Vinalines tiếp tục chào bán đấu giá hơn 480 triệu cổ phần bị ‘ế’

Sau đợt rao bán đấu giá lần đầu ra công chúng bị ‘ế’ tới hơn 480 triệu cổ phần vào ngày 5/9 vừa qua, Vinalines vừa công bố thông tin chào bán thỏa thuận cổ phần Công ty mẹ-Tổng công ty đợt 2.
Vinalines tiếp tục chào bán đấu giá hơn 480 triệu cổ phần bị ‘ế’ ảnh 1(Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN)

Sau đợt rao bán đấu giá lần đầu ra công chúng bị ‘ế’ tới hơn 480 triệu cổ phần vào ngày 5/9 vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa công bố thông tin chào bán thỏa thuận cổ phần Công ty mẹ-Tổng công ty đợt 2 với thời hạn đăng ký mua cổ phần từ ngày 20/9 đến 16 giờ ngày 30/9 tới.

Cụ thể, số lượng cổ phần chào bán đợt này là toàn bộ số cổ phần chưa bán hết tại đợt bán đấu giá công khai (483.397.230 cổ phần) và số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn chưa bán hết.

[IPO Vinalines: Giá khởi điểm chào bán là 10.000 đồng/cổ phẩn]

“Đối tượng tham gia mua cổ phần trong đợt này là các nhà đầu tư đã trúng giá tại phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ-Tổng công ty diễn ra ngày 5/9 vừa qua,” ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban truyền thông Vinalines cho hay.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, theo quy định hiện hành, Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải đủ điều kiện tiến hành các thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần dự kiến vào cuối năm 2018 đầu năm 2019. Cổ phiếu của công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ được giao dịch trên sàn chứng khoán Upcom chậm nhất 90 ngày kể từ phiên đấu giá lần đầu.

Ông Tĩnh cũng cho rằng, thời gian qua, dù kết quả sản xuất kinh doanh của Vinalines đã có nhiều khởi sắc, số nợ đã giảm tới 78% so với năm 2014 nhưng nhìn chung ngành hàng hải vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Đây là lý do để phiên IPO Vinalines chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trong ngắn hạn.

“Hiện một hãng tàu lớn của Hàn Quốc đang gấp rút đánh giá cơ hội đầu tư vào Vinalines để kịp tham gia vào đợt chào bán cổ phần kế tiếp. Nếu thuận lợi, 5-6% cổ phần sẽ được mua bởi đơn vị này,” ông Tĩnh tiết lộ.

Trước đó, tại phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi đầu tháng 9/2018 của Vinalines đã thu hút 42 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng 5.439.800 cổ phần, chỉ nhỉnh hơn 1,1% trên tổng số gần 490 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Hay nói cách khác, Tập đoàn Hàng hải này bị "ế" đến gần 99% lượng cổ phần đem ra chào bán.

Giá đấu thành công bình quân đạt 10.200 đồng/cổ phần, chỉ cao hơn 200 đồng so với giá khởi điểm.

[IPO Vinalines: Chỉ bán được hơn 1% khối lượng cổ phần]

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, cách đây 4 năm, lỗ lũy kế của Vinalines lên tới 22.000 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ còn 5.000 tỷ trong khi vốn điều lệ Nhà nước giao là 10.000 tỷ. Tuy vậy, qua thời gian tái cơ cấu, hiện số nợ của Vinalines giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 tỷ, vốn điều lệ sau cổ phần hóa sẽ nâng lên hơn 14.000 tỷ đồng.

“Mảng kinh doanh cốt lõi của đơn vị sau cổ phần hóa vẫn là vận tải biển-khai thác cảng biển-dịch vụ hàng hải. Tuy nhiên, Vinalines sẽ tập trung đầu tư mạnh hơn về cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu và dịch vụ logistics để hình thành dịch vụ chuỗi, tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải cho khách hàng,” ông Sơn nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, với kết quả kinh doanh ở thời điểm hiện tại, Vinalines có quá tự tin khi đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 700 tỷ đồng vào năm 2019 và hơn 950 tỷ đồng vào năm 2020? vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines lý giải, sở dĩ kết quả lợi nhuận hiện chưa có đột phá do đơn vị đang tập trung tái cơ cấu đội tàu.

“Do một số tàu già hoạt động kém hiệu quả, Vinalines đã tiến hành thanh lý. Khi đội tàu đã cơ bản được tái cấu trúc, hoạt động năng suất hơn, Vinalines hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra,” ông Sơn khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục