Cà Mau liên tiếp xảy ra sụt lún nghiêm trọng trong mùa khô hạn

Các tuyến đường do tỉnh Cà Mau quản lý đã xảy ra 5 điểm sụt lún trên tuyến Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc và xuất hiện nhiều vết nứt nguy cơ sạt lở nguy hiểm trên tuyến Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc.
Cà Mau liên tiếp xảy ra sụt lún nghiêm trọng trong mùa khô hạn ảnh 1 Hiện trường tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đê biển Tây, Cà Mau, bị sụt lún nghiêm trọng. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở, sụt lún tại nhiều tuyến đường giao thông và đê biển.

Liên tiếp trong các ngày 18/2 và 23/2, tại tuyến đê Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây) hướng về cống Kênh Mới (xã Khánh Hải) thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sụt lún nghiêm trọng, chiều dài mặt đê gần 200m, độ sâu từ 1,8-2m, khoan đào cách chân đê khoảng 18m xuất hiện bùn trồi lên.

Trước đó, trong các ngày 30/1 và 6/2, tuyến đường Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc đã liên tiếp xảy ra 2 vụ sụt lún gây hư hỏng nặng tuyến đường BT có tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường quan trọng phục vụ công tác cứu hộ đê biển Tây, phòng chống cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của tỉnh này.

Kết quả rà soát mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, các tuyến đường do tỉnh quản lý đã xảy ra 5 điểm sụt lún trên tuyến Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc và xuất hiện nhiều vết nứt nguy cơ sạt lở nguy hiểm trên tuyến Co Xáng-Cơi Năm-Đá Bạc.

Tuyến đường giao thông nông thôn có hơn 900 vị trí sạt lở, sụt lún, chiều dài khoảng 21.600m; trong đó huyện Trần Văn Thời 578 vị trí sụt lún lộ bê tông, chiều dài gần 12.200m, có 326 vị trí sụt lún lộ đất đen chiều dài hơn 9.100m và thành phố Cà Mau có 3 tuyến lộ đất đen bị sụt lún chiều gần 300m.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, mùa khô 2019-2020 bắt đầu từ tháng 11/2019, có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí tới tháng 6/2020.

Trong khi đó, tình hình sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, khó lường.

[Hơn 120 mét đê biển Tây ở Cà Mau bị sụp lún nghiêm trọng]

Trước mắt nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tuyên truyền, đặt biển cấm nhân dân và phương tiện lưu thông ở những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún nguy hiểm.

Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của tỉnh đề xuất khắc phục sạt lở, sụt lún bằng biện pháp đưa vào hệ thống sông rạch lượng nước mặn cần thiết để tạo phản áp lên bờ kênh.

Bởi thực tiễn hệ thống kênh trong ô thủy lợi xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) đã có một lượng nước mặn vào kênh (do sự cố xói đáy cống Trùm Thuật Nam thuộc xã Khánh Hải, nay đã đắp đập tạm thay cống) nên không xảy ra sạt lở, sụt lún như các khu vực khác.

Qua khảo sát tại cống Trùm Thuật Nam ngày 20/2, cao trình trung bình mặt ruộng từ +0.3m đến +0.4m (cao trình đáy kênh -2.5m và mực nước trong kênh đã nhiễm mặn là -1.6m), chênh lệch từ mặt nước lên mặt ruộng từ 1.9m đến 2.0m.

Độ mặn lòng kênh 17,7‰, đào đất ruộng cách mép kênh 20m, sâu 2m thì mới có nước và có độ mặn 2‰ vẫn chưa xảy ra tình trạng trạng thẩm thấu nước mặn vào đồng ruộng vào thời điểm này.

Cơ quan chức năng tỉnh đề xuất xử lý cục bộ đối với các công trình lớn như đường trục, đê biển Tây… bằng biện pháp cô lập, dẫn dòng đưa nước mặn vào những đoạn kênh liên quan đến công trình hoặc san lấp cát, đất nâng cao trình đáy đoạn sông, rạch để tạo phản áp chống sụt lún.

Từ thực tế trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu cho ý kiến đối với các phương án, biện pháp chống sạt lở, sụt lún do tỉnh đề xuất.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các biện pháp khắc phục sạt lở, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn để vùng ngọt hóa thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, xác định quy hoạch sản xuất lâu dài cho vùng ngọt hóa của tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục