Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng và quê hương Hưng Yên

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Minh Trường, đồng chí Nguyễn Văn Linh quan niệm rằng đổi mới là cách mạng, muốn thắng lợi phải quyết tâm, có phương pháp đúng, có sự đột phá.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng và quê hương Hưng Yên ảnh 1Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

"Học tập nhân cách và bản lĩnh kiên định, sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên" là chủ đề của cuộc hội thảo về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, diễn ra chiều 20/1, do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020).

Tấm gương sáng về "Tận trung với nước, tận hiếu với dân"

Các tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những đóng góp to lớn, những phẩm chất cao quý của một nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã khái quát cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhấn mạnh từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp to lớn vào việc hoạch định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Với gần 70 năm hoạt động, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời của người cộng sản đã phấn đấu kiên cường và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân trao cho ở những thời điểm khó khăn của cách mạng; hội tụ những phẩm chất quý báu của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại nhiều bài học quý. Đó là vai trò và trọng trách của người lãnh đạo cách mạng luôn tâm huyết, sẵn sàng đương đầu, đứng mũi chịu sào vượt qua khó khăn thử thách và những cam go khốc liệt của các cuộc đấu tranh để dẫn dắt phong trào đi đến thắng lợi cuối cùng. Đó cũng là bài học về những dấu ấn của sự tìm tòi, sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, một lòng đi theo Đảng. Hai lần bị địch bắt và tra tấn dã man tại địa ngục trần gian Côn Đảo, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi vẫn kiên cường cùng đồng đội biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Sau khi ra tù, đồng chí đã sát cánh cùng đồng bào, chiến sỹ miền Nam vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; làm nên dấu ấn đậm nét về cuộc Đồng Khởi, tiến đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh "dân là gốc," "dân làm gốc", coi nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng, luôn gần dân, tin dân và vì dân; ở cương vị nào đồng chí cũng luôn xác định phải kiên trì lấy dân làm gốc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra." Những điều này đã toát lên phẩm chất người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo.

Người lãnh đạo kiên định và sáng tạo trong công cuộc đổi mới

Nhiều ý kiến tại hội thảo phân tích rõ vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với công cuộc Đổi mới đất nước. Với trọng trách Tổng Bí thư đầu tiên thời kỳ Đổi mới năm 1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn kiên định, sáng tạo, xác định Đổi mới phải có nguyên tắc, phải kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường phù hợp với quy luật khách quan. Đổi mới phải tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí đề ra quyết sách tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước.

Sau một năm thực hiện Khoán 10, cải cách nông nghiệp, năm 1989, từ một nước nhập lương thực và thiếu đói, Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu và xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo/năm. Lạm phát được ngăn chặn và đẩy lùi, sự bình ổn về kinh tế đã tạo bước ổn định về chính trị, xã hội.

[Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người khởi xướng công cuộc đổi mới]

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Minh Trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh quan niệm rằng đổi mới là cách mạng, muốn thắng lợi phải quyết tâm, có phương pháp đúng, có sự đột phá. Thực hiện đường lối Đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm "những việc cần làm ngay" kết hợp chặt chẽ "nói và làm." Những bài viết trên báo Nhân dân ký tên N.V.L có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

Trong điều kiện quan hệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta với chính sách ngoại giao rộng mở. Theo đó, chúng ta đã phá được thế bao vây cấm vận, thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế và nhiều nước, có những quyết sách ý nghĩa như: bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, trở thành thành viên chính thức của ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng EU, tạo cơ sở bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ... Đây là những vấn đề mang tính bước ngoặt, khẳng định công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong việc kiến tạo môi trường quan hệ quốc tế thuận lợi, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.

Người con ưu tú của quê hương Hưng Yên

Các tham luận đã dành tình cảm sâu nặng, trân trọng đánh giá cao những ân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với quê hương Hưng Yên. Từ khi theo cách mạng, dù bận nhiều việc quốc gia song đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn hướng về Hưng Yên bằng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Trong những năm xa quê, đồng chí đã 6 lần về thăm và làm việc tại Hưng Yên và xã nhà Giai Phạm (Yên Mỹ), đồng chí còn thể hiện sự quan tâm bằng những lá thư, bức điện, những lẵng hoa chúc mừng, những lời dặn dò, động viên và thăm hỏi ân cần, dành sự quan tâm đặc biệt tới từng bước tiến, bước trưởng thành của quê hương Hưng Yên.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV diễn ra tháng 11/1997, đồng chí Nguyễn Văn Linh gửi điện chúc mừng cùng với nguyện vọng ''Vì lý do sức khỏe, đáng tiếc tôi không về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh ủy sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam." Đó cũng chính là căn dặn cuối cùng của đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng và quê hương Hưng Yên ảnh 2Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Thực hiện lời dặn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã xây dựng được nền tảng kinh tế-xã hội đồng bộ, thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 16.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm. Từ năm 2017 đến nay, Hưng Yên lọt vào top các tỉnh tự cân đối thu-chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh hội thảo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục