Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng nói gì về sữa học đường?

Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng cho biết sữa học đường có các vi chất dinh dưỡng khác với sữa tươi tiệt trùng đang bán trên thị trường....
Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng nói gì về sữa học đường? ảnh 1Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm. (Ảnh: GD&TĐ)

Chương trình Sữa học đường đang là chủ đề được rất nhiều phụ huynh, nhất là ở Thủ đô, quan tâm, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bắt đầu triển khai cho phụ huynh đăng ký. Mặc dù lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khẳng định cam kết đảm bảo về chất lượng sữa nhưng vẫn có một số phụ huynh còn băn khoăn.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, về vấn đề này.


- Thưa bà, được biết Viện Dinh dưỡng và bản thân bà đã tiến hành các nghiên cứu về sữa học đường. Bà có thể chia sẻ về các nghiên cứu này?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm: Sữa học đường là một đề án lớn, nhân văn của Chính phủ với mục tiêu cải thiện tầm vóc người Việt Nam. Sữa có thể do các hãng sữa khác nhau sản xuất.

Chúng tôi đã có nghiên cứu các sản phẩm sữa học đường của một số đơn vị như Vinamilk, Nutifood, TH True milk… Các sản phẩm này được nghiên cứu trên các trẻ mẫu giáo, tiểu học. Thường các chương trình can thiệp như thế này chúng tôi phải nghiên cứu trẻ uống bổ sung trong vòng 6 tháng.

Kết quả đánh giá cho thấy, trẻ có cải thiện cân nặng, chiều cao, giảm tình trạng suy sinh dưỡng, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như giảm thiếu vitamin A, giảm thiếu máu, kẽm, vitamin D, tình trạng tiêu hóa tốt hơn, giảm mắc các bệnh tiêu chảy và hô hấp.


[Sở Giáo dục Hà Nội cam kết đảm bảo về chất lượng Sữa học đường]

- Các sữa này có khác các loại sữa tươi đang được bán trên thị trường không, thưa bà?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm: Sữa học đường cũng là sữa tươi tiệt trùng nhưng có bổ sung các vi chất, khoáng chất. Nồng độ vi chất được tăng cường ở mức đáp ứng nhu cầu cho trẻ học đường.

Vì vậy, số lượng và nồng độ các vi chất dinh dưỡng của học đường khác so với các sữa tươi tiệt trùng đang bán trên thị trường.

- Hiện một số phụ huynh vẫn có e ngại về chất lượng sữa học đường, bà nghĩ sao về điều này?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm: Tôi thấy tiếc khi phụ huynh còn băn khoăn, lo lắng chưa đăng ký cho con. Như thế là phụ huynh chưa hiểu chương trình. Đây là chương trình nhân văn và có tác dụng tốt, bổ sung dinh dưỡng cho các cháu, nhất là các vi chất. Bên cạnh đó, giá thành của sữa cũng được giảm 50%, phụ chỉ phải trả một nửa. Tôi nghĩ các phụ huynh nên tìm hiểu và tham gia.

Tôi cũng hiểu hiện nay ở các trường học chưa có thông tin cụ thể về hãng sữa gì, thành phần cụ thể như thế nào. Tôi được biết hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tổ chức đấu thầu, có 7 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, và phải chờ kết quả đấu thầu mới chốt được hãng nào sẽ sản xuất sữa học đường ở Hà Nội.

Khi nào chốt thông tin về hãng sữa thì tôi chắc chắn là Sở sẽ thông tin đầy đủ đến cha mẹ học sinh.

Sữa này đương nhiên phải đảm bảo an toàn thực phẩm vì các đơn vị sản xuất phải đảm bảo các thành phần đã công bố trên nhãn mác, phải được các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm cấp phép. Họ sẽ xem xét hồ sơ khoa học, từ thành phần nguyên liệu, quy trình sản xuất, các chỉ số trong sản phẩm, chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu kim loại nặng… có đảm bảo an toàn không mới được cho lưu hành.


[Quỹ sữa "Vươn cao Việt Nam" mang trung thu đến với trẻ em Vĩnh Phúc]

Ngay cả các loại sữa trên thị trường các cơ quan quản lý cũng sẽ lấy mẫu theo định kỳ để kiểm tra thành phần có đúng theo nhãn mác hay không. Sữa học đường thì việc giám sát càng chặt chẽ.

Có phụ huynh lo ngại sữa sẽ cận hạn sử dụng nhưng tôi cho rằng chắc chắn trong hợp đồng cung ứng sữa sẽ có điều khoản về vấn đề này. Sữa tươi tiệt trùng có thời gian sử dụng khoảng 6 tháng thì ít nhất khi chuyển đến người dùng phải còn hạn khoảng 4 tháng, nếu cận quá thì không nên sử dụng.

Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng nói gì về sữa học đường? ảnh 2Học sinh uống sữa trong chương trình Sữa học đường. (Ảnh: TTXVN)

Bản thân tôi đã tham gia đánh giá các chương trình sữa học đường tại Lào Cai, Yên Bái thì thấy dù ở vùng sâu vùng xa thì sữa cũng không bị cận hạn sử dụng.

Tuy nhiên, có lưu ý là trong khâu vận chuyển, ở vùng núi nhiều nơi điểm trường quá khó đi nên ô tô không vào được, phải vận chuyển bằng cách từng người khuân vác. Trong quá trình này có thể xảy ra tình trạng va đập, rơi, làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, có hộp sữa sẽ bị dập, bị phồng.

Vì thế, khi cho học sinh sử dụng, giáo viên sẽ có nhiệm vụ kiểm tra lại các hộp sữa để loại các hộp có dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, ở Hà Nội thì việc đi lại, vận chuyển thuận lợi hơn rất nhiều.

- Với chương trình này, theo bà, cần bao lâu để thấy được hiệu quả của việc cải thiện tầm vóc người Việt Nam?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm: Đây là chương trình ý nghĩa để hy vọng nâng cao tầm vóc cho thanh niên Việt Nam sau này. Kinh nghiệm các nước thì họ đều triển khai mấy chục năm nay như Nhật Bản, Hàn Quốc, nghĩa là cần một quá trình dài.

Ví dụ như ở Nhật Bản, họ triển khai sữa học đường từ năm 1954. Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm có những điều khoản về bữa ăn học đường và sữa học đường để nâng cao tầm vóc cho người Nhật. Hiện tại chiều của người Việt Nam thấp hơn người Nhật cả chục centimet với nam giới, nữ giới thấp hơn khoảng 7-8 centimet.

Tất nhiên, sữa học đường chỉ là một phần của bữa ăn học đường. Về lâu dài thì chúng ta cũng cần cải tiến bữa ăn học đường cho các cháu.

- Xin cảm ơn bà!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục