Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Kỳ SEA Games lịch sử trên đất Philippines


(21/01/2020 14:47:21)

SEA Games 30 năm 2019 là một trong những kỳ Đại hội thể thao vất vả nhất khi chúng tôi tác nghiệp trên đất Philippines. Nhưng đổi lại, nhóm phóng viên báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) gồm tôi, Hoàng Linh và Vũ Tú được trực tiếp sống trong một kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Phóng viên Trần Giáp chụp ảnh cùng VĐV Phạm Thị Hồng Thanh vừa nhận Huy chương Vàng môn cử tạ nữ tại SEA Games 30

Chưa đi đã biết... tắc đường
Dù đã nghe cảnh báo từ trước nhưng khi được trải nghiệm, chúng tôi mới thấy tắc đường ở Hà Nội vẫn chưa là gì so với Manila của Philippines.

Binan cách Manila gần 50km. Tra trên “Google map” chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ đi bằng ô tô, nhưng chúng tôi phải “đánh vật” hơn 4 tiếng đồng hồ. 19 giờ lên xe rời Binan, hơn 23 giờ chúng tôi mới về đến trung tâm Manila, lại còn mất thêm 20 phút nữa để đi taxi về khách sạn.

Một lần khác, chúng tôi ra ga MRT (ga xe lửa) để làm phóng sự về các phương tiện công cộng của Manila. Đoạn đường chỉ khoảng 3km, nhưng nếu đi Grab sẽ mất tối thiểu 35 phút, trong khi đi bộ, thời gian chỉ có 20 phút. Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn phương án đi bộ dọc theo vỉa hè các tuyến phố và thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Đó là hai trong số rất nhiều lần chúng tôi được trải nghiệm tắc đường ở Manila. Xe tải, xe con, xe jeepnee, tricyle (loại phương tiện phổ biến ở Manila) và xe máy chen nhau trên các tuyến đường. Đủ thứ âm thanh, khói bụi phát ra từ những phương tiện hỗn tạp này.

Phòng khách sạn ba không
Do tác nghiệp muộn nên chúng tôi lỡ chuyến xe cuối cùng từ Binan về lại Manila và buộc phải ngủ lại để tiện cho ngày làm việc hôm sau. Tìm trên mạng, chúng tôi đặt được một căn phòng khá ưng ý với giá tiền hợp lý ở một khách sạn không quá xa sân Binan.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận phòng từ lễ tân, chúng tôi thấy “vỡ mộng” thực sự. Một căn phòng khoảng chừng 10m2, chỉ đủ kê một chiếc giường và một góc nhỏ là nhà vệ sinh. Không cửa sổ, không ô thoáng. Nhưng tệ hơn cả là không có sóng điện thoại và Internet.

“Đây là những phòng tốt nhất chúng tôi có”, lễ tân khách sạn vừa nói vừa nhoẻn miệng cười. Chúng tôi đành phải tặc lưỡi nhận phòng vì không còn nhiều lựa chọn bởi đã gần 1 giờ sáng.

Mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nhưng đêm hôm đó thực sự khủng khiếp đối với chúng tôi. Bật điều hòa thì lạnh, dù đã để nhiệt độ ở mức cao nhất có thể nhưng nếu tắt điều hòa thì quá ngột ngạt, không thể ngủ nổi. Cả đội trằn trọc chỉ mong trời nhanh sáng.
 
Phóng viên Trần Giáp và Hoàng Linh trên một chiếc tricyle - phương tiện giao thông phổ biến ở Philippines

Săn “vàng” trong bão
Cơn bão Kammuri đổ bộ vào Manila đúng ngày khu liên hợp thể thao Rizal Memorial diễn ra nhiều môn thi đấu nhất. Đây là nơi hội tụ rất nhiều nhà thi đấu khác nhau. Ngoài sân bóng đá còn có sân tennis, nhà thi đấu cử tạ, bóng chuyền, bóng rổ và thể dục dụng cụ (TDDC). Khoảng cách giữa các nhà thi đấu chỉ cách nhau chưa đến một 1km. Nếu thời tiết khô ráo, việc di chuyển trong khu vực này tương đối dễ dàng, nhưng dưới trời mưa, đó thực sự là một cực hình.

Môn cử tạ thi đấu đầu tiên trong ngày và sớm giành được Huy chương Vàng với chiến thắng của nữ vận động viên Hoàng Thị Duyên ở hạng 59kg dành cho nữ. Tác nghiệp xong ở đó, tôi di chuyển nhanh sang sân tennis và sau đó, có mặt ở nhà thi đấu Coliseum để đưa tin môn TDDC. Trong quãng thời gian này, thỉnh thoảng tôi vẫn phải có mặt tại sân bóng Rizal Memorial để cập nhật tình hình thời tiết, xem liệu trận đấu giữa đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam và U22 Singapore có bị hoãn do trời mưa không.

Cuối chiều, giữa lúc TDDC đang diễn ra màn thi cuối, một đồng nghiệp nhắn tin: “Anh về ngay đi, cử tạ vừa có Huy chương Vàng ngoạn mục lắm”. Lúc ấy, trời mưa rất to nhưng tôi bất chấp, đội mưa và chạy thật nhanh trên quãng đường hơn 600m. Đến nhà thi đấu Ninoy Aquino trong tình trạng đầu tóc, quần áo ướt sũng cũng là thời khắc chuẩn bị trao Huy chương Vàng cho vận động viên Phạm Thị Hồng Thanh ở nội dung cử tạ 64kg. Lau vội nước mưa trên máy ảnh, tôi kịp ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cú “bẻ kèo” ngoạn mục nhất trong ngày.

Khi môn cử tạ kết thúc, cũng là lúc trận đấu bóng đá giữa U22 Việt Nam và U22 Singapore chuẩn bị bắt đầu. Chúng tôi lại vội vã về sân bóng. May thay, trời tạnh mưa và chúng tôi được tận hưởng niềm vui bằng chiến thắng 1 - 0 của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo.

Kỳ SEA Games lịch sử
Với nhóm phóng viên chúng tôi, SEA Games 2019 là một kỳ SEA Games lịch sử. Chúng tôi vỡ òa khi tuyển bóng đá nữ Việt Nam chiến thắng sau 120 phút thi đấu kịch tính ở trận chung kết. Chúng tôi đã nín thở, căng thẳng khi Phạm Thị Hồng Thanh giành Huy chương Vàng sau cú lật kèo lịch sử ở nội dung cử tạ hạng 64kg dành cho nữ. Chúng tôi rưng rưng xúc động mỗi khi Quốc ca Việt Nam vang lên ở các nhà thi đấu.

Hôm đội tuyển U22 Việt Nam giành chiến thắng 3 - 0 trước U22 Indonesia trong trận chung kết để giành tấm Huy chương Vàng bóng đá nam sau 60 năm chờ đợi, chúng tôi được sống trong thời khắc lịch sử của thể thao Việt Nam. Bốn khán đàn sân Rizal Memorial vang lên hai tiếng “Việt Nam” thân thương. Huấn luyện viên Park Hang Seo, các cầu thủ và hàng ngàn cổ động viên cùng vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Chưa bao giờ chúng ta vui đến thế ở một kỳ SEA Games trên đất bạn.
 
Phóng viên Trần Giáp và Vũ Tú ghi hình một trận bóng đá tại SEA Games 2019

Sau 12 ngày thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam đoạt 98 Huy chương Vàng, đứng thứ hai sau chủ nhà Philippines, vượt đoàn Thái Lan tới 6 Huy chương Vàng. Đó là một chiến tích vang dội. Điều đáng nói hơn, những tấm huy chương mà các vận động viên Việt Nam giành được đều là thành quả của sự nỗ lực bền bỉ tập luyện, của tinh thần và khát khao chiến thắng, của niềm vui bất tận hòa quyện trong tình yêu, niềm tự hào dân tộc.

“Mệt nhưng mà sướng, mà đã”, câu nói của Hoàng Linh cũng là tâm trạng của chúng tôi. Và chúng tôi cũng nói với nhau, cuộc đời của một phóng viên chẳng có gì vui sướng hơn là được tác nghiệp trong một kỳ SEA Games lịch sử như thế.

Trần Giáp
Số Xuân 2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn: Lặng thầm 2019 (21/01/2020 14:46:18)

Văn phòng TTXVN: Chi tiết tới từng đầu việc (21/01/2020 14:45:57)

Công ty TNHH MTV ITAXA: Đổi mới để phát triển (21/01/2020 14:45:11)

Ban Tổ chức - Cán bộ: Góp sức vào thành tích chung của ngành (21/01/2020 14:33:39)

Báo ảnh Việt Nam: Sáng tạo và khác biệt (21/01/2020 14:33:01)

Báo Tin tức: Vì thương hiệu Tin tức (21/01/2020 14:31:54)

Báo Việt Nam News: Nỗ lực làm mới không ngừng (21/01/2020 12:32:06)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: “Cánh tay nối dài” của Tổng xã (21/01/2020 10:24:47)

Báo Thể thao và Văn hóa: Một năm bơi dòng nước ngược (21/01/2020 10:23:46)

Cơ quan khu vực phía Nam: Hướng tới những dấu mốc mới (21/01/2020 10:21:41)