Khi chương trình đột phá của Đảng đi vào cuộc sống

Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã trở thành tỉnh công nghiệp có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh.

Kết quả đó là minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế theo các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Chú thích ảnh
Một góc Thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Từ chương trình đột phá

Được tái lập từ ngày 1/1/1997, hơn 22 năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã thực hiện sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh đều đạt tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đề ra, tạo nền tảng cơ bản hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng cao hơn kế hoạch, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp phát triển khá và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X nhiệm kỳ (2015 – 2020) đã đưa ra mục tiêu phấn đấu như: GRDP tăng bình quân 8,3%/năm, cơ cấu kinh tế đến năm 2020 công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp-thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 63,2%-26%-3%-7,8%.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp-thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,8% - 22,4%-2,6%-8,2%.

Với kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn Đảng bộ; trong đó nổi bật là vai trò quyết đoán, năng động, sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế.

Để đạt được các kết quả trên, trước đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình 23-CTr/TU, ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Tính đến nay, các sở, ban, ngành của tỉnh đã hoàn thành 12/18 nhiệm vụ được giao, 6 nhiệm vụ còn lại đang tiếp tục thực hiện xuyên suốt đến hết nhiệm kỳ, đảm bảo yêu cầu kế hoạch đề ra.

Trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh Bình Dương đã huy động được tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 245.311 tỷ đồng, tăng bình quân 11,8%/năm, chiếm 32,8% GRDP của tỉnh, trong khi đó nghị quyết đề ra cả nhiệm kỳ là 35% GRDP.

Đến thu hút đầu tư

Trong thu hút đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đây là chủ trương xuyên suốt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các nhiệm kỳ, tạo điều kiện thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, (FDI) thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Theo đó, mỗi năm tỉnh thu hút trên 2 tỷ USD vốn FDI, đưa tổng nguồn vốn thu hút FDI hơn 8 tỷ USD, vượt 22% so với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016-2020.

Tính đến hết năm 2019, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2018, vượt 119,57% so với chỉ tiêu năm 2019.

Lũy kế tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút vốn FDI. Quy mô vốn trung bình đạt 9,1 triệu USD/dự án, xếp trên Thành phố Hồ Chí Minh (5,2 triệu USD) và Hà Nội (5,7 triệu USD).

Bình Dương hiện còn 3.755 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,23 tỷ USD; trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp là 2.368 dự án với số vốn 23 tỷ USD, chiếm 67% tổng số vốn FDI trên toàn tỉnh.

Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương; trong đó Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Samoa, Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) có vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.
 
Vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến tạo của các doanh nghiệp FDI lớn nhất, đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án sản xuất công nghiệp tập trung vào các nhà đầu tư lớn, sản phẩm là nguyên liệu cung cấp cho các ngành công nghiệp.

Điển hình là dự án sản xuất các loại sơi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Easter (Đài Loan, Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh là 760 triệu USD. Tiếp đến là dự án sản xuất sợi lốp ô tô, vốn đầu tư 220 triệu USD do Tập đoàn Kolon Industries Inc (Hàn Quốc) đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng hay dự án của Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore) vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP II-A.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng thu hút các dự án hạ tầng dịch vụ, đô thị, các dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Mỹ Phước 3 và Thới Hòa, thành phố Thủ Dầu Một...

Bứt phá mở ra cơ hội mới

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Bình Dương (vốn đầu tư của Thái Lan) chuyên sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại khu công nghiệp Mỹ Phước III . Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Bình Dương đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá nên đã tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này nhằm phục vụ đắc lực quá trình công nghiệp hóa. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp đạt 9.139,5 tỷ đồng, gồm 29 khu công nghiệp; trong đó 27 khu đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ cho thuê 80,8% và 12 cụm công nghiệp với 9 cụm đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ cho thuê 70,6%.

Nhận xét về thu hút đầu tư ở Bình Dương, ông Takashi Yasue, Giám Đốc Điều hành Khối Hành chính, Công ty TNHH Becamex Tokyu, thuộc Hiệp Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tỉnh Bình Dương cho rằng môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Dương nói riêng ngày càng được minh bạch và đơn giản hóa, giúp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể yên tâm đầu tư.

Hiện tại, Bình Dương là đô thị tiên phong tại Việt Nam khi phát triển thành phố theo hướng thành phố thông minh. Sự thành công của Bình Dương sẽ trở thành hình mẫu đô thị điển hình tại Việt Nam trong việc xây dựng phát triển đô thị bền vững như các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Còn ông Kelvin TEO, Giám đốc điều hành Sembcorp Development - Đồng Chủ tịch VSIP Group, cho biết Sembcorp đang hợp tác phát triển và vận hành các khu liên hợp công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Sự gia tăng dòng vốn FDI từ lĩnh vực sản xuất và chế biến tỷ lệ thuận với tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp VSIP. Sembcorp còn có thế mạnh trong ngành năng lượng, vì vậy còn có nhiều cơ hội để mở rộng mô hình kinh doanh tại Việt Nam và song hành cùng quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Hiện có 9 dự án VSIP trên khắp các vùng kinh tế miền Nam, miền Trung và miền Bắc Việt Nam; trong đó đang tiến hành mở rộng hai khu công nghiệp VSIP tại Bình Dương và Bắc Ninh.

VSIP đang nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp mới bền vững hơn, thông minh hơn với các giải pháp năng lượng tối ưu, góp phần hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động tại các khu công nghiệp VSIP nâng cao tính cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tại địa phương, Bình Dương luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về quy hoạch phát triển kinh tế cả nước và của vùng, khu vực, bảo đảm sự phát triển kinh tế tỉnh theo đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đã có bước phát triển tích cực, luôn là địa phương có năng lực cạnh tranh đứng đầu cả nước về cơ sở hạ tầng và được công nhận là một trong những thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu.

Đây là tiền đề quan trọng nhằm tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thúc đẩy hội nhập sâu rộng, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bước sang năm 2020 là năm cuối trong nhiệm kỳ 2015-2020 nên tỉnh tiếp tục huy động hơn nữa các nguồn lực để tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.

Vì vậy, Bình Dương cần tập trung thực hiện xây dựng giải pháp chỉ đạo, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các đơn vị chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, các chương trình trọng điểm và các dự án đền bù, giải tỏa mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, điều chỉnh danh mục các dự án trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới thu hút các nhà đầu tư mới vào những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, nhất là nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, dạy nghề đảm bảo phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong tỉnh, trở thành điểm đến lý tưởng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm (Kinh tế Thủ đô) Bắc Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN