Toan tính của các bên tham gia đàm phán RCEP

Trong bối cảnh Ấn Độ vừa rút khỏi RCEP, sự kết dính của 15 nước còn lại tuy không ảnh hưởng nhưng đã làm giảm đi sự kỳ vọng vào khu thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Toan tính của các bên tham gia đàm phán RCEP ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: FT)

Tiến sỹ Lâm Tuyền Trung, học giả về quan hệ quốc tế Đông Á thuộc trường Đại học Tokyo, đã có bài viết được đăng trên tờ “Minh báo” của Hong Kong ngày 5/1/2020, nhận định về chính sách “Ưu tiên nước Mỹ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục tiến vào “vùng ước sâu” với biểu hiện cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tiếp sau “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP), đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, cũng có được đột phá quan trọng.

Điều này đồng nghĩa với một khu vực thương mại tự do đa phương xuyên quốc gia sắp sửa ra đời. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đầu tháng 11/2019 vừa qua đã ra “Tuyên bố chung” nêu rõ các thành viên RCEP đã hoàn thành đàm phán và sẽ ký kết hiệp định vào năm 2020, dự kiến là tháng 2/2020, đồng thời cũng tuyên bố RCEP sẽ thúc đẩy viễn cảnh phát triển tốt đẹp trong tương lai của khu vực và có những đóng góp tích cực cho kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng, Ấn Độ với dân số 1,3 tỷ người đến giai đoạn đàm phán cuối cùng đã tuyên bố rút khỏi RCEP. Tham gia đàm phán RCEP vốn có 16 nước, với khoảng 3,6 tỷ dân và ước tính chiếm 30% tổng lượng kinh tế toàn cầu. Mặc dù việc Ấn Độ không tham gia RCEP không ảnh hưởng đến sự liên kết của 15 nước khác, nhưng hiển nhiên làm giảm đi sự kỳ vọng của mọi người vào khu vực thương mại tự do được mệnh danh là lớn nhất thế giới này. Rốt cuộc Ấn Độ đang toan tính những gì? Trong khi đó, liên kết mới mẻ của các nước khác là như thế nào? Sự ra đời của RCEP sẽ có những ảnh hưởng như thế nào đối với cục diện thế giới trong bối cảnh cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang ngày càng quyết liệt và có xu thế lan sang nhiều lĩnh vực.

 Ba nhân tố khiến Ấn Độ rút khỏi RCEP

Thông thường, bất kể là ký kết hiệp định tự do thương mại song phương hay đa phương, xem xét cơ bản của mỗi bên tham gia đều là liệu có lợi hay không đối với sự phát triển kinh tế trong nước, nhất là việc cân nhắc rằng sau khi mở cửa tự do thương mại sẽ đem lại hiệu quả tăng cường sức cạnh tranh tổng thể của các ngành nghề trong nước, hay ngược lại gây tổn hại cho các ngành nghề trong nước và mức tấn công sẽ như thế nào. Quan sát từ góc độ này có thể thấy, Ấn Độ rút khỏi RCEP chủ yếu xuất phát từ ba yếu tố.

Thứ nhất, kinh nghiệm mở cửa không như kỳ vọng. Phải thừa nhận rằng, Ấn Độ từ trước đến nay không phải là nước mặn mà với chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Trên thực tế, đến nay Ấn Độ đã ký kết hiệp định tự do thương mại song phương với nhiều thành viên của RCEP như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zaeland và là nước có tỷ lệ ký kết cao nhất trong số các nước tham gia đàm phán RCEP.

Tuy nhiên, thái độ mở cửa như vậy dường như không đem lại lợi ích nhiều hơn cho Ấn Độ. Thực tế cho thấy, hiệp định tự do thương mại giữa Ấn Độ với 10 nước ASEAN được ký kết năm 2009 và có hiệu lực năm 2010, thế nhưng ngành dịch vụ vốn là sở trường của Ấn Độ lại không nằm trong đó. Hai bên vì thế mất thêm 5 năm nữa để đạt được thỏa thuận về dịch vụ thương mại và đầu tư. Từ năm 2018-2019, Ấn Độ xuất hiện tình trạng thâm hụt thương mại với 11 nước thành viên RCEP, trong đó vấn đề thâm hụt thương mại với ASEAN không ngừng gia tăng. Do vậy, dư luận Ấn Độ cho rằng việc gia nhập RCEP sẽ khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ xấu hơn và không thể tránh khỏi việc gây tổn hại tới lợi ích của ngành nông nghiệp, thương mại, ngành chế tạo và thậm chí là người tiêu dùng Ấn Độ.

Thứ hai, cạnh tranh với Trung Quốc có thể gay gắt hơn. Mặc dù Ấn Độ cũng có ngành nghề có sức cạnh tranh trên thế giới, nhưng về thực lực tổng thể so với Trung Quốc, được mệnh danh là đầu tàu kinh tế thế giới, nước này còn thua kém nhiều. Trước tiên, Ấn Độ và Trung Quốc đang tồn tại con số thâm hụt thương mại không lồ lên đến 53 tỷ USD, lớn hơn bất kể nước nào. Tiếp đến, như đã đề cập, Ấn Độ đã ký kết hiệp định tự do thương mại song phương với 14 nước thành viên RCEP ngoại trừ Trung Quốc.

Nói cách khác, trong giai đoạn này tham gia RCEP giống như Ấn Độ gián tiếp ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Trọng điểm là một khi tham gia RCEP, hàng hóa Trung Quốc tiến vào thị trường Ấn Độ sẽ như dòng nước lũ, trong đó điện thoại di động, sắt thép, sản phẩm công nghiệp và sản phẩm dệt may khá rẻ của Trung Quốc sẽ tạo ra cuộc tấn công mang tính hủy diệt đối với ngành nghề tương quan của Ấn Độ, có thể đến mức Ấn Độ không đủ sức chịu đựng.

Thứ ba, vấn đề tụt hậu trong cải cách kết cấu kinh tế trong nước. Một trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế là sự lạc hậu nghiêm trọng của Ấn Độ về cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc, mạng lưới đường sắt và cảng khẩu, không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển và hiệu suất của vận tải hàng hóa. Ngoài ra, kết cấu kinh tế của Ấn Độ trong suốt thời gian dài tồn tại hiện tượng không hợp lý, trong đó ngành chế tạo chỉ chiếm 14% trong 3 ngành nghề lớn của Ấn Độ và chỉ chiếm 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ.

['Việt Nam cần tập trung ưu tiên RCEP trong năm Chủ tịch ASEAN']

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các ngành công nghiệp Ấn Độ tụt hậu là do cơ sở hạ tầng tồi tàn tạo ra. Như vậy, khi kinh tế phát triển không cân bằng tạo ra vòng tuần hoàn "ác tính" đã thành căn bệnh cố hữu, làm thế nào để nhanh chóng cải thiện tình trạng này. Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đây mới là việc cấp bách hiện nay.

Trên thực tế, Thủ tướng Narendra Modi với đầu óc tỉnh táo đã mạnh dạn đưa ra viễn cảnh phát triển như “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), đưa mô hình phát triển bang Gujarat do mình lãnh đạo năm xưa vận dụng vào phương hướng phát triển của cả đất nước Ấn Độ, cũng vì thế mà tạo ra kỳ tích xây dựng đường cao tốc với tốc độ trung bình mỗi ngày đạt 27 km của Ấn Độ. Hiển nhiên, đối với ông Narendra Modi, một nhà lãnh đạo hiểu rất rõ làm thế nào để dẫn dắt phương hướng phát triển kinh tế của Ấn Độ, hoàn toàn không tồn tại tính cấp bách trong việc gia nhập RCEP.

Toan tính của các bên Trung-Nhật-ASEAN

Có thể nói, Trung Quốc có sự trái ngược rõ ràng với Ấn Độ về thái độ gia nhập RCEP. Đàm phán về RCEP bắt đầu từ năm 2012, trước đây thái độ của Trung Quốc không tích cực như hiện nay, rõ ràng là sau khi chịu sự tấn công của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, buộc Trung Quốc trong vòng hơn một năm qua trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán RCEP. Thêm vào đó là hiện nay sức cạnh tranh tổng thể của hàng hóa Trung Quốc trên thế giới đã được nâng lên giai đoạn tương đối cao, vành đai kinh tế RCEP hình thành đã mở ra không gian mới cho thương mại đối ngoại của Trung Quốc phát triển hơn nữa.

Mặc dù hiện nay Ấn Độ đã rút khỏi RCEP, kỳ vọng vốn có của Trung Quốc đối với RCEP chắc chắn có sự giảm sút đáng kể, thế nhưng đúng như tại Hội nghị Trung Quốc-Lào hồi tháng 4/2019 đã trực tiếp đề cập đến, RCEP không cần thiết có Ấn Độ. Một RCEP không có Ấn Độ có thể sẽ khiến Trung Quốc càng dễ phát huy năng lực chủ đạo hơn.

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ đạo, Nhập Bản tiếp quản, đồng thời thúc đẩy thành công việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nước, nhưng như vậy không đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thái độ tiêu cực với RCEP.

Thậm chí, tình hình hoàn toàn ngược lại. Đồng thời với việc thúc đẩy thành công CPTPP, Nhật Bản đã tích cực tham dự đàm phán RCEP, với mục đích chính là làm mới cảm giác tồn tại của mình và không thể ngồi yên nhìn sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á được mở rộng, dẫn đến sự mất cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Trong khi đó, thị trường chủ yếu của RCEP là ASEAN. Được thành lập vào năm 1967, ASEAN từ một liên minh mang đậm màu sắc chính trị diễn biến và đi theo phương hướng phát triển hợp tác kinh tế khu vực, đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Phương hướng nỗ lực của châu Âu từ nhất thể hóa kinh tế đến nhất thể hóa chính trị đã cung cấp cho một ASEAN, khu vực tương đối lạc hậu, tìm kiếm mục tiêu phấn đấu hợp nhất hơn nữa về kinh tế.

Hiện nay, một RCEP với ASEAN là chủ thể sắp ra đời, đối với ASEAN là bước nhảy vọt lớn. Thế nhưng, sức mạnh kinh tế thương mại của Trung Quốc, ASEAN, cùng với mơ ước đưa RCEP thành hiện thực, cũng lo ngại kinh tế khu vực Đông Nam Á có thể không thể tránh khỏi xu thế nghiêng về Trung Quốc. Như vậy, cũng sẽ có thể thúc đẩy Trung Quốc dựa vào đó để mở rộng và tăng cường sức ảnh hưởng chính trị tại khu vực, tạo ra thế mất cân bằng về sức mạnh Mỹ-Trung ở khu vực.

Ngoài ra, không gia nhập RCEP còn có vùng lãnh thổ Đài Loan. Đài Loan (Trung Quốc) có lẽ sẽ ngả về các nước như Nhật Bản hơn nữa để tranh thủ tìm kiếm khả năng gia nhập TPCPP.

Trong quá trình xem xét liệu có tích cực tham gia RCEP hay không, các nước đều có những ý đồ và toan tính riêng của mình. Ấn Độ xuất phát từ những xem xét mất cân bằng thương mại và sự tấn công đối với các ngành nghề trong nước là nguyên nhân có thể hiểu được để không tham gia RCEP.

Thế nhưng, sự ra đời của RCEP dẫu thế nào cũng tượng trưng cho Đông Bắc Á và Đông Nam Á bước lên bậc thềm mới của nhất thể hóa kinh tế. Theo đó, trao đổi về con người, vận tải hàng hóa và tài chính trong khu vực sẽ sôi động hơn. Ngoài ra, RCEP ra đời và đi vào vận hành cũng phần nào chứng tỏ lập trường theo đuổi viễn cảnh hòa bình khu vực là phương hướng đang được khẳng định và cổ vũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục