Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 23/2

Theo WHO, tổng số ca nhiễm bệnh ngoài Trung Quốc đại lục duy trì mức khá thấp với tổng cộng hơn 1.200 ca. Tuy nhiên, WHO bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm không có mối liên hệ dịch tễ học rõ ràng.
Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 23/2 ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế lớn nhất kể từ khi nước này được thành lập, trong khi Hàn Quốc nâng mức cảnh báo về COVID-19 lên mức cao nhất (mức đỏ).

Đây là những diễn biến mới nhất liên quan đến dịch bệnh COVID-19 ngày 23/2.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có 648 ca nhiễm COVID-19 và 97 ca tử vong đã được ghi nhận ở nước này tính đến sáng 23/2.

Theo ủy ban trên, trong số 97 ca tử vong có 96 ca ở tỉnh Hồ Bắc và 1 ở tỉnh Quảng Đông. Như vậy tính tổng cộng, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 2.442 người tử vong do COVID-19 và 76.936 ca nhiễm bệnh.

Trong khi đó, 22.888 bệnh nhân đã được xuất viện, riêng ngày 22/2 có 2.230 bệnh nhân. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca bình phục cao hơn nhiều so với số ca nhiễm mới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số ca nhiễm bệnh ngoài Trung Quốc đại lục duy trì mức khá thấp với tổng cộng hơn 1.200 tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, WHO bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm không có mối liên hệ dịch tễ học rõ ràng.

Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), 74 ca được xác nhận nhiễm bệnh, tăng so với con số 69 người một ngày trước đó, và số ca tử vong hiện là 2 người. 

Tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Cơ quan giám sát dịch bệnh đã xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 28 người. 

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã ban bố cảnh báo ở mức cao nhất khi số ca được xác nhận nhiễm COVID-19 tăng lên 602 người và số ca tử vong tăng lên 6 người.

Theo số liệu do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố, 329 người, chiếm 54,7% tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc, có liên quan đến các thành viên giáo phái có tên Shincheonji (Tân Thiên Địa) trong nước. 

Nhà thờ giáo phái Shincheonji tại thành phố Daegu, nơi bị nghi là ổ dịch mới bùng phát tại Hàn Quốc, đã công bố lập trường chính thức liên quan đến dịch COVID 19 thông qua trang chủ của nhà thờ, Youtube và mạng xã hội Facebook.

Người phát ngôn nhà thờ Shincheonji - Mục sư Kim Si-mon bày tỏ lấy làm tiếc về việc nhiều tín đồ và người dân đã bị lây nhiễm. Ông nhấn mạnh nhà thờ đang làm mọi cách trong khả năng, phối hợp với cơ quan y tế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Phía nhà thờ đã cung cấp danh sách các tín đồ cho Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) và chính quyền địa phương. Nhà thờ cũng đã thông báo tới toàn bộ 245.000 tín đồ trên cả nước, bao gồm cả 9.294 tín đồ tại cơ sở nhà thờ Shincheonji ở thành phố Daegu và 201 người đã ghé thăm nhà thờ này, khuyến nghị hạn chế hoạt động bên ngoài.

Tại Nhật Bản, Bộ Y tế xác nhận thêm 1 trường hợp tử vong trên du thuyền Diamond Princess. Đây là ca tử vong thứ 3 trên tàu này sau 2 trường hợp hôm 20/2 và là trường hợp tử vong thứ 4 tại Nhật Bản.

Nạn nhân là một cụ ông 80 tuổi, trước đó đã được xác nhận nhiễm COVID-19 và được đưa vào cơ sở y tế để điều trị. Tính đến nay, tổng cộng 773 trường hợp tại Nhật Bản đã nhiễm COVID-19, trong đó có 634 người trên du thuyền Diamond Princess và 14 công dân Nhật Bản trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

[WHO: Nguyên nhân lây nhiễm COVID-19 tại Italy vẫn là một bí ẩn]

Tại Iran, Bộ Y tế xác nhận thêm 15 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 43 người, và số ca tử vong đã tăng lên 8 người.

Tại Italy, số ca nhiễm nCoV ở vùng Lombardy đã tăng lên 89 người, theo đó tổng số người nhiễm bệnh ở Italy tăng lên hơn 100 người. 

Tại Pháp, giới chức nước này cho biết hiện có 1 bệnh nhân nhiễm COVID-19, song cảnh báo nhiều khả năng các trường hợp nhiễm mới sẽ xuất hiện tại Pháp và cần đặc biệt thận trọng trước tình hình tại Italy.

Trong bối cảnh dịch bệnh không ngừng lây lan, các nước cùng các tổ chức trên thế giới tiếp tục tích cực triển khai những biện pháp phòng chống COVID-19.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã họp báo công bố tình hình khống chế COVID-19 cũng như công bố thành công bước đầu trong quá trình thử nghiệm vắcxin phòng bệnh này.

Các nhà khoa học nước này cho biết trong quá trình tiêm thử nghiệm kháng nguyên virus COVID-19, cơ thể chuột đã đáp ứng miễn dịch tốt, sinh ra kháng thể, hứa hẹn thành công bước đầu trong việc tạo vắcxin phòng dịch.  

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết một số thành viên của nhóm công tác hỗn hợp gồm các chuyên gia của Trung Quốc và WHO đã tới thành phố Vũ Hán tâm dịch để điều tra tình hình dịch bệnh tại đây.

Theo kế hoạch, họ sẽ có các cuộc thảo luận với giới chức y tế Vũ Hán, cũng như thăm các cơ quan phụ trách y tế và chăm sóc sức khỏe tại thành phố này.  

Nhằm góp phần ngăn chặn virus lây lan, hệ thống giám sát đa chức năng bằng máy bay không người lái và robot thông minh sử dụng công nghệ 5G đã được triển khai tại thành phố Phụ Tân của tỉnh Liêu Ninh và thành phố Tô Châu của tỉnh Giang Tô ở Trung Quốc. 

Về phần mình, giới chức Hàn Quốc thông báo nước này sẽ hoãn khai giảng năm học mới, dự kiến vào đầu tháng 3 tới, một phần trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, năm học mới tại tất cả các cấp học trên khắp Hàn Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 9/3 tới, muộn hơn 1 tuần so với kế hoạch ban đầu.

Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết có kế hoạch cung cấp các chương trình chăm sóc trẻ tại các trường mẫu giáo và tiểu học nếu phụ huynh không thể trông con, đồng thời khuyến khích các công ty cho nhân viên nghỉ làm để chăm con. 

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho nhóm đặc trách của chính phủ về COVID-19 nhanh chóng soạn thảo một chính sách cơ bản mới nhằm kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này. Chính sách mới sẽ bao gồm việc cung cấp thông tin cho công chúng và doanh nghiệp về tình hình dịch bệnh, các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus nCoV và cung cấp các dịch vụ y tế cho bệnh nhân.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã thông báo tạm thời đóng cửa biên giới với Iran trong bối cảnh số ca nhiễm virus COVID-19 tại quốc gia láng giềng Trung Đông này gia tăng.

Hội đồng Bộ trưởng Italy đã thông qua sắc lệnh "mạnh tay" nhằm ngăn chặn sự lây lan gia tăng của dịch bệnh. Sắc lệnh của chính phủ quy định cấm người dân ra vào các khu vực bùng phát dịch bệnh, hoạt động đặt dưới sự giám sát của cảnh sát.

Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng quân đội và sẽ áp dụng các biện pháp hình sự đối với trường hợp vi phạm; Ngừng các hoạt động giáo dục (di chuyển của học sinh) tại Italy và ra nước ngoài, và đình chỉ tất cả các hoạt động công cộng tại Lombardy và Veneto; Tiến hành cách ly bằng các biện pháp giám sát tích cực với tất cả những người đã tiếp xúc với các trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus. Sắc lệnh cũng nêu rõ đóng cửa các trường học, cửa hàng và bảo tàng, ngừng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước không ảnh hưởng đến các dịch vụ thiết yếu, tạm dừng các cuộc thi và hạn chế di chuyển.

Dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Pipat Ratchakitprakan cho rằng dịch COVID-19 khả năng sẽ lắng xuống trong trong nửa đầu năm nay hoặc sớm hơn.

Theo ông Pipat, mặc dù COVID-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch Thái Lan trong nửa đầu năm song tình hình sẽ trở lại bình thường trong nửa cuối năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết Songkran (Lễ hội té nước) vào tháng 4 tới, khi mà Trung Quốc có thể sản xuất được vắcxin.

Ông Pipat cho rằng virus gây bệnh COVID-19 sẽ không chịu được nóng và tình hình ở rất nhiều nước, kể cả Thái Lan, sẽ cải thiện khi mùa Hè tới.

Bộ trưởng Pipat cho biết thêm Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp tài chính để giúp những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, thương mại hoặc du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục