhiều cách làm sáng tạo và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, 15 ngày tới là “giờ vàng quan trọng”, là thời điểm quyết định thành công của việc ngăn chặn dịch bệnh.

Trên tinh thần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg, công tác cách ly, giãn khoảng cách, không tụ tập, ngừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh vùng các ổ dịch kịp thời… tại các địa phương đã được triển khai hiệu quả; duy trì các dịch vụ cơ bản cung ứng, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân; thay đổi cơ bản phương thức làm việc bằng cách sử dụng các ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, các thành phố tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, quan tâm đến đời sống tinh thần của các cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch như công an, quân đội…

Liên quan đến tình trạng một số trường hợp khai báo y tế không trung thực trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm bệnh nhân 178; qua đó răn đe, giáo dục các trường hợp khác.

Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, người đứng đầu cấp uỷ chính quyền và hệ thống chính trị, tổ dân phố; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; tất cả mọi người dân từ đô thị đến nông thôn phải được giám sát, khai báo y tế; yêu cầu bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người lây nhiễm để ngăn chặn; ngay lập tức khoanh vùng, dập dịch với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng nơi. Theo đó, cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện; ứng dụng công nghệ thông tin để nắm rõ người ra vào, tiếp xúc khu vực này; đưa ra các giải pháp xử lý cụ thể nhằm dập các ổ dịch hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh)… Đồng thời, lực lượng chuyên môn phải có phương án riêng theo tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt diện rộng F1, F2, F3 bằng các ứng dụng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu tối đa ổ dịch lây nhiễm cộng đồng.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tăng cường huy động các bệnh viện khác điều trị bệnh COVID-19 ở một số địa phương. Trong trường hợp các ca tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương này cần chuẩn bị lương thực, thực phẩm; rà soát, bổ sung năng lực y tế thành phố về nhân lực, trang thiết bị…

Thủ tướng Chính phủ đồng ý dừng các chuyến bay đến Việt Nam; hạn chế tối đa các chuyến bay đến và đi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến sân bay các tỉnh trong 2 tuần, trừ một số chuyến đặc biệt. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát y tế chặt chẽ, hạn chế người, hạn chế số chuyến đi trên tàu hoả, ô tô…

Tại các thành phố lớn tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất với nhiều lao động, nhất là các khu công nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, tháo gỡ khó khăn sản xuất cho các doanh nghiệp, đảm bảo an ninh an toàn cho người dân. Thủ tướng nêu rõ, dừng dịch vụ sổ số kiến thiết 15 ngày, dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 4/2020.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn tiếp tục giảm các dịch vụ kinh doanh; đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ để có chế độ làm việc phù hợp, hạn chế đến cơ quan trong 15 ngày này.

Bộ Giao thông Vận tải chính thức giới hạn đường bay nội địa  

Ngày 29/3, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc thực hiện Chỉ thị 15-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đối với các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, kể từ 0 giờ ngày 30/3 đến hết ngày 15/4/2020, các hãng hàng không chỉ được khai thác vận chuyển hành khách một số đường bay nhất định với tần suất 1 chuyến/ngày/đường bay, gồm: đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội và đường bay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội. 

“Ngoài các đường bay này, toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều phải dừng lại. Không hạn chế các chuyến bay không vận chuyển hành khách”, văn bản nêu rõ.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cắt giảm các chuyến bay đi/đến địa phương, kịp thời đề xuất phương án, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét quyết định. 

TP Hồ Chí Minh: Bốn bệnh nhân điều trị COVID-19 thành công được xuất viện

Chiều 29/3, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã làm thủ tục xuất viện cho bốn bệnh nhân COVID-19 sau khi có kết quả 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Dự kiến ngày mai, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 3 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện.

Bác sĩ Trần Nguyễn Hoàng Tú, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, cho biết rất vui mừng khi cả 4 ca bệnh đều phục hồi tốt, ca lâu nhất được điều trị ở bệnh viện là 13 ngày (nhập viện ngày 16/3). Dự kiến trong ngày mai, sẽ có thêm 3 ca được xuất viện.

Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho biết, các bệnh nhân này dù được xuất viện nhưng vẫn sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi 14 ngày tại nhà.

Toàn bộ 5.655 công dân, du khách ở nước ngoài về cách ly tại Hà Nội âm tính với COVID-19 lần 1

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, toàn bộ 5.655 công dân, du khách từ nước ngoài về đang cách ly tập trung ở Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm lần 1, tất cả đều âm tính với COVID-19.

Liên quan đến việc tiếp nhận, tổ chức cách ly tập trung đợt 2 đối với công dân, du khách từ nước ngoài vào Hà Nội qua sân bay quốc tế Nội Bài, hiện trên địa bàn thành phố đang cách ly tập trung 5.655 người. Đây là những trường hợp từ nước ngoài về và được cách ly tập trung tại các khu cách ly của quân đội và các khu cách ly tập trung thành phố mới thành lập, thời gian cách ly 14 ngày.

Theo ông Chung, đến nay tại các khu cách ly tập trung với công dân, du khách nước ngoài vẫn đang được đảm bảo tốt, chưa phát sinh khó khăn.

Về rà soát những trường hợp nhập cảnh qua sân bay Nội Bài vào Hà Nội theo chỉ đạo của Thủ tướng, chủ tịch UBND Hà Nội cho biết đã rà soát được 3.082 trường hợp nhập cảnh trước 0 giờ ngày 14/3, trước 0h ngày 18/3 và trước 0h ngày 21/3.

Tiềm ẩn nguy cơ từ ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất là Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 29/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất những vấn đề cấp bách ngăn ngừa dịch COVID-19 phát tán ra cộng đồng, đặc biệt từ ổ dịch khu vực Bệnh viện Bạch Mai.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bạch Mai đã được đặt trong trạng thái kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, khẩn trương để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phân tích các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm dịch COVID-19 từ Bệnh viện Bạch Mai ra cộng đồng rất lớn, vì số lượng bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, người ra vào bệnh viện quá nhiều, số sinh viên thực tập đông.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, ngay từ chiều 19/3, sau khi nhận thông tin có 2 trường hợp là điều dưỡng viên của Bệnh viện Bạch Mai dương tính với SARS-CoV-2, thành phố Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với Bệnh viện để lấy danh sách nhân thân, lai lịch, xác minh những người tiếp xúc gần. Ngay trong ngày 20/3 đã tiến hành xét nghiệm và có kết quả đối với 1 trường hợp là con của bệnh nhân số 86. Tất cả các trường hợp F1, F2 đã được đưa đi cách ly tại bệnh viện và tại nhà; các địa điểm - nơi làm việc, ăn ở... đều đã được khử khuẩn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trao đổi ý kiến với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế và kiến nghị việc phong tỏa một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời giảm tải việc tiếp nhận cũng như "đóng băng" toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Về việc tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, trong 2 ngày qua, toàn bộ 1.592 trường hợp Hà Nội tiếp nhận, đã được xác minh nhân thân, lai lịch và ra quyết định cách ly tại nhà, triển khai lấy mẫu xét nghiệm.

Để ngăn ngừa nguy cơ dịch COVID-19 tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai phát tán ra cộng đồng, hiện nay thành phố Hà Nội đang rà soát tất cả những người vào thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai; đã rà soát toàn bộ bệnh nhân chạy thận liên quan đến xóm thận xung quanh Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố đến nội trú, ăn, hiến máu ở Bệnh viện Bạch Mai cũng đang được thành phố lên danh sách và sẽ tổ chức cách ly. Những trường hợp khó khăn, thành phố sẽ hỗ trợ ăn uống để đảm bảo cho họ tự cách ly. Đối với nhóm bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai mà Hà Nội tiếp nhận và tổ chức cách ly tập trung qua 3, 4 ngày chưa phát hiện ca dương tính. 613 người nhà bệnh nhân đang được cách ly tại khu cách ly tập trung cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh việc đề xuất giải pháp liên quan đến khu vực Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ máy thở, cung cấp cho Hà Nội bộ test nhanh để xét nghiệm trên diện rộng, trước mắt là các khu vực xung quanh Bệnh viện Bạch Mai.

Hà Nội cũng nêu một số đề xuất một số việc cấp thiết liên quan việc công bố các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 nhằm tạo thuận tiện trong việc sớm xác minh đối tượng F1, F2 để thông báo cho người dân chấp hành việc cách ly, kịp thời ngăn chặn dịch lây lan; việc tạm thời không cho các lao động đang làm trong các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ quần áo trong phố cổ về quê thời điểm này, phải ở lại nơi làm việc để ngăn ngừa dịch bệnh phát tán. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cũng tiếp tục được đẩy mạnh để tất cả người dân cùng vào cuộc, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh.

Trên 5.000/7.000 mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai âm tính với virus SARS-CoV-2

Bệnh viện Bạch Mai đã lấy trên 7.000 mẫu xét nghiệm của nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, nhân viên dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến 17h ngày 29/3, trên 5.000 mẫu đã được xét nghiệm xong và cho kết quả âm tính. Cho đến thời điểm này không có thêm nhân viên y tế nào của Bạch Mai mắc bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai hiện có 793 bệnh nhân đang được điều trị, trong số đó 353 người có thể ra viện, 137 bệnh nhân có thể được chuyển xuống tuyến dưới, 198 bệnh nhân nặng không thể di chuyển ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai nếu không có phương tiện hỗ trợ.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang hoạt động, tất cả các bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong bệnh viện đã kê khai y tế, dịch tễ, cam kết tự cách ly theo đúng hướng dẫn. Bệnh viện cũng đã thống nhất với các phường, nơi có bệnh nhân thận nhân tạo sinh sống, phối hợp giám sát bệnh nhân chạy thận xong phải về nhà, khi vào bệnh viện chạy thận đi theo lối riêng, có nhân viên hướng dẫn, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện. Những biện pháp này nhằm giảm nguy cơ đưa nguồn nhiễm bệnh từ ngoài vào bệnh viện.

Chia sẻ về những khó khăn hiện tại của Bệnh viện, TS. Dương Đức Hùng cho biết: Thành phố Hà Nội đã ra quyết định cách ly với tất cả những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3 đến nay, vì vậy toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn Hà Nội bị bắt cách ly tại chỗ, không di chuyển, điều này gây ra sự khó khăn trong đi lại cho cán bộ nhân viên y tế.

TS. Dương Đức Hùng cũng khẳng định sau khi 100% người trong bệnh viện được sàng lọc, xét nghiệm âm tính, bệnh viện được tiêu độc khử trùng toàn bộ, thì khuôn viên bệnh viện Bạch Mai đã "sạch hơn các điểm ở ngoài".

Do đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nếu không được điều chỉnh, "gỡ khó" ngay với nhân viên y tế bệnh viện về việc cách ly thì chỉ trong 3 ngày tới, khi phải tăng cường toàn bộ nhân viên y tế phục vụ điều trị, bệnh viện sẽ rất thiếu người.

"Phải có hành động quyết liệt để nhân viên y tế được đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc", GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất.

XC/Báo Tin tức
Nguyên nhân dịch COVID-19 lây lan dữ dội tại Tây Ban Nha
Nguyên nhân dịch COVID-19 lây lan dữ dội tại Tây Ban Nha

Giữa tháng 2, khi dịch COVID-19 đang cao điểm ở Trung Quốc, Hàn Quốc thì tại Tây Ban Nha, hàng ngàn người dân vẫn đổ tới sân vận động Italy cổ vũ bóng đá, tụ tập trên các bãi biển hay quán cà phê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN