Đánh giá tác động môi trường đập Pak Lay sao chép từ đập Pak Beng

Liên minh Cứu sông Mekong vừa kêu gọi tiến hành đánh giá lại tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới và tác động tích lũy của dự án đập Pak Lay do chất lượng đánh giá hiện tại không đảm bảo.
Đánh giá tác động môi trường đập Pak Lay sao chép từ đập Pak Beng ảnh 1Khu vực dự kiến xây dựng đập Pak Beng trên sông Mekong tại tỉnh Oudomxay, Lào. (Ảnh chụp vào tháng 3/2017. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Sáng 20/9, Liên minh Cứu sông Mekong (Save the Mekong) đã đưa ra lời kêu gọi tiến hành đánh giá lại tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới và tác động tích lũy của dự án đập Pak Lay (Lào) do chất lượng đánh giá hiện tại bị cho là kém chất lượng.

Theo Liên minh Cứu sông Mekong, đánh giá tác động môi trường và tác động tích lũy của đập Pak Lay còn nhiều sai sót nghiêm trọng nên bản đánh giá này không cung cấp được cơ sở đáng tin cậy cho việc lập kế hoạch và ra quyết định về tác động xuyên biên giới.

Hơn nữa, bản đánh giá cũng không tạo điều kiện cho sự tham gia đúng nghĩa vào quá trình ra quyết định trên cơ sở cung cấp đầy đủ thông tin.

Đáng chú ý là, “phần lớn báo cáo đánh giá tác động môi trường xã hội xuyên biên giới và tác động tích lũy của Pak Lay được cắt dán từ báo cáo của đập Pak Beng công bố năm 2015 nên sai sót và lỗi thời với hầu hết dữ liệu và tài liệu tham khảo từ năm 2011,” thông báo của Liên minh Cứu sông Mekong nhấn mạnh.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá về đập Pak Lay cũng bỏ qua các kết quả từ Nghiên cứu Hội đồng do Ủy hội sông Mekong (MRC) thực hiện với tổng kinh phí 4,7 triệu USD nhằm thiết lập một bằng chứng khoa học đáng tin cậy về tác động môi trường, xã hội và kinh tế từ các dự án phát triển tại khu vực Mekong.

[Việt Nam tham vấn quốc gia dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào]

Liên minh Cứu sông Mekong khẳng định ít nhất 90% phần điều kiện xã hội cơ bản trong đánh giá tác động môi trường và tác động tích lũy của đập Pak Lay được cắt dán từ Báo cáo đánh giá về đập Pak Beng, bao gồm cả ảnh, bảng biểu và văn bản.

Phần giảm thiểu tác động và môi trường của báo cáo này cũng cho rằng tác động từ đập Pak Lay sẽ không đáng kể hoặc nếu có cũng thiên hướng tích cực, tuy nhiên báo cáo không đưa ra được bằng chứng chứng minh cho nhận định này, thay vào đó, nó được cắt dán từ đánh giá về đập Pak Beng.

“Đơn cử, phần Tham vấn công khai trong báo cáo cũng là một bản sao gần như chính xác từ báo cáo đập Pak Beng, thay đổi lớn nhất chỉ là tên đập. Tuy nhiên những người viết báo cáo thậm chí quên đổi tên công ty đầu tư vì thế báo cáo về đập Pak Lay vẫn đề cập đến Datang-đơn vị phát triển đập Pak Beng,” thông báo của Liên minh Cứu sông Mekong nhấn mạnh.

Từ những sai sót nêu trên, Liên minh Cứu sông Mekong yêu cầu các nhà phát triển cung cấp bằng chứng mạnh mẽ hơn về hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu đề xuất hoặc thừa nhận sự không chắc chắn và điều chỉnh kết quả đánh giá.

[Thủy điện trên dòng chính Mekong ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu?]

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vừa diễn ra tại Việt Nam, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định “từ nay, việc xây dựng các đập thủy điện ở Lào phải trải qua các nghiên cứu cẩn trọng” và “trên cơ sở các nghiên cứu chất lượng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và khoa học.”

Tuy nhiên, đánh giá tác động môi trường xã hội xuyên biên giới và tác động tích lũy của đập Pak Lay lại không được coi là “chất lượng, mang tính khoa học hay đạt tiêu chuẩn quốc tế.”

Vì vậy, Liên minh Cứu sông Mekong kêu gọi thực hiện một báo cáo mới cho đập Pak Lay dựa trên các nghiên cứu cập nhật. Đồng thời cần tiến hành tham vấn đúng nghĩa với các cộng đồng có khả năng bị ảnh hưởng, bao gồm cả những cộng đồng ở các nước láng giềng và phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Liên minh Cứu sông Mekong cũng nhấn mạnh rằng cho đến khi báo cáo mới được hoàn thành thì chính phủ Lào nên đình chỉ đập Pak Lay. Đồng thời, MRC phải dừng thủ tục tham vấn trước với dự án này và yêu cầu các đánh giá chất lượng nhằm phục vụ cho quá trình tham vấn thực chất trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục