Tai nạn đường thủy: Chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hoá, nông sản, làm chết nhiều người.
Tai nạn đường thủy: Chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe ảnh 1Lực lượng cứu hộ tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích trong một vụ lật thuyền trên sông. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Báo cáo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tình tình hình tai nạn của phương tiện gia dụng trên đường thủy nội địa vào chiều tối nay (ngày 27/2) cho thấy, trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hoá, nông sản, làm chết nhiều người.

Cụ thể, vào hồi 15 giờ 10 phút ngày 25/2, trên tuyến sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ lật thuyền gia dụng làm 6 người chết (trong đó có 4 người lớn và 2 trẻ em).

Với những thông tin ban đầu từ hiện trường vụ việc cho thấy, chiếc thuyền được đưa vào hoạt động mà không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh cho người tham gia giao thông theo quy định lại khoản 3, điều 24 và Điều 80 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Ngoài ra, việc chở quá nhiều người và gió mạnh, sóng lớn cũng là lý do dẫn đến xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.

[Quảng Nam: Lật đò trên sông Vu Gia làm 6 người mất tích]

Sáng sớm ngày 15/2, trên sông La Ma thuộc địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, xảy ra vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người là 6 cặp vợ chồng đi khai thác keo tràm, hậu quả làm 3 người chết. Hay vào tối ngày 6/1 xảy ra vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý đoạn chảy qua tổ 3 phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, hậu quả làm 2 người trên thuyền tử vong…

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường thuỷ nêu trên chủ yếu là do các phương tiện gia dụng đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông.

“Mặt khác, việc người dân đưa phương tiện thuỷ gia dụng vào hoạt động mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản quy mô nhỏ phục vụ đời sống hàng ngày, tuy nhiên, hầu hết các phương tiện gia dụng không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định của Luật Đường thuỷ nội địa,” ông Hùng nhìn nhận.

Theo ông Hùng, đa số người dân khi tham gia giao thông đường thuỷ bằng phương tiện gia dụng đều chưa có ý thức về an toàn, không quan tâm đến việc sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh trong khi đó chế tài xử phạt đối với việc đưa phương tiện gia dụng không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh vào hoat động còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thuỷ trên phương tiện gia dụng.

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn đường thuỷ do các phương tiện gia dụng gây ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ.

[Xử phạt vi phạm giao thông: Tăng chế tài mới đủ sức răn đe]

Trong đó, có hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1-15 tấn hoặc có sức chở từ 5-12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thuỷ các quy định về an toàn giao thông theo quy định tại khoản 3, Điều 24 và Điều 80 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa nói chung và các hành vi vi phạm quy định pháp luật khi đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đường thuỷ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông, trang bị đủ dụng cụ an toàn các phương tiện thủy thô sơ theo quy định (áo phao, dụng cụ nổi).

Các tỉnh, thành cảnh báo các nguy cơ tai nạn, đuối nước khi tham gia giao thông bằng phương tiện thủy gia dụng mà không có áo phao, dụng cụ cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về việc đưa vào sử dụng và tham gia giao thông…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục