Sức lan tỏa trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương nằm trong top dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, với 343 dự án đầu tư nước ngoài và tổng vốn đăng ký 27,3 tỷ USD.
Sức lan tỏa trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến (trái) và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình (phải) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Tập đoàn Hyosung-Hyosung Chemical Corporation. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương nằm trong top dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 343 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký tròn 27,3 tỷ USD.

Trong số đó, khu công nghiệp có 185 dự án với tổng vốn đăng ký 10,953 tỷ USD và ngoài khu công nghiệp có 158 dự án với tổng vốn đăng ký 16,347 tỷ USD.

Hiện đã có khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có các Tập đoàn xuyên quốc gia, có thương hiệu lớn như: ACDL, SMC, Nippon, Mitsubishi, Posco, Sumitomo, Itochu, Kyoei Lotte, Sojitz…đang đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh những năm qua.

Để tạo tính lan tỏa trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nhiều giải pháp chọn lọc dự án, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao.

Đầu tư nước ngoài hiện đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 69.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Tính đến giữa năm 2018, tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 13,8 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Số tiền này đổ vào tỉnh trong gần 30 năm qua đã thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng, động lực thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Đồng thời, đóng góp lớn vào tăng trưởng tổng sản phẩm cũng như nguồn thu ngân sách của tỉnh, giúp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những ddieeemr sáng trong thu hút FDI.

[30 năm thu hút FDI: Tín hiệu vui và những nỗi lo từ Quảng Ngãi]

Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa đạt được mục tiêu như mong đợi. Tính đến nay, tỉnh vẫn chưa có một dự án nào thực sự lớn, có sức lan tỏa, làm động lực hấp dẫn các doanh nghiệp khác tìm đến làm ăn. Trên thực tế, một số dự án lớn đầu tư vào tỉnh, nhưng vẫn đang dậm chân tại chỗ hoặc chưa phát huy hiệu quả.

Cụ thể như dự án Khu nghỉ mát giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis (Mỹ) rộng 300ha tại thành phố Vũng Tàu được cấp phép đầu tư từ 2006 với tổng vốn 4,3 tỷ USD không triển khai thực hiện và tỉnh đang tiến hành thu hồi giấy phép.

Dự án Khu công viên văn hóa Thế giới kỳ diệu (tại thành phố Vũng Tàu) của Công ty trách nhiệm hữu hạn Good Choice (Mỹ) với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2008, nhưng cũng trong tình trạng tương tự và tỉnh cũng đang tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư.

Hay như dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea (Mỹ) tại Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902 triệu USD được cấp phép từ năm 2010, song đến nay vẫn chưa triển khai…

Theo tìm hiểu, giá thuê đất tăng cao nhiều lần, chậm bàn giao mặt bằng là nguyên nhân chính làm nản lòng nhà đầu tư (theo quy định, giá thuê đất được tính vào thời điểm giao đất, nhưng thời gian bồi thường giải tỏa để có đất sạch giao cho nhà đầu tư sau khi dự án được cấp phép kéo dài và giá đất tăng dần qua các năm).

Địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, song kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn và tỉnh không thể thu xếp được (chưa kể vướng mắc khiếu nại) khiến dự án không có mặt bằng để triển khai.

Đối với các dự án đã đi vào hoạt động trên địa bàn (phần lớn trong các khu công nghiệp) thì chủ yếu tạo ra công ăn việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, rất ít có sự liên kết với doanh nghiệp địa phương và vùng lân cận.

Ông Võ Trịnh Triều, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đánh giá, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tại địa phương như nằm trên hai đường thẳng song song, hầu như không có sự giao thoa, kết nối vàg cùng tham gia sản xuất ra sản phẩm. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào tỉnh đã tính hết phương án sản xuất, kinh doanh.

Họ chỉ mượn lợi thế vị trí, sử dụng nhiên liệu của địa phương và thuê đất, lao động để sản xuất và hoạt động khép kín trong các khu công nghiệp.

Như vậy, mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài nhằm giúp doanh nghiệp địa phương phát triển và tiếp nhận khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý từ các nước tiên tiến một cách hiệu quả còn rất hạn chế. Các dự án sử dụng nhiều lao động chiếm số lượng lớn cho thấy đây không phải là những dự án tiên tiến.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn chiếm 3% số dự án ở tỉnh, nhưng số lao động chiếm tới 32% tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn và có tới 42% doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) sử dụng trên 500 lao động trở lên.

Trên thực tế, nhiều dự án tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công nghệ ỏ mức trung bình, thậm chí thấp, sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động, người dân trong khu vực và khiến địa phương phải tốn nhiều công sức, kinh phí để xử lý, khắc phục mà đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để.

Ngoài ra, còn có hiện tượng doanh nghiệp sử dụng chiêu “lấy mỡ nó rán nó” - dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp ngân hàng và đi ngược với những tiêu chí FDI đề ra.

Ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất, tỉnh cần ưu tiên thu hút đầu tư những dự án du lịch lớn vì các dự án này có tính liên kết cao với doanh nghiệp địa phương, thu hút nhiều lao động và tự thân họ phải quảng bá hình ảnh, trong đó là hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phân khúc, sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư và mạnh tay gạt bỏ những dự án không có lợi, không có sức lan tỏa và không phải lĩnh vực mũi nhọn.

Cũng theo ông Diệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phân tích điều kiện kinh tế, văn hóa, địa lý để phân vùng thu hút đầu tư FDI. Bên cạnh đó, chính sách về giá đất được công bố phải ổn định lâu dài.

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện thu hút đầu tư rất chọn lọc. Điển hình là UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sức canh tranh, lan tỏa và giá trị gia tăng cao.

Cùng đó, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Nghị quyết cũng đã quy định rõ về rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục, xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quy tắc đạo đức công vụ…nhằm tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tích cực. Đây là cơ sở để Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển bền vững, hài hòa và hiệu quả trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục