Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết việc dạy học qua Internet và truyền hình

Bộ đưa ra những hướng dẫn về các hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình với những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bài học và học liệu, cách thức tổ chức dạy học...
Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết việc dạy học qua Internet và truyền hình ảnh 1Giáo viên sử dụng máy tính để giảng bài online. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc hướng dẫn dạy học qua Internet, truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19.

Trong công văn, Bộ đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về các hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình với những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bài học và học liệu, cách thức tổ chức dạy và học cũng như việc đánh giá kết quả học tập.

Các hình thức dạy học qua internet

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dạy học qua Internet là các hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ Internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Các hoạt động này bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System); Dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System); Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.

Hệ thống quản lý học tập là hệ thống phần mềm và mạng máy tính cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua internet từ lúc nhập học đến khi học sinh hoàn thành khóa học.

Hệ thống giúp cơ sở giáo dục theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh; giúp giáo viên giao tiếp với học sinh trong việc hướng dẫn học, giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp học sinh có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng, kết nối với giáo viên và các học sinh khác để trao đổi bài.

Hệ thống quản lý nội dung học tập là hệ thống phần mềm và mạng máy tính quản lý kho nội dung học tập qua internet, cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải các nội dung học tập tới học sinh.

Hệ thống quản lý nội dung học tập có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý học tập (để truyền tải nội dung học tập tới học sinh) và phần mềm công cụ soạn bài giảng (để tạo ra các nội dung học tập).

Hệ thống dạy học trực truyến là phần mềm ứng dụng cho phép tổ chức và quản lý lớp học qua Internet; cho phép giáo viên và học sinh có thể giao tiếp, tương tác trực tiếp được với nhau để tổ chức hoạt động dạy học.

Bài học và học liệu được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm sách giáo khoa, bài giảng, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Bài học và học liệu bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học; được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.

Về việc tổ chức hoạt động dạy học, đối với cơ sở giáo dục, cần xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học qua Internet theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua Internet.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua internet của giáo viên và học sinh nhà trường; phối hợp với gia đình trong việc tổ chức dạy học qua Internet.

Giáo viên phải có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua Internet.

Giáo viên cần lên kế hoạch tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.

Cán bộ kỹ thuật có kĩ năng về quản trị kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học; sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để hỗ trợ cả giáo viên và học sinh khi cần thiết.

Học sinh phải được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng ứng dụng hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trên Internet học tập trước khi tham gia bài học; thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.

Gia đình học sinh có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua internet của học sinh; phối hợp, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết việc dạy học qua Internet và truyền hình ảnh 2Giáo viên giảng dạy tại trường quay để phát sóng trên truyền hình. (Ảnh: TTXVN)

Dạy học trên truyền hình

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn cụ thể việc dạy học trên truyền hình, trong đó giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài giảng được phát trên truyền hình.

Yêu cầu kỹ thuật đối với hình thức dạy học này là thiết bị, hạ tầng kết nối truyền hình phải đáp ứng các yêu cầu thu sóng truyền hình tương thích với hệ thống truyền hình quốc gia.

Bài học trên truyền hình do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học liệu được sử dụng trong dạy học bao gồm sách giáo khoa, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học trên truyền hình, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học; được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.

Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể của từng lớp học, môn học, theo lịch phát sóng các bài học; phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách môn học theo lớp học xây dựng kế hoạch bài học.

Các trường thông báo thời khóa biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, gia đình học sinh để phối hợp tổ chức cho học sinh học các bài học trên truyền hình; quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học trên truyền hình.

Giáo viên cần xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, bao gồm tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.

Đồng thời, giáo viên gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo các bài học trước khi bài học được phát trên truyền hình; liên hệ với gia đình để phối hợp tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học tập trên truyền hình.

Giáo viên tiếp nhận báo cáo kết quả học tập trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả học tập thông qua báo cáo kết quả học tập của học sinh; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình giáo dục.

Học sinh cần được hướng dẫn đầy đủ về nhiệm vụ học tập trước khi học các bài học được phát trên truyền hình; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập trước, trong và sau khi học các bài học trên truyền hình; nộp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho giáo viên để được nhận xét, đánh giá.

Cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên để hỗ trợ học sinh tiếp nhận nhiệm vụ học tập, tài liệu hướng dẫn học theo bài học trên truyền hình; giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài học trên truyền hình.

Cha mẹ hỗ trợ học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao và gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho giáo viên để được nhận xét, đánh giá.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết việc dạy học qua Internet và truyền hình ảnh 3Học sinh học bài qua truyền hình. (Ảnh: TTXVN)

Kiểm tra định kỳ, học kỳ khi học sinh đi học trở lại

Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.

Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua Internet, trên truyền hình, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.

Đối với việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ, khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông./.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết việc dạy học qua Internet và truyền hình ảnh 4Học sinh học bài qua truyền hình. (Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục