Sử dụng tiền lẻ-tiền mới dịp Tết: Thói quen không dễ bỏ!

Lãnh đạo một ngân hàng cho hay vòng quay của tiền mệnh giá nhỏ trong xã hội chỉ khoảng 1-2 lần và chủ yếu phục vụ yếu tố tâm linh nên hiệu quả của đồng tiền trong lưu thông rất thấp.
Sử dụng tiền lẻ-tiền mới dịp Tết: Thói quen không dễ bỏ! ảnh 1Nhiều người vẫn thích đổi tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ chùa. (Ảnh; T.H/Vietnam+)

Những năm trước đây, việc đổi tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ chùa vào mỗi dịp Tết Nguyên đán đã trở thành thói quen khó bỏ. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm bớt và áp lực đổi tiền mỗi dịp này đối với nhân viên ngân hàng cũng đã nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen này là một công việc bền bỉ, lâu dài. Chỉ khi nào người dân hiểu được rằng tiền lẻ cũng là một giá trị, cách sử dụng nó cần có văn hóa đồng thời đến với thần thánh cần tấm lòng thành kính, thì khi đó những ứng xử phi văn hóa mới giảm bớt.

Quay cuồng “tiền nhỏ”

Việc đặt tiền hay công đức khi đi lễ hội là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Mặc dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng hiện tượng rải tiền mệnh giá nhỏ vương vãi khắp các ban, thậm trí rơi đầy dưới nên nhà vẫn còn xảy ra tại một số đình, chùa, đặc biệt là những ngày đầu năm mới. Nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn thấy những đồng tiền vương vãi tạo ra hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội.

Thế nhưng cũng cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa từ một số nơi đặt quá nhiều các hòm công đức và mâm đựng tiền trong khuôn viên một ngôi đình hoặc chùa. Vì sự xuất hiện của nhiều hòm công đức mà nảy sinh tâm lý cần phải đặt tiền lễ ở nhiều nơi trong một lần đi lễ hội của người dân. Chính vì vậy mà người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ, để có điều kiện đặt nhiều lễ.

Nguyễn Thu Hằng, nhân viên một ngân hàng trên phố Thái Hà, Hà Nội cho hay năm nào chị cũng “chóng hết cả mặt” vì người thân, người quen nhờ đổi tiền. Chị Hằng chia sẻ: “Nhiều người nhờ đổi tiền nhưng lại không đưa tiền mà chỉ nói miệng, lương của mình cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống không có dư mà bảo mọi người đưa tiền trước thì họ cũng kêu chưa có. Thật sự, có những năm không biết phải làm thế nào.”

Chị Hằng nói thêm: Thực sự từ ngày làm ngân hàng đến giờ không năm nào là tôi không bị "tra tấn" bởi những cuộc điện thoại đổi tiền. Song mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa nhiều tiền mới mệnh giá nhỏ về các ngân hàng nên tình trạng khan hiếm ngày càng nhiều. Tôi cũng tư vấn với người nhà mình không nên đổi tiền nhỏ nữa mà chỉ cần đổi tiền 50.000 đồng, tờ này vừa đỏ lại mệnh giá phù hợp để đặt giọt dầu. Tôi nghĩ, mọi người cũng sẽ quen dần thôi.

Chị Trần Thị Hạnh làm việc tại một ngân hàng trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội cũng cho hay năm nay tình trạng hỏi đổi tiền đã đỡ hơn rất nhiều. Đa số những người hỏi đổi tiền chủ yếu đổi mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng tiền mới để mừng tuổi, tiền mệnh giá nhỏ cũng có người hỏi nhưng không nhiều.

“Tôi nghĩ mọi người cũng đã dần quen với việc không có tiền mệnh giá nhỏ để đổi nên năm nay ít người đề cập. Tôi đi lễ giờ cũng đặt ở một chỗ thôi,” chị Hạnh nói.

Một thành viên ban quản lý đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cho biết mặc dù một số người dân vẫn còn thói quen đặt tiền lẻ ở khắp các ban khi khấn vái trong khi nên đóng góp vào hòm hoặc ghi nhận phiếu công đức mà vẫn đảm bảo ý nghĩa tâm linh.

Tuy nhiên, so với trước tiền lẻ đặt tại đền giảm hơn nhiều, nhà đền cũng đã sắp xếp vị trí hòm giọt dầu để khách về lễ đền được thuận lợi hơn. 

 “Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền với khách về lễ đền. Việc tâm linh, thờ cúng của các cá nhân để các đồng tiền ở nơi hợp lý và mang đầy đủ ý nghĩa tâm linh chứ không nhất thiết phải nhiều tiền lẻ,” đại diện Ban quản lý di tích chia sẻ.

Là một trong những ngân hàng đầu mối thu gom tiền mặt của một số nhà chùa lớn trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo Agribank cho biết vào ngày mùng 1, ngày rằm sau Tết Nguyên đán những năm trước lượng tiền lẻ, tiền mặt rất nhiều, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau những ngày lễ trên, ngân hàng thường phải bố trí nhân lực tại nhiều đền, chùa để thu gom tiền lẻ, mệnh giá nhỏ của khách đi lễ cung tiến. Ngoài ra, việc kiểm đếm số tiền này rất tốn kém về chi phí nhân công.

Giảm tải áp lực

Được biết từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương không đưa ra lưu thông tiền mệnh giá nhỏ nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Sử dụng tiền lẻ-tiền mới dịp Tết: Thói quen không dễ bỏ! ảnh 2Để thay đổi thói quen đổi tiền là một công việc bền bỉ, lâu dài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng, từ năm 2016 đến nay là không in và chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống.

Từ đó đến nay mỗi năm đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng và đến thời điểm này đã lên đến vài nghìn tỷ đồng.

"Chúng tôi làm việc này nhằm tránh tình trạng nhu cầu tăng cục bộ dịp trước Tết Nguyên đán của người dân cho việc đi rải khắp các chùa chiền, gây phản cảm cũng như rối loạn lưu thông tiền tệ," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trả lời về câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước thông tin không in tiền mệnh giá nhỏ nhưng ngoài thị trường vẫn có nhiều cọc tiền mới nguyên seri, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh số tiền đó là do tồn lại của nhiều năm trước nên mỗi năm Ngân hàng Nhà nước vẫn cân đối để đưa ra ngoài thị trường đủ các mệnh giá, tuy nhiên số lượng có hạn.

[Ngân hàng chủ động giảm tải cho hệ thống ATM dịp Tết Nguyên đán]

Giải thích thêm về điều này, lãnh đạo một ngân hàng cho hay vòng quay của tiền mệnh giá nhỏ trong xã hội chỉ khoảng 1-2 lần và chủ yếu phục vụ yếu tố tâm linh nên hiệu quả của đồng tiền trong lưu thông rất thấp.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cán bộ ngân hàng đã đỡ vất vả hơn rất nhiều vì lượng tiền mệnh giá nhỏ đã ít đi, thay vào đó chủ yếu vẫn là những tờ tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên. Số tiền lẻ từ các đền, chùa về ngân hàng cũng đã giảm vì nhiều người dân đã ý thức hơn trong việc đặt lễ tại các đền, chùa.

Do đó, việc hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho xã hội.

Mặc dù vậy, điều này cũng chưa được như kỳ vọng nên vẫn rất cần các cơ quan ban ngành tuyên truyền nhiều hơn nữa để làm sao số tiền đưa ra đều được lưu thông, không quay trở lại ngân hàng nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục