Giới khoa học Việt nhập cuộc nhanh trong nghiên cứu virus SARS-CoV-2

Ngay từ đầu tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định phê duyệt danh mục ba nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống COVID-19.
Giới khoa học Việt nhập cuộc nhanh trong nghiên cứu virus SARS-CoV-2 ảnh 1Cán bộ y tế Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 tại labo (ảnh chụp chiều 24/2/2020). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (SARS-CoV-2), cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng nhập cuộc hết sức khẩn trương, kịp thời, cùng với các giải pháp khác của các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Gấp rút triển khai nhiều đề tài nghiên cứu

Ngay từ đầu tháng 2/2020, sau khi Thủ tướng chính thức công bố dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định phê duyệt danh mục ba nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, giao trực tiếp cho ba tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện.

Ba đề tài nghiên cứu gồm Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus corona 2019 (SARS-CoV-2) giao cho Học viện Quân Y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus corona 2019 (SARS-CoV-2) giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sinh hóa Phù Sa-Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ) thực hiện.

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona 2019 (SARS-CoV-2) tại Việt Nam giao cho Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Tiếp sau đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới."

Đây là đề tài nghiên cứu thử thuốc lâm sàng, đòi hỏi phải quản lý, theo dõi rất đặc biệt, vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế trong quá trình xem xét phê duyệt, triển khai thực hiện đề tài.

Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI) thuộc Tập đoàn Vingroup ký kết tài trợ ba dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19 nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu “Phát triển vắcxin chống lại chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm."

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới 2019 tại Việt Nam."

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài “Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp."

Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF, cho biết với vai trò là tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp và nguy cấp của dịch COVID-19, VinIF mong muốn tìm được các nhóm nghiên cứu xuất sắc đang nỗ lực hoạt động để có thể tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc ứng phó với dịch bệnh.

Con đường gian nan và nhiều rủi ro

Kết quả đầu tiên đáng ghi nhận trong nghiên cứu của Việt Nam là khi các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới trong phòng thí nghiệm sau 72 giờ. Việt Nam là nước thứ tư trên thế giới nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Australia).

Việc nuôi cấy thành công là khâu quan trọng để có nguồn virus đủ làm nguyên liệu cho các nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến virus nguy hiểm này. Từ đây, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về hệ gien của virus, sản xuất các bộ kit chẩn đoán bệnh, sản xuất kháng thể, nghiên cứu sản xuất các thuốc ức chế virus, vắcxin phòng, chống bệnh…

[Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập thành công virus corona chủng mới]

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết việc nuôi cấy một virus có độ ổn định chưa rõ như SARS-CoV-2 là rất khó. Việt Nam rất may mắn có được kinh nghiệm cũng như được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước nên đã thành công phân lập được virus. Hệ thống nuôi và khuếch đại virus rất quan trọng trong nghiên cứu, chẩn đoán và sản xuất vắcxin.

Các kinh nghiệm của Việt Nam trong việc nghiên cứu lựa chọn chủng vắcxin, hệ thống nuôi cấy và phát triển, sản xuất vắcxin trong nước đã được quốc tế ghi nhận vì đã đạt nhiều thành công, vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai gần sẽ có vắcxin phòng chống SARS-CoV-2.

Giới khoa học Việt nhập cuộc nhanh trong nghiên cứu virus SARS-CoV-2 ảnh 2Tiến sỹ Lê Quang Hòa và các thành viên của nhóm nghiên cứu. (Nguồn: moit.gov.vn)

Giữa tháng Hai, nhóm nghiên cứu độc lập của Tiến sỹ Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), cũng thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit thử nhanh chủng SARS-CoV-2 dựa trên kỹ thuật RT-LAMP. Bộ kit thử này đã được nhóm nghiên cứu phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thực.

Kết quả thu được tương đối khả quan, tuy nhiên, để có thể đưa sản phẩm vào sản xuất và sử dụng cần quá trình đánh giá độc lập của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về độ chính xác, an toàn…

Chia sẻ về dự án vắcxin phòng virus SARS-CoV 2, Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết dù nghiên cứu, phát triển vắcxin đòi hỏi thời gian khá lâu nhưng công ty đã sớm chủ động liên hệ với Trung tâm Vi sinh vật học Max Planck của Đại học Bristol (Vương quốc Anh) đề nghị hỗ trợ và phối hợp nghiên cứu.

Trong điều kiện thuận lợi nhất, Việt Nam cần ít nhất một năm nữa mới có thể sản xuất được vắcxin phòng bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro.

Loại vắcxin mà Việt Nam hướng đến là vắcxin sử dụng protein. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene.

Việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắcxin, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vắcxin trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như SARS-CoV-2.

Công nghệ sản xuất vắcxin của Việt Nam khác biệt so với công nghệ được áp dụng ở các dự án do Liên minh sáng kiến đối phó với dịch bệnh (CEPI) tài trợ để phát triển vắcxin phòng chống SARS-CoV-2.

Cụ thể, hai trong số ba dự án mà CEPI tài trợ sử dụng công nghệ tổng hợp gien, dựa trên giải mã gene SARS-CoV-2 của các nhà khoa học Trung Quốc nên có thể đưa ra thử nghiệm trên động vật khá nhanh.

Tuy nhiên, với công nghệ này, giai đoạn thử nghiệm và đánh giá trên người lại mất nhiều thời gian hơn, chưa tính được thời gian thương mại hóa vắcxin. Trên thế giới đến nay chưa từng có vắcxin nào thương mại hóa được theo các công nghệ này. Các nhà khoa học cũng cảnh báo về nhược điểm của công nghệ này là không tạo được đáp ứng miễn dịch cao.

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt cũng chia sẻ thêm để tạo ra một loại vắcxin mới cần trải qua rất nhiều giai đoạn nhằm đảm bảo tính an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của vắcxin. Đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro bởi không phải dự án nghiên cứu nào cũng thành công.

Ngoài ra, việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất cũng gặp nhiều rủi ro khác như khi đi vào sản xuất thương mại thì dịch bệnh đã qua hoặc vắcxin bị rút phép, ngừng lưu hành vì tác dụng phụ… Lúc đó, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn trong khi kinh phí để có được một loại vắcxin là vô cùng lớn. Riêng khâu thử nghiệm trên người đã mất cả triệu đô la Mỹ. Vì vậy, ngay cả các hãng dược lớn trên thế giới không phải lúc nào cũng sẵn sàng tham gia cuộc chơi.

Hiện nay, trong số rất nhiều chủng corona virus có khả năng lây nhiễm ở người mới chỉ có ba chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là SARS-CoV-2.

Trong cả hai đại dịch lần trước, thế giới đều chưa có vắcxin nào được thương mại hóa. Bởi thế lần này, nếu sản xuất thương mại được vắcxin phòng SARS-CoV-2 thì sẽ là một bước tiến rất lớn.

Theo Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt, hiện không thể dự báo được trong tương lai có thêm chủng corona virus nào xuất hiện và gây đại dịch ở người. Nếu tình huống xấu xảy ra, khi đã có trong tay công nghệ vắcxin, chỉ cần “lắp ráp” phần gene của chủng virus mới vào thì sẽ nhanh chóng có vắcxin mới.

Nói cách khác, lần này nếu thành công sẽ là nền tảng để phát triển các vắcxin phòng đại dịch sau này chứ không chỉ riêng phòng virus corona.

Có thể thấy, các bước đi của giới khoa học trong nước gần như cùng lúc với các nhà khoa học trên thế giới. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh trong nước mà còn góp phần cung cấp cho thế giới bức tranh tổng thể về SARS-CoV-2.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những hiểu biết sâu rộng về bản chất dịch tễ học của bệnh, tích lũy kinh nghiệm cần thiết, đào tạo thêm nhiều chuyên gia lâm sàng, dịch tễ học, có thêm trang thiết bị hiện đại… để ứng phó với dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục