Bộ trưởng Công Thương: Dự báo sát, ứng phó hiệu quả trước dịch bệnh

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, Bộ trường Trần Tuấn Anh yêu cầu phải làm tốt công tác phân tích, dự báo đồng thời xây dựng các đối sách để ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Bộ trưởng Công Thương: Dự báo sát, ứng phó hiệu quả trước dịch bệnh ảnh 1Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì họp bàn các giải pháp ứng phó với dịch SARS-CoV-2. (Ảnh: Vietnam+)

Dịch SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng ở nhiều nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Trước thực tế đó, tại buổi làm việc với Cục công nghiệp và một số Vụ, Cục chức năng vào chiều nay (26/2), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác dự báo tình hình, để từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Nguy cơ đứt nguồn cung nếu dịch bệnh kéo dài

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp, đặc tính phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu khiến nhiều quốc gia có nền sản xuất phát triển, tỷ lệ nội địa hóa cao cũng đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trong trường hợp thiếu một số linh phụ kiện sản xuất.

[Khơi thông thị trường, giúp doanh nghiệp vượt khó do dịch COVID-19]

Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh SARS-CoV-2 gây ra, bởi nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc…

Dẫn chứng số liệu nhập khẩu đối với ngành điện-điện tử vào khoảng 40 tỷ USD năm 2019, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhất Bản, ông Hoài lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài khó nhập linh kiện thì nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này chỉ có thể duy trì sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.

Tương tự một số ngành khác như dệt may, da giày hiện có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các quốc gia trên cũng rất lớn. Riêng Trung Quốc năm 2019 Việt Nam đã chi 1,32 tỷ USD để nhập khẩu xơ sơi, 7,73 tỷ USD để nhập vải và khoảng 2,45 tỷ USD nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Trong khi nhập từ Hàn Quốc vào khoảng 2,02 tỷ USD vải và 0,71 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày.

Chính sự phụ thuộc rất lớn trong chuỗi cung ứng nên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các nước trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực này.

- Nhập khẩu một số nguyên phụ liệu từ Trung Quốc năm 2019:

Trong khi đó, việc tìm nguồn cung thay thế trong ngắn hạn cũng không đơn giản. Nêu ra một số khó khăn theo lãnh đạo Cục công nghiệp, các linh kiện đặc biệt là nguyên phụ liệu cao cấp được phân bổ theo chuỗi sản xuất toàn cầu chưa kể yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia cũng khác nhau, thậm chí giá nhập khẩu có thể cao hơn so với nhập từ Trung Quốc.

“Trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều chi phí phát sinh như chi vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc, chi trả lương ngừng việc cho người lao động…,” ông Trương Thanh Hoài nói.

Không chỉ lĩnh vực công nghiệp, tại thị trường trong nước, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến tiêu thụ hàng hóa có dấu hiệu chậm lại. Rõ rệt nhất khi hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ chỉ tăng trưởng hơn 8%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

“Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang quý 2 cùng với kịch bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra về điều chỉnh GDP thì Vụ dự báo năm 2020 tổng mức bán lẻ chỉ tăng trưởng khoảng 10%,” ông Trần Duy Đông Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay.

Dự báo sát để có giải pháp hiệu quả

Hiện nay, Trung Quốc cùng một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Tuy vậy, trước những tác động của dịch bệnh, nhiều dự báo không mấy khả quan về xuất khẩu và tiêu thụ tại những thị trường này cũng được tiên lượng trước.

Dẫn đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trương Thanh Hoài cho hay, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý 1, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý 1/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9% của quý 1/2019 và 10,45% của quý 1/2018.

Trong trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý 2/2020, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp trong quý 2/2020 chỉ tăng 5,33% cũng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của các quý cùng kỳ hai năm gần đây.

Từ thực tế đó, ông Hoài cho biết, Cục công nghiệp đã trực tiếp làm việc với các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để đánh giá và tìm hiểu thực tế những khó khăn vướng mắc, từ đó tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ.

Song để đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, ông Hoài đề nghị Chính phủ có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung thay thế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành xem xét các chính sách về ưu đãi thuế, giảm, giãn nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh.

- Ông Trương Thanh Hoài nói về ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất trong nước:

Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nhiều hàng hóa và sản phẩm của các quốc gia đã gắn bó chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy khi dịch bệnh lan rộng, tính tương tác phụ thuộc giữa các nền kinh tế cũng bộc lộ một cách rõ rệt.

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, Bộ trưởng yêu cầu phải làm tốt công tác phân tích, dự báo đồng thời xây dựng các đối sách để ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đánh giá có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng để đo lường mức độ tác động trong từng quý, thậm chí khi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, kéo dài thì khả năng chống đỡ với khó khăn sẽ ra sao?

Về thị trường tiêu thụ, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các Vụ, Cục theo ngành mảng phụ trách có những đánh giá đối với từng nhóm hàng và khu vực thị trường qua đó xây dựng các Đề án báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương để chỉ đạo điều hành, cũng như tính đến năng lực sản xuất của ngành công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài phức tạp sẽ có những giải pháp để bảo đảm bình ổn thị trường trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục