Công bố “danh sách đen” doanh nghiệp khai thác đá làm ximăng

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa ban hành kết luận thanh tra liên quan đến hoạt động khai thác đá vôi, đá sét làm nguyên liệu ximăng của các doanh nghiệp vi phạm.
Công bố “danh sách đen” doanh nghiệp khai thác đá làm ximăng ảnh 1Một góc Nhà máy ximăng Sông Lam - Công ty cổ phần ximăng Sông Lam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ban hành một loạt kết luận thanh tra chuyên đề về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu ximăng của các doanh nghiệp trên cả nước, qua đó phát hiện nhiều vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp được cấp phép “sở hữu” nhiều mỏ đá vôi, nhưng hoạt động khai thác mỏ lại không đúng trình tự khai thác đã xác định trong thiết kế kỹ thuật thi công được phê duyệt, cũng như khai thác vượt công suất, “gian lận” sản lượng…

“Ngổn ngang” sai phạm

Một trong những doanh nghiệp được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam liệt vào “danh sách đen” kết luận thanh tra với hàng loạt vi phạm liên quan đến hoạt động khai khoáng vừa được công bố là Công ty cổ phần ximăng Sông Lam và Công ty Cổ phần Ximăng Sông Lam 2 (cùng thuộc Tập đoàn The Vissai).

Theo kết luận thanh tra, Công ty cổ phần ximăng Sông Lam do ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc có một loạt sai phạm. Cụ thể, trong lĩnh vực khoáng sản, công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại 3 xã Bài Sơn, Hồng Sơn, Văn Sơn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện một loạt vi phạm như: Chưa hoàn thành việc thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, công ty chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ; chưa hoàn thành việc xin giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm…

[Phú Thọ: Núi đồi ""tan hoang,"" Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý]

Đối với trường hợp Công ty Cổ phần Ximăng Sông Lam 2 (trụ sở tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), có 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp này chưa hoàn thành việc điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản.

Một số vị trí khai thác có chiều cao tầng khai thác, góc nghiêng sườn tầng khai thác đã vượt mức so với tính toán trong thiết kế mỏ đã được khai thác. Tại khai trường có một số vị trí đá treo sau nổ mìn, vị trí dễ trượt lở có nguy cơ mất an toàn.

Quá trình xác minh về sản lượng khoáng sản khai thác thực tế so với công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đối với khai thác đá vôi nguyên liệu trong các năm 2016, 2017, 2018, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 đều khai thác vượt công suất cho phép khai thác lần lượt là 528,4%; 467,89% và 477,80%...

Công bố “danh sách đen” doanh nghiệp khai thác đá làm ximăng ảnh 2Qua thanh tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã phát hiện nhiều vi phạm tại các mỏ đá vôi, đá sét. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, trong năm 2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã tổ chức thanh, kiểm tra một loạt các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng của các doanh nghiệp khác tại 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh như: Công ty ximăng Nghi Sơn khai thác đá vôi tại thị xã Hoàng Mai; Công ty cổ phần ximăng Vicem Hoàng Mai khai thác đá vôi tại huyện Quỳnh Lưu và huyện Tĩnh Gia; Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh khai thác đá vôi tại huyện Tân Châu.

Tại tỉnh Kiên Giang, có 7 doanh nghiệp khai thác đá vôi trên địa bàn huyện Kiên Lương cũng được kiểm tra như: Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên; Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1; Công ty cổ phần phân bón và hóa chất Cần Thơ; Công ty cổ phần ximăng Kiên Giang; Công ty trách nhiệm hữu hạn Siam City Cement, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Quân, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát...

Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra cũng đã phát hiện các hành vi vi phạm như: Hoạt động khai thác chưa đúng trình tự khai thác đã xác định trong thiết kế kỹ thuật thi công được phê duyệt; khai thác vượt quá công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép; thời gian khai thác chưa phù hợp với giấy phép khoáng sản được cấp; chưa thực hiện nghiêm túc biện pháp bảo vệ môi trường…

Khắc phục vi phạm trong 90 ngày

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp khai khoáng không tuân thủ quy định; đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan xem xét, xử phạt theo thẩm quyền; đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp khai thác đá vôi là đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra…

Riêng trường hợp Công ty Sông Lam 2, ngoài trách nhiệm hoàn thiện thủ tục, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp tổng hợp sổ sách, chứng từ liên quan tới hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…từ khi khai thác đến nay, nộp về Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đá vôi làm vật liệu xây dựng đã thu hồi.

Công bố “danh sách đen” doanh nghiệp khai thác đá làm ximăng ảnh 3Hoạt động khai thác đá gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tương tự, đối với Công ty cổ phần ximăng Sông Lam (doanh nghiệp từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đề nghị xử phạt do vi phạm quy định bảo vệ môi trường trong năm 2017 và 2019), đoàn thanh tra yêu cầu không tiến hành thu hồi đá vôi tại khu vực nằm ngoài diện tích của các dự án xây dựng công trình đã được phê duyệt; lập báo cáo tổng hợp về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm…

[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Đã xác định được hướng đi bảo vệ môi trường”]

Với những sai phạm của Công ty cổ phần Ximăng Vicem Hoàng Mai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với hành vi khai thác vượt dưới 15% so với công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép; thu hồi, sử dụng khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện trong quá trình khai thác nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Cùng với đó, Công ty cổ phần Ximăng Vicem Hoàng Mai khẩn trương hoàn thành việc xin cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, khai thác đúng công suất trong giấy phép và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép thu hồi, sử dụng loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện.

Đặc biệt, doanh nghiệp có trách nhiệm “tổng hợp sổ sách, chứng từ và các tài liệu có liên quan đến hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đi kèm (dolomit) từ khi khai thác đến nay, nộp về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,” kết luận thanh tra nêu rõ.

Đối với trường hợp Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1, doanh nghiệp đã khai thác vượt quá công suất được phép khai thác lên tới hàng triệu tấn và khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép, cơ quan thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt 240 triệu đồng. Trước đó, năm 2017 doanh nghiệp này cũng đã bị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xử phạt vi phạm 300 triệu đồng.

Ngoài ra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng lưu ý trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, các doanh nghiệp trên phải có trách nhiệm khắc phục các tồn tại, vi phạm, báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh kết quả thực hiện bằng văn bản về kết quả thực hiện.

Trường hợp công ty này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục