Tranh cãi Mỹ-Trung và cuộc chiến tin giả về dịch COVID-19

Mỹ và Trung Quốc đã “lời qua tiếng lại” khi một quan chức Bắc Kinh “thổi phồng” những thuyết âm mưu, còn Washington gọi đại dịch COVID-19 là “virus Vũ Hán."
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo Trang mạng abcnews.go.com/rappler.com, chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm tạo ra tính “hư hư thực thực” về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang làm dấy lên cuộc tranh cãi với Mỹ.

Hai bên đã “lời qua tiếng lại” khi một quan chức Bắc Kinh “thổi phồng” những thuyết âm mưu, còn Washington gọi đại dịch này là “virus Vũ Hán."

Nhìn nhận ở góc độ lớn hơn, hãng tin ABC News của Mỹ cho rằng cuộc tranh cãi này còn bộc lộ cuộc chiến thông tin giả trong thế kỷ 21.

Trung Quốc thúc đẩy thuyết âm mưu

Theo trang mạng rappler.com, tranh cãi nảy sinh khi Trung Quốc nỗ lực làm trệch hướng sự chỉ trích đối với tình trạng lây nhiễm hiện nay, đồng thời tự coi mình là một nước đã có những biện pháp quyết liệt nhằm kìm hãm thời gian lây lan dịch bệnh ra toàn thế giới khi thực hiện cách ly những cộng đồng dân cư lớn của mình.

Khi các ca lây nhiễm đang có dấu hiệu sụt giảm ở Trung Quốc và gia tăng ở các nước khác, Bắc Kinh lại bác bỏ sự quy kết được thừa nhận rộng rãi rằng thành phố Vũ Hán của nước này là “cái nôi” của đại dịch.

Ngày 12/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã thúc đẩy thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc đưa dịch bệnh này đến Trung Quốc hồi tháng 10/2019. Điều này gây xôn xao dân mạng xã hội của Trung Quốc.

Viết trên trang mạng xã hội Twitter, ông Triệu cho rằng “có thể quân đội Mỹ đã đem dịch bệnh đến Vũ Hán," mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Người phát ngôn này cũng củng cố tuyên bố này của mình khi hôm 13/3 đăng tải lên mạng xã hội Twitter một đường liên kết điện tử của một bài viết có nguồn từ một trang mạng chuyên đưa tin về những thuyết âm mưu về vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Các cơ quan kiểm duyệt, thường cảnh giác với những tin đồn, cũng cho phép người sử dụng mạng xã hội của Trung Quốc phát tán những bình luận tương tự về vai trò của Mỹ đằng sau đại dịch.

Một đoạn băng ghi hình - trong đó một quan chức y tế Mỹ nói rằng một số bệnh nhân bị cúm được chuẩn đoán sau khi thiệt mạng là do bị nhiễm COVID-19, đã trở thành một trong những thông tin được tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc vào tuần này, với việc một số người sử dụng mạng nói rằng rõ ràng virus đã bắt nguồn từ Mỹ.

Ông Dali Yang, Giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Chicago, cho rằng ông Triệu “đã bình luận trên mạng xã hội Twitter với tư cách chính thức của mình." Ý định của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy thuyết âm mưu này là “nhằm làm trệch hướng sự bất bình của người dân trong nước” về cách ứng phó và xử lý dịch bệnh (của chính quyền trung ương) vốn khiến hơn 3.100 người thiệt mạng ở Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu ông Triệu đại diện cho quan điểm của chính phủ hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 13/3 lại tỏ ra khôn khéo hơn khi đáp rằng “cộng đồng quốc tế, trong đó có người dân ở Mỹ, có những quan điểm khác nhau về nguồn gốc của virus." Ông Cảnh nói thêm: “Ngay từ ban đầu, Trung Quốc cho rằng đây là một vấn đề khoa học, và rằng chúng ta cần lắng nghe lời khuyên của giới khoa học và chuyên gia."

“Virus Vũ Hán”

Trong khi đó, Washington lại chọc giận Bắc Kinh khi sử dụng ngôn từ liên hệ trực tiếp loại virus này với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi virus này là “virus Vũ Hán," khiến Bắc Kinh đáp lại khi gọi đây là ngôn từ “hèn hạ” và “không tôn trọng khoa học."

Ngôn ngữ của ông Pompeo đã làm nảy sinh những cáo buộc cho rằng là nhằm bôi nhọ người dân Trung Quốc, song Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với hãng tin ABC News hôm 13/3 rằng đó là nỗ lực có chủ ý nhắm “đáp lại thông tin sai lệnh (của Đảng Cộng sản Trung Quốc)” như lời nói ông Triệu.

Trong bài phát biểu trước cả nước được truyền hình trực tiếp hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về đại dịch COVID-19 “vốn bắt nguồn từ Trung Quốc."

Nhà nghiên cứu Yun Jiang tại Đại học Quốc gia Australia nhận định rằng ngôn ngữ của Tổng thống Trump là “một phần của kiểu chính trị dùng 'tiếng nóng' của ông," tức truyền tải thông điệp không chỉ đến người dân Mỹ mà còn đến một hoặc nhiều nhóm đối tượng khác.

[Nỗ lực chống tin giả về COVID-19 liệu có tác dụng?]

Theo ABC News, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/3 đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ để kháng nghị những bình luận của người phát ngôn Triệu nói trên.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Trung Quốc đang tìm cách làm trệch hướng sự chỉ trích đối với vai trò của nước này trong việc làm bùng phát đại dịch toàn cầu và che giấu toàn thế giới. Việc lan truyền những thuyết âm mưu là nguy hiểm và nực cười."

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 11/3 khẳng định chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ Vũ Hán. Ông O’Brien cũng chỉ trích việc thiếu phối hợp đồng bộ giữa quan chức Trung Quốc và việc che giấu dịch bệnh khi ban đầu xảy ra sự bùng phát đã khiến “cộng đồng quốc tế mất 2 tháng để đối phó” với mối đe dọa này. Bắc Kinh gọi những nhận định của O’Brien “hết sức vô đạo đức và vô trách nhiệm."

Nhà nghiên cứu Jiang tiếp tục bình luận rằng “bằng việc gieo rắc nghi ngờ vào tâm trí người dân về nguồn gốc loại virus này, họ đang cố gắng làm trệch hướng chỉ trích về sự bùng phát dịch."

Tranh cãi Mỹ-Trung và cuộc chiến tin giả về dịch COVID-19 ảnh 1Người dân xếp hàng mua đồ tại siêu thị ở Los Angeles, Mỹ ngày 14/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoài nghi

Tranh cãi nói trên đã thúc đẩy nghi ngờ về nguồn gốc của dịch bệnh vốn trái ngược với đánh giá ban đầu của chính Trung Quốc về nguồn gốc của loại virus này.

Gao Fu, Giám đốc Trung Tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, hồi tháng 1/2020 nói: “Chúng ta hiện biết rằng nguồn gốc của SARS-CoV-2 là từ động vật hoang dã bán tại chợ hải sản” ở Vũ Hán.

Bản thân giới chức Trung Quốc coi Vũ Hán và phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc là một mối đe dọa khi họ cách ly 56 triệu người dân của khu vực này nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, cuối tháng 2/2020, Bắc Kinh bắt đầu gieo rắc những hoài nghi khi Zhong Nanshan, một chuyên gia có uy tín có mối liên hệ với Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói với báo giới rằng “bệnh dịch dường như bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, song không hẳn bắt nguồn từ Trung Quốc."

Tuy nhiên, giới khoa học lâu nay cho rằng chủng mới của SARS-CoV-2 đã từ động vật tại chợ Vũ Hán lây sang người trước khi lây lan toàn cầu. WHO nói rằng mặc dù con đường chính xác lây lan giữa động vật và con người hiện chưa rõ ràng song COVID-19 “vẫn là bí ẩn trước khi sự bùng phát bắt đầu xảy ra ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019."

Bà Christl Donnelly, Giáo sư về dịch tễ học thống kê tại trường Imperial College London, cho rằng phân tích chuỗi gennecủa các mẫu phẩm chủng virus được thu thập từ khắp nơi trên thế giới cho thấy cùng một chủng ở Trung Quốc. Bà nói: “Điều này dù sao cũng không thể chỉ trích bất kỳ nước nào."

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc đặt tên dịch bệnh này theo cách kích động phân biệt chủng tộc đối với những nhóm sắc tộc nhất định.

Cũng theo ABC News, mặc dù một phái đoàn quân sự Mỹ đã tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế 2019 tổ chức ở Vũ Hán hồi tháng 10/2019, song không có bằng chứng nào cho thấy họ nhiễm SARS-CoV-2.

Giới khoa học hiện chưa thể xác định được “bệnh nhân số 0” là ai, song những ca bị nhiễm bệnh ban đầu được báo cáo xuất phát từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, và số ca lây nhiễm phát tán nhanh sau đó.

Cuộc chiến tin giả

Hãng tin ABC News dẫn lời giới chức Mỹ bình luận đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc mà còn cho thấy cuộc chiến thông tin trong thế kỷ 21 đang gia tăng mạnh mẽ với những nỗ lực của một số nước, trong đó có Nga nhằm lan truyền những thuyết âm mưu về vai trò của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, việc phát tán có chủ đích thông tin sai trái về sự bùng phát dịch bệnh là nhằm thể hiện rằng các biện pháp ứng phó của họ ưu việt hơn các biện pháp của Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải giữ thể diện ở trong nước, nơi người dân Trung Quốc đã thể hiện nỗi bất bình của mình trên mạng xã hội về cách thức ứng phó chậm chạp và không minh bạch của chính phủ.

Michael Green, Phó Chủ tịch cấp cao về chương trình châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Hiện xuất hiện chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc như WeChat để chỉ trích phương Tây, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và cũng có một chiến dịch trên mạng xã hội mà chính phủ Trung Quốc chủ tâm tiến hành nhằm thể hiện rằng cách thức ứng phó đối với dịch bệnh cho thấy khả năng quản trị của Trung Quốc ưu việt hơn phương Tây."

ABC News dẫn lời giới chức Mỹ nói rằng ngoài Bắc Kinh, Nga cũng đã tham gia việc phát tán thông tin sai lệnh về việc Mỹ tạo ra hoặc làm lây lan sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

Theo bà Lea Gabrielle - Giám đốc Trung tâm Can dự Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan theo dõi và đối phó với thông tin sai lệch của chính phủ nước ngoài và cỗ máy tuyên truyền của lực lượng khủng bố - cơ quan này hồi tuần trước đã báo cáo về việc “toàn bộ hệ sinh thái thông tin sai lệch của Nga đã can dự vào cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này."

Báo cáo trước Thượng viện Mỹ, bà Gabrielle cho biết truyền thông Nga, các tài khoản chính thức và các mạng tin tức ủy nhiệm đã tung ra thuyết âm mưu dưới vỏ bọc của báo chí với những thông tin sai lệnh. Tuy nhiên, bà Gabrielle từ chối cung cấp chi tiết của nội dung sai lệnh này là gì với lý do không muốn phát tán thêm những thông tin này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục