Kích hoạt cơ chế toàn cầu đầu tiên nhằm ngăn ngừa nạn đói

Microsoft, Amazon và Google đã cùng các tổ chức quốc tế thành lập một liên minh toàn cầu đầu tiên nhằm ngăn chặn xảy ra các nạn đói trong tương lai tại các quốc gia đang phát triển.
Kích hoạt cơ chế toàn cầu đầu tiên nhằm ngăn ngừa nạn đói ảnh 1Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Maiduguri, Nigeria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với thế mạnh về công nghệ, ba "gã khổng lồ" Microsoft, Amazon và Google đã cùng các tổ chức quốc tế thành lập một liên minh toàn cầu đầu tiên nhằm ngăn chặn xảy ra các nạn đói trong tương lai tại các quốc gia đang phát triển.

Trong thông báo đưa ra ngày 23/9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc cho biết với sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, các tổ chức quốc tế này sẽ kích hoạt Cơ chế Hành động chống nạn đói (FAM) - cơ chế toàn cầu đầu tiên được thiết kế nhằm ngăn chặn xảy ra các nạn đói trong tương lai.

Trong quá khứ, các phản ứng trước những sự kiện gây thiệt hại lớn thường được triển khai quá muộn khi đã có quá nhiều trường hợp tử vong.

Để chấm dứt tình trạng này, FAM được thiết kế hướng đến việc ngăn chặn xảy ra các nạn đói trong tương lai, cũng như đảm bảo sự chuẩn bị tốt và những hành động kịp thời để có thể cứu sống nhiều sinh mạng và tiết kiệm chi phí khắc phục hậu quả tới 30%.

Cụ thể, bằng cách sử dụng "sức mạnh dự báo của các dữ liệu" để đưa ra những tín hiệu cảnh báo sớm nhằm xác định các cuộc khủng hoảng lương thực có thể biến thành nạn đói, FAM sẽ kích hoạt các kế hoạch tài trợ thông qua các công cụ tài chính cũng như phối hợp chặt chẽ với các hệ thống hiện hành để đưa ra những phản ứng kịp thời.

FAM cũng có khả năng phân tích mối tương quan giữa các nguy cơ khác nhau thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh sáng kiến FAM, đánh giá đây là một công cụ mới quan trọng nhằm giúp dự báo và ngăn chặn nạn đói.

[Tham nhũng đe dọa giấc mơ đảm bảo an ninh lương thực của châu Phi?]

Ông nhấn mạnh FAM sẽ mang lại một bức tranh chính xác hơn về tình hình an ninh lương thực ở thời điểm hiện tại, đồng thời sớm kêu gọi các nhà tài trợ và các cơ quan nhân đạo hành động tích cực, qua đó giúp cứu sống nhiều sinh mạng.

Ông nêu rõ: "Với FAM, chúng ta sẽ khôi phục cam kết không còn tình trạng phải chịu đựng nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Chúng ta sẽ khôi phục cam kết đảm bảo đầy đủ lương thực cho mọi người dân trên thế giới và không để ai bị bỏ lại phía sau."

Trong khi đó, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhấn mạnh việc hiện vẫn còn hàng triệu người, phần lớn là trẻ em, đang bị đói và suy dinh dưỡng ngay trong thế kỷ 21 là "một thảm kịch toàn cầu."

Ông cho biết FAM sẽ giúp triển khai các nguồn lực cần thiết để bảo vệ những đối tượng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, qua đó giúp đẩy lùi nạn đói nghèo trên toàn cầu.

Về phần mình, Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết AI và công nghệ máy học hứa hẹn đưa ra những dự báo và phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm về nguy cơ thiếu lương thực, như mất mùa, hạn hán, thiên tai và xung đột.

Ông nhấn mạnh việc dự đoán tốt hơn về thời điểm và địa điểm các nạn đói sẽ bùng phát trong tương lai để đưa ra những phản ứng kịp thời và hiệu quả sẽ giúp cứu sống nhiều người.

Theo báo cáo thường niên về "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu" của Liên hợp quốc, số lượng người bị đói đã tăng lên trong vòng 3 năm qua, với tỷ lệ còn vượt mức so với thời điểm khoảng gần 1 thập kỷ trước.

Riêng trong năm ngoái, hơn 20 triệu người tại Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen đã phải đối mặt với nạn đói khắc nghiệt, trong khi 124 triệu người hiện vẫn đang phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực. Hơn một nửa dân số sống tại các khu vực trên bị ảnh hưởng xung đột vũ trang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục