Bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 43.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 25/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 43.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 43.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu các nội dung trình tại phiên họp; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hiệu quả hơn.

Đồng thời, Ủy ban cũng ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch bệnh của Văn phòng Quốc hội, giúp phiên họp được tiến hành an toàn.

Kết thúc phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các kết luận của từng nội dung để thực hiện các bước tiếp theo, nhất là nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Trong đầu tháng Tư (dự kiến từ ngày 6-8/4 tới), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhưng không họp tập trung mà tiến hành họp trực tuyến thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng (IPAD) đã trang bị cho đại biểu Quốc hội.

Để tổ chức Hội nghị thành công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, sớm gửi tài liệu của 5 dự án luật sẽ được thảo luận tại Hội nghị để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham gia được chất lượng.

Văn phòng Quốc hội cần chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm về trang thiết bị, đường truyền… và kịp thời hướng dẫn về cách thức tham gia để phục vụ tốt cho Hội nghị.

Phiên họp thứ 44 (dự kiến được tổ chức vào tháng Tư tới) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến có khá nhiều nội dung, cần được các cơ quan tích cực chuẩn bị.

Vừa qua, Chính phủ đề nghị bổ sung một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ xem xét kỹ lưỡng về tính cấp thiết, cũng như khả năng chuẩn bị trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 hiện nay để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc bổ sung hay rút gọn chương trình làm việc tại kỳ họp tới.

[Làm rõ quy định kiểm toán, tránh ảnh hưởng đến thu hút đầu tư]

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong trường hợp đầu tháng Tư tới tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, quyết định thời gian tổ chức kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Chính phủ vừa qua đã có chỉ đạo kiểm tra, rà soát không để người mắc, nghi mắc COVID-19 từ nước ngoài về nước lan rộng ra cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những ngày gần đây, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tính đến sáng 25/3, Việt Nam đã có 134 ca mắc bệnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới cần thực hiện tốt các quy định pháp luật, theo dõi và chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các khuyến cáo của ngành y tế; hạn chế ra đường, tuân thủ việc không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy nhà nước, tất cả các công việc phải được tiến hành trôi chảy, theo kế hoạch, có điều chỉnh phương pháp làm việc cho phù hợp.

Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quán triệt tinh thần này. Những công việc từ nay đến tháng Năm tới vẫn phải được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ nhân dân qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế các cuộc họp, làm việc đông người.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, cần thực hiện những giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế-xã hội, nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, hạn mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong điều kiện hiện nay, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định, nhất là chăm lo đời sống nhân dân.

Bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để có những đề xuất kịp thời, hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội (trong đó lưu ý xử lý các vấn đề của người dân, doanh nghiệp… theo đúng quy định của pháp luật).

Về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 34 Điều. Ngày 20/3 vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung nêu trong Tờ trình và Dự thảo của Chính phủ; đồng tình với các ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng-An ninh và một số ý kiến phát biểu.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đây là vấn đề lớn quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của dự thảo, cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ. Nội dung này được nhiều ý kiến quan tâm và cũng có ý kiến khác nhau.

Việc xây dựng dự án luật với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” và mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng là phù hợp. Tuy nhiên, với tên gọi và phạm vi điều chỉnh đã được xác định, luật cần quy định tổng thể các vấn đề có liên quan đến biên phòng.

Công tác biên phòng là bộ phận trong công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, nhiệm vụ có sự tham gia của nhiều lực lượng khác tại khu vực biên giới và được quy định ở nhiều luật khác nhau. Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu, rà soát thật kỹ.

Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, vấn đề liên quan đến tên gọi và phạm vi điều chỉnh, báo cáo thẩm tra sơ bộ và nhiều ý kiến thảo luận cũng đề nghị làm rõ.

Bế mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sơ bộ có thể thấy rằng, ngoài Luật Biên giới quốc gia, hiện có tới 10 đạo luật có các quy định liên quan tới hoạt động biên phòng, do đó các quy định của dự án luật cần được rà soát thật kỹ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan, xác định rõ mối quan hệ giữa luật này với các luật khác, nhất là với Luật Biên giới quốc gia.

Về giải thích từ ngữ, dự thảo luật giải thích hai cụm từ “Biên phòng” và “Thực thi nhiệm vụ biên phòng,” trong đó khái niệm “Biên phòng” là vấn đề cơ bản bởi sẽ quyết định đến kết cấu, nội dung, bố cục của luật. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các nội dung giải thích từ ngữ để đảm bảo tính hợp lý.

Về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng ở Chương II, đây là chương rất quan trọng thể hiện việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Về bản chất, chương này phải làm rõ quy định rành mạch các nội dung về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng để từ đó phân tích được phạm vi giữa Luật Biên phòng Việt Nam với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác.

Nội dung Hợp tác quốc tế về Biên phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát lại các nội dung của chương này đảm bảo tính thống nhất với pháp luật và ký kết điều ước quốc tế phù hợp với các luật khác; có ý kiến đưa vào 1 chương, có ý kiến đưa vào một mục của chương II. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, phối hợp cùng cơ quan thẩm tra.

Chương IV về Lực lượng Bộ đội Biên phòng kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, đồng thời bổ sung nhiều nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, nhất là các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, phân định rõ nhiệm vụ, chức năng của Bộ đội Biên phòng với các lực lượng khác, nhất là với Công an, Hải quan, Cảnh sát biển…

Ngoài các vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ về tính khả thi, hợp lý đối với các quy định bảo đảm chế độ, chính sách về Biên phòng, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, rà soát thật kỹ về bố cục, kỹ thuật văn bản để hoàn chỉnh thêm.

Trên cơ sở các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự án luật, chỉnh lý nội dung để chính thức trình Quốc hội. Ủy ban Quốc phòng-An ninh tổ chức thẩm tra chính thức gửi ra Quốc hội trình theo đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục