Kinh tế chia sẻ trong sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường - Bài 1: Con đường phát triển bền vững

Mô hình và các hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu trên thế giới. Nhưng đến thời điểm hiện nay mới có những bước phát triển đột phá nhờ thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin. Đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mô hình này được coi là yếu tố cốt cõi của nền kinh tế số.

Kinh tế chia sẻ đã nổi lên và đang phát triển với một tốc độ khá nhanh trên thế giới. Một số nhà môi trường học cho rằng nền kinh tế chia sẻ là một "con đường mới tiềm năng đến sự bền vững". Chia sẻ sẽ giúp giảm sự tiêu dùng thái quá và ảnh hưởng của con người vào môi trường.

Tăng trưởng nhanh

Hiện "chia sẻ" đang là từ khóa ngày càng phổ biến và nền kinh tế chia sẻ cũng góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những khó khăn của thế kỷ XXI. Bởi kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc các nhóm nhằm mục tiêu sử dụng hiệu quả tài sản khi chủ sử dụng không dùng đến hoặc dùng không hết công suất, công năng của tài sản đó. Mô hình chia sẻ này được thực hiện thông qua công cụ internet trong kỷ nguyên số và ứng dụng của nó trên các các thiết bị di động, các dịch vụ điện tử theo hình thức không trả tiền (trao đổi dịch vụ) hoặc có trả một khoản phí.

Theo nghiên cứu của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers tại Anh, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ ước tính có giá trị 14 tỷ USD năm 2014 và sẽ tăng lên 335 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp 22 lần trong 10 năm. Đó là một tốc độ tăng trưởng khá nhanh lên tới 34-35%/năm và bản thân tốc độ này cũng đang tăng lên nhanh chóng.

Tại Mỹ, tổng giá trị các doanh nghiệp tham gia kinh tế chia sẻ tính đến năm 2018 đạt trên 463,9 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP. Còn tại Trung Quốc, quy mô của thị trường kinh tế chia sẻ năm 2015 đã vượt ngưỡng hơn 152 tỷ USD và Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng nền kinh tế chia sẻ sẽ đóng góp 10% GDP vào năm 2020. Tại Úc, theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc đến cuối năm 2018, có hơn 50% dân số nước này từng sử dụng hoặc cung cấp các dịch vụ kinh doanh chia sẻ.

Tiết kiệm tài nguyên và giảm ô nhiễm 

Chú thích ảnh
Sự xuất hiện và phát triển lớn mạnh của các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển như Grab, Uber đã tạo làn sóng mới về kinh tế chia sẻ đi đôi với ứng dụng công nghệ. Ảnh: AFP/TTXVN

Lợi ích lớn nhất của mô hình kinh tế chia sẻ là tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó. Chẳng hạn như các xe cá nhân được dùng cho việc cung cấp dịch vụ cho Uber, Grab, Lyft v.v... giúp tiết kiệm tài nguyên của tài sản. Một ví dụ khác như dịch vụ cho thuê thiết bị nông nghiệp của nền tảng Trringo do Công ty ô tô Mahindra & Mahindra ở Ấn Độ cung cấp, cho phép nông dân thuê được thiết bị, máy móc nông nghiệp bằng cách gọi điện, góp phần thúc đẩy sự phát triển vùng nông thôn. Chỉ khoảng 15% trong số 120 triệu nông dân Ấn Độ có khả năng chi trả để sở hữu thiết bị cơ khí nông nghiệp. Vì vậy, nền tảng này đã cho phép những nông dân khác cũng có thể sử dụng được máy móc nông nghiệp với chi phí thấp hơn nhiều.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới, việc thực hiện dịch vụ chia sẻ xe ô tô ước tính sẽ giúp cắt giảm được 5 tấn tấn khí thải CO2 do các khâu sản xuất và bảo trì xe ô tô hàng năm. Tại Hà Lan, việc chia sẻ một chiếc xe với 165 thành viên sẽ giúp cho việc cắt giảm khí CO2 lên tới 85-175kg khí thải CO2 cho mỗi thành viên một năm. Ngoài ra, diện tích dành cho dịch vụ đỗ xe được cắt giảm đến 29% do lượng xe ô tô tham gia giao thông giảm xuống, trong khi đó, tổng lượng nhiên liệu phục vụ cho ngành giao thông giảm đi 17% hằng năm. Các hoạt động chia sẻ dịch vụ đi xe đạp tại Thượng Hải sẽ giảm được lượng khí CO2 và NOx xuống 25 nghìn tấn và 64 tấn trong năm 2016 và 25% tổng lượng khí thải toàn châu Âu.

Đồng thời, các hoạt động kinh tế chia sẻ cũng có tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường. Các cơ chế bán lại, cho thuê, đồng sở hữu, cho thuê hoặc cho vay ngắn hạn… tất cả đều đạt được giá trị lớn nhất là gia tăng được vòng đời sản phẩm. Sự chia sẻ quyền sở hữu ước tính có thể cắt giảm một phần tư các chi phí cá nhân và một phần ba cho các năng lượng phát thải cho sinh hoạt và sử dụng tài nguyên. Các tính toán được chỉ ra rằng, nếu các mô hình chia sẻ được thực hiện dưới các điều kiện thuận lợi, chi phí có thể tiết kiệm tới 7% và giảm lượng chất thải lên tới 20%. Khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, việc chia sẻ xe hơi có thể giúp giảm đến 37% lượng khí carbon thải ra môi trường.

Với các dịch vụ chia sẻ phòng, nhiều ví dụ chỉ ra rằng các đơn vị chia sẻ lưu trú làm cơ sở cho việc cắt giảm việc sử dụng tài nguyên năng lượng, nước và diện tích sử dụng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng dịch vụ chia sẻ lưu trú Airbnb cắt giảm được 20kg CO2 liên quan đến việc sử dụng năng lượng qua các hoạt động lưu trú trên mỗi phòng trong vòng một năm. Đối với việc lưu trú qua ngày, Airbnb cắt giảm từ 78-84% (ước tính 150-330kBTu) về phát thải CO2 so với việc đặt phòng qua khách sạn thông thường. Theo ước tính, lượng năng lượng sử dụng tại các khách sạn thường cao hơn 50% so với các dịch vụ nhà ở, do đó sử dụng Airbnb cho các khu vực du lịch để giảm thải các tác động tiêu cực đến môi trường là hết sức khả quan. Hiện nay, Airbnb đã có mặt ở 190 quốc gia trên thế giới.

Một lợi ích cơ bản khác của kinh tế chia sẻ là giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế. Đặc biệt với các nền tảng trực tuyến, người mua và người bán nhanh chóng tìm được nhau. Trong quá trình này, kết nối không có rào cản, những khâu trung gian và kết nối cung cầu có tính chất trung gian sẽ giảm đi, người mua và người bán sẽ có thể tương tác trực tiếp với nhau. Các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ không mất thời gian tìm các đối tác khác, tiết kiệm thời gian thương lượng và chốt giao dịch. Thông qua đó giúp tăng tính cạnh tranh giữa những nhà cung cấp cả về thời gian cung cấp, giá cả và chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ. Kết quả cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi và hiệu quả sản xuất trong nền kinh tế tăng lên.

Kinh tế chia sẻ cũng góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng. Đó là do bản thân kinh tế chia sẻ có nhu cầu ngày càng cao, việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả chính là “cầu” quan trọng cho công nghệ thông tin phát triển. Hàng hóa và sản phẩm cũng cần ngày càng hoàn thiện hơn nên cũng góp phần thúc đẩy các công nghệ sản xuất để đáp ứng ngày càng tốt hơn về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng do người tiêu dùng có thể thẩm định nhanh chóng tất cả thông tin và có thể so sánh chất lượng các sản phẩm tốt hơn.

Bài cuối : Cần xác định trách nhiệm của các bên  

Minh Nguyệt (TTXVN)
Tạo sức bật mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Tạo sức bật mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Cùng sự phát triển đầy ấn tượng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, hoạt động kinh doanh năm 2019 của Agribank tiếp tục tăng trưởng, có những đóng góp ý nghĩa và tích cực trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo tiền đề vững chắc hướng đến mục tiêu cổ phần hóa, tiếp tục khẳng định vị trí NHTM hàng đầu Việt Nam, đi đầu dẫn dắt hệ thống ngân hàng, giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN