Chứng khoán thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19

Kết thúc phiên giao dịch sáng 25/2, chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 2% xuống còn 2.970,63 điểm, trong khi chỉ số blue-chip CSI300 giảm 1,6%.
Chứng khoán thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán tại Trung Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên thế giới và có nguy cơ trở thành một đại dịch toàn cầu, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 25/2, chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 2% xuống còn 2.970,63 điểm, trong khi chỉ số blue-chip CSI300 giảm 1,6%.

Trước đó, trong phiên giao dịch này, cả hai chỉ số đều giảm gần 3%, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ ngày 3/2. Tương tự, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong cũng giảm 0,1% xuống còn 26.799,14 điểm.

Trước đó, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên giao dịch ngày 24/2 cũng tràn ngập sắc đỏ. Điều này phản ánh tâm lý đặc biệt quan ngại của giới đầu tư về diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dẫn đến trình trạng giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu, chuyển sang đầu tư vào kênh trú ẩn an toàn là vàng.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ tại sàn giao dịch New York Exchange đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones trải qua một phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 2 năm khi khi giảm tới 3,6% điểm (hơn 1.000 điểm), dừng ở mức 27.960,80 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng lần lượt giảm 3,4% điểm và 3,7% điểm.

Tại thị trường chứng khoán Milan (Italy), chỉ số chính giảm hơn 4,5% sau khi Italy thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực miền Bắc nước này tăng mạnh.

Tại sàn giao dịch Frankfurt, Đức, và Paris (Pháp), giá cổ phiếu giảm hơn 3,5%. Tại sàn FTSE của London (Anh), giá cổ phiếu giảm 3,3%, gây thiệt hại ít nhất 400 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong vài giờ.

[Giá dầu thế giới giảm gần 4% do lo ngại dịch COVID-19 lan rộng]

Trong một nhận định đáng lưu ý, ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư thuộc Công ty quản lý tài sản toàn cầu UBS, cho rằng nếu các nước châu Âu và Bắc Mỹ ban bố các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt, việc làm này có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút trong sáu tháng đầu năm 2020 và các nước sẽ cần đưa ra những chính sách tiền tệ và tài chính để ngăn chặn đà giảm sút kéo dài.

Theo ý kiến của các chuyên gia phân tích từ MRB Partners, họ không cho rằng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, nhưng lưu ý giới đầu tư cần chuẩn bị ứng phó với sự biến động và khó khăn mang tính định kỳ trong vài tháng tới.

Giới phân tích cũng cảnh báo rằng sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống dưới mức thấp kỷ lục 1,32% ghi nhận năm 2016 có thể sẽ làm gia tăng tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Các thị trường tài chính ngày 24/2 đã gia tăng các dự đoán rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải cắt giảm lãi suất để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế.

Giá vàng thế giới trong sáng 25/2 đã giảm so với chốt phiên ngày trước đó, song vẫn ở mức cao. Hiện giá vàng thế giới ở mức 1.646,26 USD/oz, giảm so mức 1.688,66 USD/oz - mức ca nhất trong bảy năm được ghi nhận trong ngày 24/2.

Lo ngại nhu cầu dầu giảm sút do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá dầu WTI giao tháng Tư giảm 1,95 USD, còn 51,43 USD/thùng. Dầu Brent biển Bắc giao tháng Tư giảm 2,2 USD, còn 56,30 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục