Ninh Thuận phát triển bền vững nghề chăn nuôi gia súc

Ninh Thuận phát triển bền vững nghề chăn nuôi gia súc
Mô hình nuôi cừu vỗ béo của người dân huyện Thuận Bắc (̉Ninh Thuận). Ảnh : Thành Công Thử - TTXVN
Mô hình nuôi cừu vỗ béo của người dân huyện Thuận Bắc (̉Ninh Thuận).
Ảnh : Thành Công Thử - TTXVN
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để nghề chăn nuôi gia súc phát triển, thực sự là thế mạnh, phù hợp với lợi thế của địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đến năm 2020; đồng thời đề ra nhiều giải pháp quan trọng, tạo cú hích cho nghề chăn nuôi gia súc phát triển một cách bền vững. Theo đó để đến năm 2020, toàn tỉnh có 45.000 con dê cái sinh sản trong tổng số 100.000 con tổng đàn; quy mô đàn cừu đến năm 2020 có 85.600 cừu cái sinh sản/190.000 con tổng đàn. Đồng thời, đến năm 2020 có 140.000 con dê thịt xuất chuồng, sản lượng thịt hơi đạt hơn 4.600 tấn và có 266.000 con cừu thịt xuất chuồng, sản lượng thịt hơi đạt hơn 9.000 tấn. Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận hiện có tổng đàn cừu đứng đầu cả nước với 160.928 con; đàn dê 137.967 con, đứng thứ 8 so với cả nước. Đây là đối tượng vật nuôi được tỉnh đặc quan tâm, tập trung tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, so với tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi vẫn chưa tương xứng do là tập quán sản xuất của người chăn nuôi hiện nay chủ yếu theo lối quảng canh, quy mô nhỏ lẻ, chỉ với 9 trang trại. Hơn nữa, diện tích vùng chăn thả dê, cừu trước đây ngày càng bị thu hẹp do nhường lại cho một số dự án đầu tư quan trọng để trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đã tác động, làm suy giảm chất lượng đồng cỏ tự nhiên và nước uống cho gia súc nên đã gây thiệt hại trực tiếp đến số lượng đàn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm thịt dê, cừu.  Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư giống đối với dê, cừu trong cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng chưa được đầu tư kịp thời cả về chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như đầu tư của người chăn nuôi trong việc nhân rộng kết quả ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Từ đó chất lượng đàn dê, cừu ngày càng biểu hiện giảm về năng suất sản xuất, khả năng chống chịu một số bệnh tật có biểu hiện giảm sút rõ rệt. Để khơi dậy phong trào chăn nuôi dê, cừu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, xây dựng đồng cỏ, nước sạch phục vụ chăn nuôi, quản lý dịch bệnh trong mọi điều kiện; khuyến khích đưa những tiến bộ khoa học mới vào chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm mang thương hiệu “dê, cừu Ninh Thuận”. Chính quyền các địa phương ở Ninh Thuận cũng đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng lúa sản xuất một vụ hiệu quả thấp tại các vùng sản xuất phụ thuộc vào những hồ chứa thường xuyên thiếu nước tưới sang trồng cỏ chăn nuôi, để nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.  Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm tạo động lực cho nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi, Ninh Thuận đang đẩy mạnh liên kết “bốn nhà” để tạo thành chuỗi giá trị chăn nuôi. Đồng thời, gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các hộ chăn nuôi thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp có tiềm năng theo phương châm “mua tận gốc, bán tận ngọn” do doanh nghiệp cung ứng đầu vào cũng như bao tiêu đầu ra, góp phần cắt giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường để duy trì ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dự án xây dựng mô hình cải tạo đàn dê, cừu bằng biện pháp luân chuyển đực giống chất lượng tốt và áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt năng suất, chất lượng cao phù hợp với biến đổi khí hậu đã và đang được Ninh Thuận triển khai từ đầu năm 2018 và kéo dài đến năm 2020. Ninh Thuận đã xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi dê tại xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, quy mô 44 con được 4 hộ dân tham gia nhận nuôi. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi cừu tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, quy mô 44 con với 4 hộ tham gia nuôi. Bước đầu triển khai dự án đã mang lại hiệu ứng tín tích cực, đặc biệt là đã làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi trong chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc. Qua đó, sẽ tiếp tục nhân rộng, góp phần cải tạo đàn, nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê, cừu của tỉnh hiện nay.
Công Thử

Có thể bạn quan tâm