Gặp gỡ những người phụ nữ tiền tuyến của nước Anh trong Thế chiến I

Ngày 28/3/1917, những cô gái trẻ chưa chồng tại nước Anh nộp đơn xin gia nhập Quân đoàn phụ nữ (WAAC). Chỉ 3 ngày sau đó, họ được điều động tới các mặt trận tiền tuyến ở Pháp và bắt đầu làm nhiệm vụ trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ I đầy khốc liệt.

Chú thích ảnh
Những nữ thành viên WAAC đảm nhiệm các công việc của nam giới như lái xe cứu thương trong lực lượng quân đội. Ảnh: AWMC

Tháng 8/1914, Chiến tranh Thế giới thứ I bùng nổ, phụ nữ xếp hàng dài tại các đơn vị tuyển lao động địa phương, tình nguyện đảm nhiệm bất kỳ công việc nào còn trống trong quân đội. Các tổ chức mới như Quân đoàn Khẩn cấp Phụ nữ rục rịch khởi động để phối hợp tìm kiếm người tình nguyện, trong khi đội ngũ Cơ quan hỗ trợ tình nguyện (VAD) tổ chức các khóa đào tạo cơ bản cho những lính mới tràn đầy hứng khởi. Vào thời điểm đó, trong quân đội nước Anh, y tá là vị trí quân sự duy nhất mà phụ nữ có thể ứng tuyển. 

Đến năm 1915, tổ chức VAD giới thiệu “những thành viên đa năng” có thể đảm nhiệm những công việc không liên quan đến y tế, bao gồm đầu bếp, dọn dẹp và quản lý. Bên cạnh các nhóm như Y tá Điều dưỡng Sơ cứu, những người phụ nữ gắn mác “đa năng” trên đã chứng minh rằng họ có thể hoạt động tốt trong vùng chiến sự, bất chấp sự phản đối lúc bấy giờ của Bộ Chiến tranh thuộc Chính phủ Anh (tương đương chức năng như Bộ Quốc phòng hiện giờ).

Bước ngoặt lớn

Năm 1916, nước Anh phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Trận Sommen - một trong những trận đánh lớn nhất Thế chiến I đã gây ra thương vong lớn và khiến quân lực Anh sụt giảm mạnh.

Theo một báo cáo do Hội đồng Quân đội công bố vào ngày 16/1/1917, Anh ủng hộ việc nữ giới phục vụ trong quân đội để nam giới phụ trách các công việc mặt trận tiền tuyến. Quân đoàn phụ nữ (WAAC) được chính thức thành lập vào ngày 7/7/1917.

Hai năm sau, bà Mona Chalmers Watson được bổ nhiệm là chỉ huy trưởng WAAC cùng với Helen Gwynne-Vaughan. Mùa hè cùng năm, 200 nữ quân nhân WAAC tới Pháp.

Thời điểm này, Bộ Chiến tranh vẫn tuyên bố những người phụ nữ này chỉ đảm nhiệm các công việc dân sự chứ không chính thức gia nhập quân đội. Đây chỉ là lực lượng tạm thời do tình thế cấp bách bắt buộc hình thành. Tuy nhiên, chỉ huy trưởng Gwynne-Vaughan khẳng định WAAC đã được coi là một tổ chức quân sự ngang tầm với đội quân nam giới, hai chỉ huy trưởng đều được cấp hàm Trung tá. 

Tính đến năm 1918, có tổng cộng gần 200.000 phụ nữ tham gia tích cực trong các lực lượng Anh. Cụ thể, hơn 57.000 nữ giới phục vụ trong Quân đoàn phụ trợ, 9.000 người trong Không quân Hoàng gia Nữ và 5.450 người trong Lực lượng Hải quân Hoàng gia Nữ. Khoảng 100.000 phụ nữ đảm nhiệm các nhiệm vụ trong quân đội với tư cách là thành viên của đội cứu trợ tự nguyện và hơn 19.000 phụ nữ làm y tá quân đội.

Đề cập đến những đóng góp của phụ nữ trong Chiến tranh thế giới I, trong cuốn sách “Female Tommies”, nhà sử học người Anh Elizabeth Shipton ca ngợi những “đóng góp của những người phụ nữ trong Thế chiến I là vượt qua ngoài sức tưởng tượng và nó đã giúp cuộc chiến kết thúc sớm hơn, cũng như hình thành một bước đệm để phụ nữ có thể gia nhập lực lượng vũ trang sau này tại Anh.

Chú thích ảnh
Trang phục của các nữ thành viên quân đoàn WAAC.

Khó khăn thầm kín

Việc đưa phụ nữ vào quân đội và đặc biệt đưa họ tới các căn cứ quân sự có thể khiến họ lâm vào tình thế nguy hiểm. Không giống các nữ y tá - đối tượng làm việc trong các bệnh viện có nhiệm vụ y tế rõ ràng, các thành viên WAAC mặc quân phục kaki và làm việc chung và có vai trò ngang hàng với nam giới. Một số thành viên WAAC hồi tưởng vào thời điểm đến Pháp, một số người dân địa phương coi họ là nhóm người được gửi đến để “mua vui” cho quân nhân nam.

Trong quá trình huấn luyện, những người lính nữ được các bác sĩ nữ truyền đạt kiến thức về vệ sinh cơ bản và bệnh hoa liễu. Họ được cảnh báo phải cảnh giác trước bất kỳ quân nhân nam nào có cử chỉ thô lỗ hoặc sỗ sàng.

Được điều động tới căn cứ quân sự đầu tiên tại thị trấn Abbeville (Pháp), các nữ quân nhân ban đầu được giao làm nhiệm vụ hậu cần như đầu bếp, phục vụ bàn. Sau đó một vài tuần, khi số lượng các nữ quân nhân được triển khai nhiều hơn, công việc họ phụ trách cũng đa dạng hơn, từ nhân viên văn thư, người lái xe, công nhân cơ khí, người trực điện thoại đến phóng viên ảnh, người đánh máy, người làm vườn…

Trong khi làm nhiệm vụ, các thành viên WAAC phải mặc đồng phục. Họ được cấp một chiếc áo choàng váy kaki, một chiếc mũ, hai đôi tất len và một đôi giày. Họ được cấp chỗ ở trong các lều thép Nissen tại doanh trại, với số lượng từ 8 đến 12 người/lều. Mỗi người sẽ được phát một chiếc nệm cứng nhồi bên trong bằng rơm. Lều Nissen được làm từ một nửa vỏ hình trụ bằng thép, mái lều được dựng bằng gỗ để cách nhiệt và trong lều có bếp gang dùng để sưởi ấm trong mùa đông. 

Khẩu phần ăn hàng tháng của những nữ thành viên WAAC phần lớn là thực phẩm đóng hộp. 8 nữ quân nhân trong một lều được cấp một ổ bánh mì "tiêu chuẩn" làm từ bột chất lượng thấp. Những người này cũng không có sữa tươi hoặc thịt tươi. Để tăng chất lượng bữa ăn, những nữ quân nhân phải mua hàng từ Hiệp hội Phụ nữ Thanh niên Phụ nữ (YWCA) và Đội quân Cứu thế.

Flora Sandes – nữ quân nhân người Anh duy nhất trong Thế chiến I

Thượng sĩ Flora Sandes sinh ra tại North Yorkshire vào năm 1876. Sau khi trưởng thành, bà chuyển tới London và trở thành người viết tốc ký. 

Khi chiến tranh nổ ra, bà Sandes, khi đó 38 tuổi đang làm y tá, đã đăng ký vào đơn vị cấp cứu Serbia hỗ trợ quân đội. Đầu tiên, bà làm việc cho hội Chữ Thập Đỏ song sau đó nhanh chóng nộp đơn gia nhập quân đội Serbia – một trong số ít lực lượng trên thế giới chấp nhận phụ nữ lúc bấy giờ.

Bà nhanh chóng được thăng hàm và được biết đến với tinh thần không ngại gian khó. Trong một trận chiến tay đôi, bà Flora bị trúng lựu đạn trong lúc bảo vệ vị trí. Được một người đồng đội cứu, sau khi hồi phục, bà tái gia nhập quân đội, tham gia mặt trận tiền tuyến chiến đấu cùng các quân nhân nam.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bà Flora vẫn phục vụ trong quân ngũ cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ. Bà mất tại bệnh viện East Suffolk (thị trấn Ipswich) vào 24/12/1956 vì căn bệnh vàng da, thọ 80 tuổi.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Bí ẩn điệp viên Pháp hai giới tính, đến khi chết mới rõ - Kỳ 1
Bí ẩn điệp viên Pháp hai giới tính, đến khi chết mới rõ - Kỳ 1

Khi Chevalier d’Éon rời nước Pháp năm 1762 với tư cách một nhà ngoại giao, một điệp viên làm việc cho Vua Pháp và một người đàn ông. Nhưng khi trở về vào tháng 7/1777, ở tuổi 49, ông là một người nổi tiếng, một nhà văn, một trí thức, và một phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN