Australia phạt nặng những người không thực hiện tự cách ly

COVID-19: Australia phạt nặng những người không thực hiện tự cách ly

Các cá nhân không chấp hành lệnh của chính quyền trong trường hợp khẩn cấp về y tế sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 5.500 AUD (3.700 USD) đến 50.000 AUD (36.000 USD) và phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Australia sẽ áp dụng mức phạt lên tới 50.000 AUD (36.000 USD) và 1 năm tù đối với những ai không chịu tuân thủ các hướng dẫn về tự cách ly để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khuyến khích người dân thông báo cho nhà chức trách những trường hợp bất tuân thủ nói trên.

Ngày 15/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố lệnh yêu cầu tất cả những người nhập cảnh vào Australia, kể cả công dân Australia, sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Ông Morrison cho biết việc tự cách ly sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện nhưng chính quyền các bang và lãnh thổ sẽ áp dụng các mức phạt cụ thể đối với những ai không thực hiện yêu cầu tự cách ly.

Tuy nhiên, ông Morrison thừa nhận, trên thực tế lực lượng cảnh sát các bang không đủ nhân lực để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ yêu cầu trên.

Trong một cuộc họp báo sáng 16/3, Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, cũng thừa nhận việc giám sát từng người trong vòng 2 tuần sau khi xuống máy bay là điều không thể, và hy vọng hầu hết mọi người sẽ tự giác thực hiện yêu cầu cách ly.

Bà Berejiklian kêu gọi người dân báo cảnh sát những ai vi phạm yêu cầu tự cách ly, kể cả các đồng nghiệp nếu họ vẫn đi làm sau khi vừa từ nước ngoài trở về, để buộc những người này phải ở nhà.

Theo pháp luật hiện hành về bảo vệ sức khỏa cộng đồng ở các bang và vùng lãnh thổ ở Australia, các cá nhân không chấp hành lệnh của chính quyền trong trường hợp khẩn cấp về y tế sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 5.500 AUD (3.700 USD) đến 50.000 AUD (36.000 USD) và phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm.

Bà Berejiklian cũng nhấn mạnh các nhà tổ chức sự kiện sẽ phải đối mặt với các mức phạt tiền cao, thậm chí phạt tù, nếu tiếp tục tổ chức các sự kiện có hơn 500 người tham gia, kể từ ngày 16/3.

Tính đến sáng ngày 16/3, Australia đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do COVID-19 trong khi số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã vượt qua 300 ca, trong đó chỉ riêng bang New South Wales có 134 ca.

[COVID-19: Australia áp đặt quy định tự cách ly đối với người nhập cảnh]

Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil ngày 15/3 thông báo nước này ghi nhận thêm 79 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 200 người.

Các địa phương có số người mắc COVID-19 nhiều nhất là bang Sao Paulo với 136 trường hợp, chiếm 68% tổng số ca tại Brazil, tiếp đến là Rio de Janeiro với 24 trường hợp và thủ đô Brasilia với 8 ca dương tính.

Sao Paulo và Rio de Janeiro cũng là các địa phương có sự lây nhiễm trong cộng đồng do có nhiều trường hợp không xác định được nguồn gốc lây nhiễm. Ngoài ra, hiện có khoảng gần 2.000 trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 đang được cách ly theo dõi.

Hiệp hội bác sỹ Brazil cảnh báo nước này cần phải tăng thêm khoảng 20% số giường bệnh tại các khoa hồi sức cấp cứu trong hệ thống y tế công để có thể bảo đảm việc chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Hiện nay, Brazil có khoảng 14.800 giường tại các khoa hồi sức cấp cứu trên cả nước, song gần 14.000 giường đang được sử dụng.

Chính vì vậy, để có thể chăm sóc cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hệ thống các bệnh viện công cần phải có thêm ít nhất 3.000 giường cho các khoa hồi sức cấp cứu.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo quốc gia này đã ghi nhận thêm 12 ca dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 53 người, ngoài ra có 176 ca nghi ngờ nhiễm virus này.

Nhằm giảm tốc độ lây lan của SARS-CoV-2, cơ quan y tế Mexico sẽ áp dụng các biện pháp cách ly cộng đồng, hoãn toàn bộ các hoạt động không cấp thiết và điều chỉnh lại lịch của các hoạt động quần chúng tụ tập trên 5.000 người.

Chính phủ Mexico cũng khuyến cáo người dân không nên đi du lịch nước ngoài trong thời gian này. Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez Gatell cảnh báo trong vòng 10 ngày tới, SARC-CoV-2 sẽ chuyển sang giai giai đoạn lây lan cộng đồng tại nước này và số ca bệnh sẽ tăng lên hàng trăm người.

Hiện tại, một số thành phố của Mexico đã hủy hoặc hoãn tất cả các sự kiện ở nơi công cộng và Bộ Giáo dục công cũng đẩy sớm và kéo dài kỳ nghỉ tuần lễ thánh đối với học sinh, sinh viên trên toàn quốc từ ngày 20/3-20/4./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục