Trung Quốc tìm cách phá vỡ vòng vây công nghệ cao của Mỹ

Trivium, một trang nghiên cứu chính sách, chuyên theo sát tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc, cho rằng khoa học và công nghệ sẽ là “đấu trường quan trọng” trong cuộc “cạnh tranh siêu cường.”
Trung Quốc tìm cách phá vỡ vòng vây công nghệ cao của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: pymnts.com)

Theo asiatimes.com, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch hành động 5 năm tới.

Các “ông lớn công nghiệp” dự kiến sẽ được bộ này tham vấn trong quá trình soạn thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, giai đoạn 2012-2025, bao gồm Alibaba, Tencent và Baidu, Tập đoàn BAT, cùng Huawei và ZTS, cũng như một loạt doanh nghiệp nhà nước.

Mọi bộ ngành trong chính quyền cũng tham gia quá trình soạn thảo kéo dài trong vài tháng tới để vạch ra những nội dung chính, cũng như những khu vực và yếu tố nổi bật trong các khoản đầu tư chính phủ.

Giới quan sát cho rằng công nghệ cao sẽ là nội dung hàng đầu được quan tâm. Tháng 11/2019, một quỹ trị giá 147,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 21 tỷ USD, đã được khởi động để nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất.

Đây là một phần trong ngân sách nghiên cứu và phát triển trị giá 110 tỷ USD mà Trung Quốc mạnh tay đầu tư.

Tuy nhiên, những con số này có thể không là gì khi đem so với các khoản chi tiêu khác trong kế hoạch nếu Trung Quốc quyết tâm đối đầu Mỹ nhằm cạnh tranh vị thế hàng đầu trong ngành công nghệ tương lai.

Li Cheng, chuyên gia làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói: “Trong năm 2020, các mối quan hệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ tiến đến một giai đoạn quan trọng. Vài năm trở lại đây, mâu thuẫn và bất đồng giữa 2 quốc gia (Mỹ và Trung Quốc) trong lĩnh vực này đã gia tăng đáng kể… Mỹ xem sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc là một mối đe dọa và cố tạo trở ngại đối với dòng chảy tự do của công nghệ, dữ liệu, vốn, thị trường và nhân tài giữa 2 nước bằng cách áp đặt các điều luật cũng như sắc lệnh (cấp tổng thống)…

[Mỹ, Trung Quốc đang "song mã" trên đường đua trí tuệ nhân tạo]

Một số học giả lo ngại rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tiếp tục mâu thuẫn trong đấu trường công nghệ tới 10 năm nữa. Những quan hệ móc xích về công nghiệp kỹ thuật giữa hai nước sẽ bị phá vỡ, thay vào đó sẽ là những tiêu chuẩn công nghệ, những sản phẩm và dịch vụ đối đầu nhau.”

Dù vậy, Trivium, một trang nghiên cứu chính sách, chuyên theo sát tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc, cho rằng khoa học và công nghệ sẽ là “đấu trường quan trọng” trong cuộc “cạnh tranh siêu cường.”

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã liệt kê 6 ngành công nghiệp trọng điểm - trong đó có năng lượng, công nghệ thông tin, chế tạo và dược phẩm sinh học. Trivium nêu rõ: “Mọi ngành công nghệ cần phục vụ chiến lược quốc gia, kể cả đảm bảo tính cạnh tranh trong các ngành công nghệ then chốt và đảm bảo an ninh quốc gia… Tuy nhiên, việc dự đoán những ngành công nghệ nào sẽ là quan trọng nhất là điều không hề dễ dàng…

Chính phủ cần nắm rõ về các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho nhiều lực lượng tham gia quá trình vận động điều tiết”. Đây là 1 phần trong chính sách của Bắc Kinh khi họ “vũ trang hóa” để chuẩn bị cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Washington. Trung tâm của các tranh cãi này là công nghệ trong tương lai.

Mâu thuẫn nảy sinh nghiêm trọng sau khi tập đoàn công nghệ Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen và bị coi là “mối đe dọa an ninh quốc gia,” cùng với các tập đoàn khác như Hikvision và Dahua.

Trước cơn khát vật liệu bán dẫn và chip điện tử từ Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã phát động phong trào “tự cung tự cấp,” đưa cuộc chiến mở rộng trên quy mô cả trong và ngoài nước.

Trong báo cáo phân tích có tên “Competing With China on Technology and Innovation” (tạm dịch “Cạnh tranh với Trung Quốc trong Công nghệ và Cách tân”), hai tác giả là James L Schoff thuộc Chương trình Carnegie châu Á, và Asei Ito thuộc Viện Khoa học Xã hội, Đại học Tokyo, bình luận: “Nếu Trung Quốc có thể tiếp tục hoặc tăng cường đà lợi thế công nghệ trong những lĩnh vực mới, họ hoàn toàn đủ khả năng độc quyền (thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tranh cãi), định hình các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu để phục vụ lợi ích của mình, tạo dựng những yếu tố kinh tế để thu về lợi nhuận, mở rộng bể data và tạo nền tảng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu-phát triển trong tương lai.”

Tiên phong trong lĩnh vực công nghệ là Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới. Dù bị Mỹ chỉ trích và cấm đoán, tập đoàn do cựu sỹ quan Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Nhậm Chí Phi sáng lập, vẫn vượt xa các đối thủ phương Tây khác như Ericsson và Nokia.

Một nghiên cứu của Fitch Solutions chỉ ra rằng “Chính phủ Trung Quốc cùng các ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục mở rộng các khoản cho vay đối với doanh nghiệp Trung Quốc và chính phủ các nước trong BRI để thúc đẩy sự phát triển hạ tầng viễn thông tại các nước tham gia sáng kiến này…

Sự ủng hộ của các quốc gia nói trên cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia nhiều thị trường mới, được hưởng mức giá ưu đãi, vượt trội hơn hẳn những nhà cung cấp thiết bị viễn thông cạnh tranh như Ericsson và Nokia.

Tại nhiều thị trường của các nước đang phát triển trong khuôn khổ BRI, việc triển khai mạng lưới công nghệ thông tin với mức giá rẻ nhất sẽ khiến người ta tạm phớt lờ những lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tận dụng lĩnh vực viễn thông như một thứ vũ khí (để gây ảnh hưởng)”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục