Ấn Độ công bố chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới

Chương trình chăm sóc sức khỏe AB-PMJAY của Ấn Độ được xem là "chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ cấp vốn lớn nhất thế giới," hướng tới hơn 500 triệu người thụ hưởng.
Ấn Độ công bố chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại buổi công bố chương trình. (Nguồn: Dailyworld.in)

Ngày 23/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố chương trình chăm sóc sức khỏe có tên gọi AB-PMJAY. Chương trình này được xem là "chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ cấp vốn lớn nhất thế giới," hướng tới hơn 500 triệu người thụ hưởng.

Cụ thể, chương trình này sẽ trang trải tới 500.000 rupee (khoảng 6.900 USD) cho mỗi gia đình/năm khi phải nằm viện lần hai và lần ba thông qua một mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có trong danh sách (EHCP).

Thủ tướng Modi cho biết chương trình nói trên sẽ giúp chữa trị hơn 1.300 loại bệnh, trong đó có ung thư, bệnh tim, gan thận, tiểu đường.

Việc chữa trị các bệnh nghiêm trọng sẽ không chỉ được thực hiện ở các bệnh viện công mà còn ở nhiều bệnh viên tư. Cũng theo ông Modi, đã có hơn 13.000 bệnh viện đã tham gia chương trình này.

[Dịch cúm lợn bùng phát mạnh tại bang Maharashtra của Ấn Độ]

Thủ tướng Modi khẳng định số người thụ hưởng chương trình này tương đương với toàn bộ dân số của Liên minh châu Âu và không một nước nào khác trên thế giới có được một kế hoạch lớn như vậy mà lại sử dụng nguồn tiền của chính phủ.

Ông cho biết thêm sẽ có 2.500 bệnh viện hiện đại ở các thành phố cấp II và cấp III và điều này sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đồng thời bày tỏ tin tưởng chương trình chăm sóc sức khỏe này sẽ là một hình mẫu cho các nước trên khắp thế giới.

Các mục tiêu của chương trình này là giảm chi phí nằm viện, đáp ứng các nhu cầu chưa được đáp ứng và cải thiện việc tiếp cận của các gia đình đã được xác định đối với dịch vụ chăm sóc bệnh nhân nội trú và phẫu thuật chăm sóc trong ngày chất lượng.

Chương trình trên đã được thí điểm ở khoảng 22 bang và vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ và cho đến nay, 30 bang và vùng lãnh thổ liên bang đã ký bản ghi nhớ và bắt đầu triển khai chương trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục