Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn một: Chiến thắng hay đình chiến?

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Bắc Kinh có thực sự đáp ứng các điều khoản đã được thống nhất hay không, nhất là việc tăng gấp đôi giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai năm.
Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn một: Chiến thắng hay đình chiến? ảnh 1Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, Nebraska, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỹ và Trung Quốc vừa chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng. Đây là sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó đánh dấu một bước “dừng” trong cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai cường quốc thế giới.

Những tiến bộ mới nhất này cũng sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại gây thiệt hại cho cả hai nước và giảm bớt các rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Có thể thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã trở thành cứu cánh trên toàn thế giới, vì mâu thuẫn giữa hai cường quốc đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của kinh tế toàn cầu.

Chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một

Sau gần hai năm căng thẳng thương mại với việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau gây tác động tiêu cực đến cả hai nước cũng như tới đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giữa tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí nội dung thỏa thuận kinh tế và thương mại giai đoạn một dựa trên nguyên tắc công bằng và tôn trọng lẫn nhau.

Sau khi Trung Quốc và Mỹ nhất trí nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn một, ngày 19/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu tháng 1/2020, đồng thời cho biết thỏa thuận này đã được hoàn tất toàn bộ và đang trải qua quá trình chỉnh sửa kỹ thuật.

Theo ông Steven Mnuchin, thỏa thuận thương mại đã được thể hiện bằng văn bản, được biên dịch và sẽ không phải trải qua bất cứ cuộc đàm phán lại nào. Tiếp đó, ngày 31/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 15/1/2020, và sau đó ông sẽ đến Bắc Kinh để bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Trung Quốc.

Ngày 15/1 đã đánh dấu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới “yên tĩnh” hơn, khi hai cường quốc hàng đầu thế giới này chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng dưới sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Mỹ Trump ca ngợi đây là một thỏa thuận lịch sử, một bước đi quan trọng tiến tới quan hệ thương mại công bằng và có đi có lại. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: "Cùng nhau, chúng ta sẽ sửa những sai lầm trong quá khứ", đồng thời cho biết sẽ đi thăm Trung Quốc trong một tương lai không xa để thúc đẩy giai đoạn hai của thỏa thuận.

[Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ giảm gần 9% trong năm 2019]

Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đọc bức thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó cho rằng thỏa thuận này tốt cho Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới. Trong thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định thỏa thuận cho thấy hai nước có khả năng hành động dựa trên cơ sở bình đẳng, đồng thời bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ đối xử công bằng đối với các công ty của Trung Quốc.

Phát biểu trên Fox Business, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, nếu Tổng thống Trump nhanh chóng tiến tới được thỏa thuận giai đoạn hai, ông sẽ xem xét dỡ bỏ thuế quan như một phần của thỏa thuận này, nếu không thuế quan sẽ không được dỡ bỏ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục đàm phán giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020.

Theo thỏa thuận giai đoạn một, Mỹ đã đồng ý giảm thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể là Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vốn ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã áp trước đó thì vẫn giữ nguyên, còn mức thuế 15% với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (thực hiện từ ngày 1/9/2019) thì giảm xuống còn 7,5%. Tuy nhiên, mức thuế của Mỹ đối với 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn được áp đặt cho tới giai đoạn hai.

Đổi lại, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ dự kiến cũng có hiệu lực cùng ngày và đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, với cam kết sẽ tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu lúa mỳ và ngô của Mỹ với việc mua thêm 32 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Đây hứa hẹn sẽ là bước nhảy vọt trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thời gian tới.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bao gồm một nội dung "khá rộng" về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tại Trung Quốc, nhưng chỉ đề cập một phần của nội dung về giới hạn chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, giai đoạn một của thỏa thuận cũng bao gồm vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, vấn đề cơ cấu nông nghiệp và tiền tệ.

Những tác động tích cực của thỏa thuận

Cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đã chịu tổn thất vì cuộc chiến thương mại, và thỏa thuận này có thể mang lại phần nào sự trợ giúp cần thiết. Trong lời mở đầu của thỏa thuận có đoạn, hai bên “công nhận rằng tăng trưởng thương mại và việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế nhằm thúc đẩy những kết quả dựa trên thị trường thuộc lợi ích của cả hai quốc gia”.

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tạo gánh nặng kinh tế cho cả hai quốc gia cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Căng thẳng dường như đã làm nguội lạnh ngành chế tạo của Mỹ, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lao dốc.

Do đó, việc Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ khép lại cuộc chiến thuế quan kéo dài 18 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm tỷ USD hàng hóa của cả Mỹ và Trung Quốc, làm chao đảo các thị trường tài chính, phá vỡ các chuỗi cung ứng và khiến tăng trưởng kinh tế thế giới “giảm tốc”.

Với Mỹ và Trung Quốc, thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm thúc đẩy thương mại và xác định lại sự công bằng thị trường. Khi thỏa thuận này được thực thi, hai nước có thể đạt được thỏa thuận kinh tế và thương mại toàn diện trên cơ sở này.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong số các cường quốc, và điều rất quan trọng là thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một sẽ làm gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước và nâng cao mức độ hợp tác kinh tế song phương. Thỏa thuận này sẽ khiến Trung Quốc và Mỹ gắn bó chặt chẽ hơn, thay vì đẩy nhau xa hơn về mặt kinh tế.

Riêng về phía Mỹ, dù vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn  tiếp theo của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi những vấn đề khó khăn nhất trong tranh chấp thương mại vẫn chưa được giải quyết, nhưng đây là thỏa thuận cần thiết đối với Tổng thống Trump khi chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020, do thỏa thuận này giúp giảm bớt nguy cơ suy thoái và thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, đồng nghĩa kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ít nhất 2% trong năm tới và tránh được suy thoái. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một còn mở ra triển vọng giúp tăng gần gấp đôi lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong hai năm tới.

Hơn nữa, thỏa thuận thương mại giai đoạn một cũng được cho là giúp trấn an những người nông dân và công nhân trong ngành sản xuất của Mỹ vốn đã bị tổn thương nặng nề trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung suốt gần hai qua. Ngoài ra, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một được ký kết cũng có thể là một cú hích lớn đối với các nhà chế tạo ô tô và nhà sản xuất thiết bị công nghiệp nặng ở Mỹ cũng như hãng chế tạo máy bay Boeing.

Còn đối với Trung Quốc, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một sẽ giúp cải thiện triển vọng thương mại, giảm bớt nhu cầu phải triển khai gói kích cầu quy mô lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Nhà kinh tế trưởng Đinh Sảng (Ding Shuang) chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered, nhận định thêm rằng nhìn chung thỏa thuận này cũng phù hợp với đường lối cải cách và mở cửa sâu rộng của Trung Quốc, phù hợp với các nhu cầu nội tại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao hơn.

Trong khi đó, đối với kinh tế thế giới, giới chuyên gia nhận định, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một sẽ giúp giảm bớt các rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt đồng thời thúc đẩy triển vọng kinh tế thế giới.

Các chuyên gia tại ngân hàng Standard Chartered đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn một có lợi cho kinh tế thế giới và năm 2020 sẽ là một năm êm ả hơn với mức tăng trưởng ổn định. Dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay khoảng 3,3%, tăng nhẹ so với mức dự báo 3,1% của ngân hàng Standard Chartered.

Chỉ ra ba rào cản cấu trúc trong dài hạn đối với nền kinh tế thế giới gồm nợ, nhân khẩu học và xu hướng chống toàn cầu hóa, các chuyên gia tại ngân hàng Standard Chartered cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một sẽ tác động tích cực đến tâm lý của giới đầu tư tại các thị trường tài chính toàn cầu.

Ký đã khó, thực thi còn khó hơn

Theo giới phân tích, vấn đề lớn nhất chính là việc thực thi thỏa thuận bởi không có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để đảm bảo rằng hai bên sẽ giữ cam kết của mình trong thời gian tới.

Trong văn bản của hiệp định không cung cấp đủ thông tin để xác định cách thức thực thi thỏa thuận này trên thực tế, và không rõ liệu Trung Quốc sẽ có cách hiểu khác với Mỹ về thỏa thuận này hay không.

Trong danh sách mua sắm trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc bao gồm nông sản và xuất khẩu năng lượng. Trích Chương 6 – Trang 1: “Các bên thừa nhận rằng Mỹ đang sản xuất và có thể cung cấp các hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, trong khi Trung Quốc cần tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ có chất lượng với mức giá phải chăng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc”.

Ông Trump cho rằng thỏa thuận của ông có lợi cho nông dân Mỹ, nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại. Thỏa thuận bao gồm một số cam kết quan trọng của Trung Quốc về việc mua nông sản, cũng như máy bay, dược phẩm và dầu khí.

Cam kết mua thêm hàng xuất khẩu Mỹ của Trung Quốc được dựa trên giá trị xuất khẩu trong năm 2017, trong đó có 52,4 tỷ USD năng lượng, 32 tỷ USD nông sản, 77,7 tỷ USD sản phẩm chế tạo và 37,9 tỷ USD dịch vụ.

Mặc dù các doanh nghiệp và nông dân Mỹ sẽ hài lòng với những cam kết đó, nhưng việc Trung Quốc chỉ đồng ý tăng giá trị nhập khẩu trong hai năm tới và tỏ ra mập mờ về những gì sẽ xảy ra sau đó.

Thỏa thuận này tuyên bố việc tăng mua thêm hàng hóa sẽ tiếp tục cho đến năm 2025. Danh sách mua sắm cũng để ngỏ một vài câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với hợp đồng hiện tại của Trung Quốc với các nước khác về những mặt hàng như đậu nành? Liệu việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ có làm biến dạng các thị trường hàng hóa hay không?

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ “dựa trên nhu cầu của thị trường Trung Quốc”. Điều này cho thấy Bắc Kinh có thể không cho rằng những mục tiêu này là không thể thay đổi.

Trích Chương 3 – Trang 1: “Do nhận thức được tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, của việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm và nông sản an toàn và đáng tin cậy, và của việc giúp đáp ứng các nhu cầu của người dân hai nước về thực phẩm và nông sản, hai bên có ý định tăng cường hợp tác nông nghiệp, mở rộng thị trường của mỗi bên cho thực phẩm và nông sản, và khuyến khích tăng trưởng thương mại về thực phẩm và nông sản phẩm.”

Trong phần được cho là thiết thực nhất của thỏa thuận, Trung Quốc cam kết thực hiện một số thay đổi lớn trong chính sách nông nghiệp của mình. Trung Quốc sẽ xóa bỏ các tiêu chuẩn y tế nhất định mà các quan chức nước này đã sử dụng để ngăn chặn nhiều loại nông sản Mỹ.

Bắc Kinh cũng nới lỏng các quy định cấp phép, thanh tra và đăng ký mà Mỹ cho là các rào cản thương mại. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm bao gồm thịt, gia cầm, thức ăn cho vật nuôi, hải sản, thức ăn gia súc, sữa bột trẻ em, sữa và công nghệ sinh học.

Darci Vetter, người đàm phán về các vấn đề nông nghiệp dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng mục về nông nghiệp đã giải quyết một số vấn đề nổi cộm từ lâu đã cản trở các lô hàng sữa, thịt gà, thịt bò và thịt lợn.

Bà Vetter cho biết thật bất ngờ khi thỏa thuận trong lĩnh vực này mang tính có đi có lại, khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ mà Trung Quốc đang tìm kiếm để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu của họ được đối đãi một cách công bằng hơn ở Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nông dân Mỹ sẽ hoan nghênh Trung Quốc mua thêm các sản phẩm của họ, một số chuyên gia cảnh báo rằng thỏa thuận của ông Trump có thể khiến họ dễ bị tổn thương hơn trong dài hạn.

Giáo sư Đại học Georgetown Evan S. Medeiros, cựu Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã viết trong một email: “Đáng lo ngại nhất là thỏa thuận này biến việc Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ từ bất biến thành khả biến, hiện phụ thuộc vào tình trạng bất ổn trong quan hệ Mỹ-Trung. Đó là sự thay đổi có hại cho nông dân Mỹ”.

Về mục tiêu xóa bỏ tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, Chương 1 – Trang 1: “Hai bên phải đảm bảo việc bảo vệ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ công bằng, đầy đủ và hiệu quả. Mỗi bên phải đảm bảo quyền tiếp cận thị trường công bằng và hợp lý cho các cá nhân của bên kia, dựa trên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.

Hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ là một trong những lý do chính khiến Chính quyền Tổng thống Trump khởi động cuộc đối đầu với Trung Quốc. Các chính quyền Mỹ trước đây từng tìm cách buộc Trung Quốc xóa bỏ thông lệ này nhưng hầu như không thành công. Thỏa thuận của ông Trump tìm cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc nhận dạng và trừng phạt hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và giả mạo.

Chẳng hạn, thỏa thuận này bổ sung một vài điều khoản nhằm bảo vệ thông tin mật được xem là các bí mật thương mại, mà các doanh nghiệp Mỹ cho rằng hiện không được bảo vệ tốt theo luật pháp Trung Quốc. Những biện pháp bảo vệ này cũng đề cập đến hành vi xâm nhập điện tử, ám chỉ hoạt động tấn công các hệ thống máy tính.

Ngành công nghiệp dược phẩm dường như đã đạt được những thành tựu lớn, bao gồm việc Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ những người sở hữu bằng sáng chế trước hành vi bắt chước.

Thỏa thuận này cũng bao gồm các cam kết, ít nhất là trên văn bản, về việc chấm dứt hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ của Mỹ cho các đối thủ Trung Quốc. Từ lâu các công ty đã phàn nàn rằng để làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc, họ bị buộc phải chuyển giao công nghệ và các bí mật thương mại có giá trị. Trung Quốc cam kết sẽ không yêu cầu những chuyển giao như vậy, kể cả khi các công ty xin cấp những giấy phép nhất định hay xin phê chuẩn của chính phủ.

Trung Quốc cũng cam kết sẽ không “hỗ trợ hay chỉ đạo” các công ty Trung Quốc mua và đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nước ngoài trong “các ngành công nghiệp vốn là mục tiêu nhắm đến của các kế hoạch công nghiệp gây ra tình trạng bóp méo”. Điều khoản này được diễn đạt một cách mập mờ, nhưng các quan chức Mỹ nói nó nhằm giải quyết các vấn đề do những kế hoạch công nghiệp như Made in China 2025 gây ra.

Chương 7 - Trang 1: “Để đảm bảo thực thi nhanh chóng và hiệu quả thỏa thuận này, hai bên thiết lập Dàn xếp đánh giá và giải quyết tranh chấp song phương sau đây”. Một trong số những câu hỏi quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc là cách thức thực thi mọi thỏa thuận. Sau khi chứng kiến các thỏa thuận trước đây với Trung Quốc không thể đáp ứng cam kết, nhiều chuyên gia và giám đốc kinh doanh của Mỹ hoài nghi về việc chính quyền Mỹ có thể buộc Trung Quốc thực hiện những cam kết mà họ đưa ra.

Không giống các thỏa thuận thương mại khác thường chuyển các tranh chấp cho một bên thứ ba trung lập, Mỹ và Trung Quốc quyết định tự giải quyết mọi vấn đề. Thỏa thuận quyết định thành lập Văn phòng đánh giá và giải quyết tranh chấp song phương để tiếp nhận và đánh giá các đơn kiện. Thỏa thuận cũng xây dựng tiến trình kháng cáo, qua đó các quan chức cấp trung có thể đánh giá vấn đề trước khi chuyển lên Văn phòng đại diện thương mại Mỹ và Phó Thủ tướng Trung Quốc.

Nếu các cuộc đàm phán này không thể giải quyết tranh chấp, thì nhiều khoản thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trong kịch bản như vậy, bên kia cam kết sẽ không áp thuế trả đũa. Nếu một bên vi phạm, thì bên kia có thể đưa ra thông báo bằng văn bản và rút khỏi thỏa thuận – nhanh chóng đưa hai nước trở lại kịch bản chiến tranh thương mại.

Chương 4 – Trang 1: “Hai bên phải hợp tác một cách xây dựng để đảm bảo việc tiếp cận thị trường công bằng, hiệu quả và không phân biệt đối xử cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mỗi bên. Để đạt được mục tiêu đó, hai bên phải thực hiện những hành động cụ thể, bắt đầu bằng các hành động được nêu rõ trong chương này liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính”.

Thỏa thuận này đem lại cho Mỹ một số lợi ích trong các dịch vụ tài chính, trong đó có thanh toán điện tử, chứng khoán, quản lý quỹ và bảo hiểm, nhưng nhiều thay đổi trong số này đã được tiến hành từ trước. Trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ căng thẳng với chính quyền của ông Donald Trump, từ năm 2017, Trung Quốc đã có động thái cho phép các công ty nước ngoài gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính của nước này, và các ngân hàng Mỹ cũng như các công ty khác đã nắm cổ phần đa số trong các liên doanh Trung Quốc.

Trong nhiều năm, các công ty phát hành thẻ tín dụng như Visa, Mastercard và American Express đã tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc. Trong thỏa thuận này, Trung Quốc đã đồng ý chấp nhận hồ sơ xin cấp phép của các công ty trên, nhưng sẽ không tự động cho phép họ thâm nhập thị trường. Ngay cả nếu Trung Quốc phê duyệt hồ sơ của họ, thì cũng không rõ liệu các doanh nghiệp này có thể thâm nhập đến đâu trong hệ thống thanh toán điện tử tiên tiến của nước này, vốn do các công ty trong nước chi phối.

Trung Quốc đã cam kết sẽ minh bạch hơn trong các thị trường tiền tệ, nhưng nhiều hứa hẹn trong số này phù hợp với những cam kết trước đó.

Chương 5 - Trang 1: “Các bên sẽ kiềm chế việc giảm giá để cạnh tranh và không nhắm mục tiêu tỷ giá cho mục đích cạnh tranh, bao gồm cả việc thông qua những sự can thiệp quy mô lớn, liên tục và đơn phương trong các thị trường hối đoái”.

Ông Trump từ lâu đã chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc, lập luận rằng chính sách này khiến đồng NDT yếu đi nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của nước này. Năm 2019, Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, và gần đây đã rút lại quyết định này do những cam kết mới của Trung Quốc. Trung Quốc đã cam kết không hạ giá đồng nội tệ vì mục đích cạnh tranh và hứa hẹn tỏ ra minh bạch hơn về những can thiệp của họ vào thị trường ngoại hối.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã nhất trí công bố những thông tin về dự trữ ngoại tệ và hoạt động nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo từng quý của nước này, cùng nhiều thông tin khác. Tuy nhiên, phần lớn những gì Trung Quốc nhất trí thực hiện đều phù hợp với những cam kết mà nước này đã đưa ra thông qua nhóm G20 và những nghĩa vụ của nước này đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Brad Setser, nhà kinh tế thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại, cho biết Trung Quốc chủ yếu hứa hẹn những điều mà họ đã làm và sẽ tiếp tục tỏ ra thận trọng về những can thiệp thực tế của họ. Ông Setser cho biết: “Chắc chắn họ không cung cấp cho thị trường bất kỳ thông tin mới nào về những thông lệ thực tế của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền tệ”.

Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn cũng không đề cập tới các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho các ngành được ưu tiên, an ninh mạng và các vấn đề khác. Mỹ từ lâu đã quan ngại về việc Trung Quốc sử dụng việc trợ cấp công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước để xây dựng và chi phối các ngành trọng yếu, như sản xuất thép và tấm pin năng lượng Mặt Trời. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến nay đã bác bỏ tất cả những lời kêu gọi ngừng chương trình trợ cấp để phát triển các công nghệ quan trọng trong tương lai. Và rõ ràng rằng thỏa thuận không có thỏa hiệp để giảm tham vọng trở thành nền kinh tế hàng đầu của bất kỳ bên nào. Ông Trump lần đầu tiên đưa ra triển vọng bãi bỏ tất cả thuế quan trừng phạt của Mỹ nếu cả hai bên đồng ý về thỏa thuận giai đoạn hai. Tuy nhiên, cho đến lúc đó vẫn còn một chặng đường dài.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một cũng không đề cập đến những lĩnh vực khác bao gồm an ninh mạng và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với cách thức các công ty quản lý dữ liệu được lưu trữ và điện toán đám mây. Các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ gây sức ép với Trung Quốc để nước này giảm bớt việc sử dụng trợ cấp trong vòng đàm phán tiếp theo. Hiện Mỹ cũng đang phối hợp với Liên minh châu Âu và Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề trợ cấp của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dưới tựa lớn ở trang nhất “Bài học của hai năm thương chiến”, báo Les Echos (Pháp) đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một là một cuộc “đình chiến” bấp bênh. Theo Les Echos, những mâu thuẫn quan trọng nhất đều chưa được giải tỏa, và các cuộc đàm phán tiếp theo được dự báo là sẽ rất nhạy cảm. Có thể thấy, các cuộc đối thoại về những vấn đề cốt lõi thực sự của cuộc xung đột chỉ mới bắt đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục