Khi bóng đá đối mặt với sự đói nghèo…

29/03/2020 14:32 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - “Đói nghèo” là từ bắt đầu được nhắc đến những ngày này trên đất Italy, khi trái bóng không lăn nữa, đặt bóng đá đất nước hình chiếc ủng trong một hoàn cảnh ngặt nghèo chưa từng có kể từ thời hậu Thế chiến II.

 Pogba trở lại Juventus, MU bỏ túi 50-60 triệu bảng và có Dybala

Pogba trở lại Juventus, MU bỏ túi 50-60 triệu bảng và có Dybala

Theo truyền thông Anh, Juventus sẵn sàng trả 50-60 triệu bảng đồng thời gán hoặc Dybala hoặc Miralem Pjanic cho MU để có Paul Pogba.

1. Một loạt CLB ở hạng dưới có nguy cơ phá sản, và trên thực tế, đã có một số CLB nghiệp dư ngừng hoạt động vì không còn tiền. Nhiều CLB nhỏ và trung bình ở Serie A tuyên bố họ sẽ lỗ nặng nếu Covid-19 kéo dài qua mùa Hè. Nhưng đấy là các đội bóng, còn cầu thủ, “đói nghèo” có ảnh hưởng đến họ?

Đấy là một câu hỏi khá thú vị trong hoàn cảnh hiện tại, bởi, khi nhiều CLB lớn úp mở các kế hoạch giảm lương cầu thủ, trước mắt là trong tháng Ba này, đã có rất nhiều phản ứng khác nhau. Chẳng hạn, ở Serie A, người ta chia rẽ về việc này, trong khi ở La Liga, đề nghị giảm lương cũng gây tranh cãi mạnh mẽ, nhưng ở Ligue 1 và Bundesliga, các phản ứng tiêu cực ít hơn. Đối với Serie A, nơi mà khủng hoảng tài chính chưa hề kết thúc, tiền bạc là một vấn đề lớn. Các tính toán cho thấy, các CLB Serie A có nguy cơ sẽ lỗ đến 700 triệu euro nếu việc ngừng thi đấu vì dịch kéo dài mãi và họ mong muốn được “giải cứu” bằng những chính sách tài chính, không chỉ của LĐBĐ Italy, BTC Serie A mà có lẽ là những chính sách lớn hơn, bao trùm hơn từ UEFA hoặc thậm chí FIFA.

2. Nhưng tại sao việc đề nghị giảm lương vì dịch bệnh, hoặc một chính sách chung về lương lại khó khả thi đến vậy, nếu như các cầu thủ không tự giác giảm lương để chung tay với các CLB? Bởi các CLB kí hợp đồng có thời hạn với các cầu thủ, và mức lương của 500 cầu thủ Serie A trải dài từ mốc 100 nghìn euro với các cầu thủ trẻ đến 31 triệu euro như Ronaldo, mỗi người ràng buộc với các CLB theo các điều khoản riêng biệt, không ai trong số đó là các lao động phụ thuộc mà là các lao động chuyên nghiệp nhằm cung cấp một dịch vụ (đá bóng). Liệu có thể yêu cầu họ giảm lương trong hoàn cảnh hiện tại, và nếu giảm, thì giảm bao nhiêu, giảm đến lúc nào để họ có thể chấp nhận được mà không cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, tóm lại là họ không cảm thấy mình rơi vào tình trạng “mất giá” và “đói nghèo”?

Chú thích ảnh
Liệu Ronaldo có sẵn sàng cắt giảm lương?

Đấy là một câu hỏi không dễ trả lời. Các cầu thủ rất đông và không phải ai cũng giống ai. Ronaldo không giống một cầu thủ của đội Lecce, Lukaku cũng khác một tiền đạo của Brescia. Một chính sách đề nghị giảm lương, nếu có, do đó không thể giống nhau. Chẳng hạn cầu thủ có mức lương cao thì phần trăm giảm sẽ nên nhiều hơn cầu thủ có mức lương thấp. Nhưng con số là bao nhiêu thực ra cũng không đơn giản, và các CLB không thể thực hiện việc giảm này một cách đơn lẻ, bởi có quá nhiều yếu tố tế nhị có liên quan, khi mỗi CLB và bản thân các CLB có những quyền lợi và uy tín riêng cần bảo vệ, không thể chỉ đơn giản đòi hỏi sự hy sinh. Về phần mình, mối lo lớn nhất của các cầu thủ, của những CLB muốn bán cầu thủ và của các đại diện cầu thủ là giá trị cầu thủ xuống thấp và một quả bom sẽ bùng nổ vào ngày 30/6 tới, khi nhiều cầu thủ hết hạn hợp đồng.

3. Nhưng đó không phải vấn đề của riêng bóng đá Ý, mà cả châu Âu, khi dịch bệnh và những hệ luỵ của nó là vấn đề chung của cả nền bóng đá. Liệu có một chính sách chung liên quan đến vấn đề này, hay các LĐBD hoặc các CLB tự xử lí theo cách của riêng mình là điều tất cả đang chờ đợi, và có lẽ, tất cả cần nhanh chóng xử lí.

Mỗi đội bóng giống một công ty mà các ông chủ là chủ doanh nghiệp, còn cầu thủ là người làm công. Hoàn cảnh hiện tại cho thấy các doanh nghiệp ấy không thể hoạt động, do đó không thể sinh lợi, dù vẫn phải trả lương không thiếu một xu cho người làm công. Điều này khó có thể kéo dài, và kể cả khi đợt dịch này trôi qua, thì họ cũng không còn nhiều vốn để đầu tư trở lại bóng đá. Một sự điều tiết chung đòi hỏi sự hợp tác của các BTC các giải VĐQG lớn nhất châu Âu, UEFA và nếu có thể, cả FIFA. Bao giờ điều ấy sẽ xảy ra?

Trương Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm