Mỹ sẽ phải đi con đường dài để tạo ra đối thủ 5G với Huawei

Ông Paul Scanlan, giám đốc công nghệ mảng kinh doanh mạng của Huawei nhận định Mỹ sẽ đi một con đường rất dài và có nhiều sự phức tạp nếu thực thi kế hoạch của mình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Kế hoạch của Mỹ nhằm tạo ra một đối thủ 5G với Huawei có thể là "một thách thức." Đây là nhận định của ông Paul Scanlan, giám đốc công nghệ mảng kinh doanh mạng của Huawei khi trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ CNBC, trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang tìm kiếm giải pháp thay thế hãng công nghệ Trung Quốc khi phát triển mạng di động thế hệ thứ 5.

Mạng 5G hứa hẹn mang đến tốc độ dữ liệu siêu nhanh và khả năng củng cố một số cơ sở hạ tầng quan trọng trong tương lai. Giới chức Mỹ đã luôn cáo buộc Huawei là một rủi ro an ninh quốc gia khi cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của hãng công nghệ viễn thông số 1 thế giới vào mục đích gián điệp. Huawei đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này.

[Mỹ hối thúc các nước EU dùng công nghệ 5G của Ericsson, Nokia, Samsung]

Ngoài việc chỉ dựa vào hai nhà cung cấp nước ngoài khác là Ericsson và Nokia, Mỹ còn tìm cách thay thế thiết bị mạng của Huawei.

Ông Paul Scanlan giải thích rằng các tiêu chuẩn kỹ thuật và triển khai thực tế của 5G mất khoảng 10 năm để tạo ra.

Vì vậy, theo ông Scanlan, Mỹ sẽ đi một con đường rất dài và có nhiều sự phức tạp nếu thực thi kế hoạch của mình.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể tạo ra một sự thay thế mới cho Huawei một cách nhanh chóng hay không, ông Scanlan nói: Đó sẽ là một thách thức.

Đầu năm nay, thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio và một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ đã đệ trình một dự luật, trong đó kêu gọi "cung cấp hơn 1 tỷ USD để đầu tư vào các lựa chọn thay thế các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc Huawei và ZTE."

Trong khi đó, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Phố Wall rằng ông có một ý tưởng về "bức tranh lớn" có tất cả các kiến trúc và cơ sở hạ tầng 5G của Mỹ được thực hiện chủ yếu bởi các công ty Mỹ. Ông Kudlow nói thêm rằng Ericsson và Nokia có thể là một phần trong đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục