Cô giáo người Nhật Bản với tình yêu áo dài, đàn bầu và Việt Nam

"Phải lòng" áo dài, hoa sen và đàn bầu của Việt Nam, cô Shuto Mika đã mặc áo dài thêu hoa sen khi đi dạy học, tập chơi đàn bầu và luôn thể hiện tình yêu sâu đậm với đất nước, con người Việt Nam.
Cô Shuto Mika hướng dẫn sinh viên tập trò chơi truyền thống Nhật Bản. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Shuto Mika hướng dẫn sinh viên tập trò chơi truyền thống Nhật Bản. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô Shuto Mika, thạc sỹ về nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ, giảng viên cộng tác của Đại học Himeji Dokkyo Nhật Bản, đã lựa chọn Việt Nam để đăng ký tới làm tình nguyện viên cao cấp trong chương trình phái cử tình nguyện viên của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Xuất phát từ sự thiện cảm xen lẫn tò mò, đến nay, sau hơn 1 năm công tác tại Việt Nam, cô Shuto Mika đã thật sự hiểu và bắt đầu gắn bó với con người và mảnh đất miền Trung Việt Nam.

Mỗi tuần hai lần, Đỗ Thị Thùy Linh, sinh viên năm 2 Khoa Nhật-Hàn-Thái (Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng) lại hào hứng cùng các bạn tham gia lớp học tiếng Nhật có giáo viên bản ngữ trực tiếp giảng dạy.

Cô giáo người Nhật Bản với tình yêu áo dài, đàn bầu và Việt Nam ảnh 1Cô Shuto Mika trong giờ dạy tiếng Nhật cho sinh viên Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hôm nay cũng vậy, khi cô giáo bước vào, cả lớp ồ lên, đầy thú vị. Cô Shuto Mika mặc chiếc áo dài vải thô có thêu một cành hoa sen thanh thoát.

Mỗi khi cô tới tận từng bàn để nắn chữ học trò viết, nghe các em đọc và thảo luận, hình dáng nhỏ nhắn của cô giáo người Nhật trong tà áo dài khiến các em học sinh thấy thật gần gũi.

“Tết đầu tiên ở Việt Nam, tôi được ăn bánh chưng, bánh tét, đi thăm chùa ngày Xuân. Nhiều phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp, vừa nền nã kín đáo lại vừa duyên dáng. Tôi cũng rất thích hoa sen. Nó là quốc hoa của người Việt Nam. Bông hoa vươn lên cao từ đầm lầy, nở bừng rạng rỡ, cho thấy cả một triết lý về tinh thần người Việt,” cô Shuto Mika giải thích.

“Thật bất ngờ. Nhiều người trong chúng em vẫn chưa tìm hiểu và cảm nhận hết được ý nghĩa cao quý của hoa sen. Khi nghe cô Shuto Mika phân tích như vậy, em thấy mình cần tìm hiểu sâu hơn về văn hoá đất nước mình; và cách mà cô tìm hiểu về một loài hoa của đất nước mình cũng khiến em hiểu rằng đối với bất cứ một điều gì trong cuộc sống cũng cần phải tìm hiểu tường tận,” Thùy Linh tâm sự.

Buổi học tiếng Nhật hôm nay, cô Shuto Mika mời cả lớp tham gia giải một câu đố nhỏ. Đề bài đưa ra là một đoạn văn ngắn trình chiếu bằng tiếng Nhật trên slide, kể về một chuyến vượt biển trong bão táp.

“Mọi người sẽ phải rời chiếc thuyền sắp chìm để lên hoang đảo. Nếu em trong hoàn cảnh đó và chỉ được mang theo 10 đồ vật, em sẽ mang theo đồ vật gì?”

Các sinh viên nhanh chóng chia nhóm, bàn bạc về những đồ đạc mang theo và lý do của việc lựa chọn đó. Bật lửa, thức ăn, quần áo, vũ khí…, các nhóm say sưa thảo luận, rồi cử người lên thuyết trình.

Cô Shuto Mika chăm chú lắng nghe, chỉnh sửa cách phát âm, cách đặt câu của từng sinh viên, và giới thiệu thêm về những đồ vật trong bài học.

“Bài tập là giải đáp một tình huống nhưng qua đó chúng em được học từ mới, được học cách nói, học cách diễn thuyết, lập luận và còn được tìm hiểu về hiểu cách suy nghĩ của người Nhật Bản,” sinh viên Đỗ Thị Thùy Linh cho biết.

“Buổi học hôm nào cũng sinh động, mọi sinh viên đều cùng động não suy nghĩ và tham gia, nên vừa vui, vừa nhớ lâu lại vận dụng được bài học. Phương pháp đó khác cách mà chúng em vẫn được học lâu nay. Nhất là khi được học tiếng trực tiếp với người bản ngữ, chúng em học hỏi được rất nhiều điều.”

[JICA cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các chiến lược dài hạn]

Cùng đứng lớp học hôm nay với cô Shuto Mika là cô Thu Trang, giáo viên của trường trong vai trò trợ giảng.

Cô Thu Trang nhận xét: “Các giờ dạy của cô Shuto Mika luôn được sinh viên và cả các giáo viên chúng tôi đón chờ. Về phía các trợ giảng, chúng tôi không chỉ đóng vai trò hỗ trợ giáo viên và sinh viên, mà còn học hỏi được các phương pháp dẫn dắt lớp học. Hy vọng tôi sẽ tiếp thu được các phương pháp giảng dạy của cô Shuto Mika để sau này có thể đứng lớp thật hiệu quả."

Cô giáo người Nhật Bản với tình yêu áo dài, đàn bầu và Việt Nam ảnh 2Cô Shuto Mika cùng các sinh viên Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng tập đàn bầu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Shuto Mika nguyên là thạc sỹ về Nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ học (Đại học Himeji Dokkyo, Nhật Bản), với 17 năm kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo tiếng Nhật.

Cô tâm sự về lý do đăng ký làm tình nguyện viên tại Việt Nam: “Tại thành phố Himeji của tôi có môt trung tâm xúc tiến định cư. Một số người Việt Nam ở đó đã tới trường tôi học. Có lần tôi nói chuyện rất lâu với hai chị em nhà nọ, họ kể cho tôi nghe về đất nước Việt Nam, về chiến tranh từng qua, những câu chuyện khiến tôi sửng sốt. Sau đó, tôi trở thành giáo viên tiếng Nhật dạy tiếng cho những người Việt Nam làm tại các công ty của Nhật Bản. Nhìn thấy họ vất vả nhưng luôn nhiệt huyết, lạc quan khi sống tại một thành phố không phải quê hương, tôi thực sự muốn thử làm giáo viên dạy tiếng Nhật ở nước ngoài, và tôi nghĩ mình nhất định phải dạy học ở Việt Nam.”

Vậy là từ tháng 10/2018 đến nay, cô Shuto Mika đã tới Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), tham gia giảng dạy tình nguyện.

“Các em sinh viên sau khi ra trường sẽ làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản, có em sẽ làm phiên dịch. Tôi không chỉ muốn các em học ngôn ngữ mà còn muốn các em học được văn hóa, học được cách suy nghĩ của người Nhật, bởi công việc dịch thuật không đơn thuần là chuyển ngữ mà là việc truyền tải văn hoá nữa,” cô tâm sự.

Với tâm niệm này, trong thời gian làm tình nguyện tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, bên cạnh việc giảng dạy, cô Shuto Mika còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa tại Khoa như tham gia các buổi chiếu phim Nhật Bản, mặc thử áo Kimono, trà đạo, gấp giấy..., xây dựng một môi trường học tập hiệu quả cho sinh viên và giảng viên của nhà trường.

Tiến sỹ Đào Thị Thanh Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cho biết, trong suốt 12 năm qua, JICA đã gửi các tình nguyện viên hỗ trợ nhà trường trong công tác giảng dạy.

Với số lượng 1.000 sinh viên tiếng Nhật nhưng chỉ có 11 giảng viên, sự có mặt của các tình nguyện viên cao cấp cho ngành tiếng Nhật có giá trị to lớn đối với sự thành công trong đào tạo của nhà trường, bởi có thể bổ sung thêm đội ngũ giáo viên đứng lớp và tăng số tiết học có giáo viên bản ngữ, tăng chất lượng giảng dạy.

Quy trình, tiêu chí phái cử tình nguyện viên của JICA rất cẩn trọng, nên các tình nguyện viên có chuyên môn tốt, năng lực giảng dạy tốt và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao.

Chương trình đã để lại những hiệu quả rất to lớn đối với ngành tiếng Nhật trong thời gian vừa qua.

“Xin cảm ơn JICA đã đưa cô Shuto Mika đến với trường chúng tôi. Cô Shuto Mika là người làm việc rất nghiêm túc, có trách nhiệm và gắn bó với sinh viên, giảng viên ngành tiếng Nhật,” tiến sỹ Đào Thị Thanh Phượng nhấn mạnh.

Cuối giờ học tiếng, một nhóm sinh viên tập trung sang Phòng Văn hoá Nhật Bản của khoa để đọc sách, thực hành gấp giấy theo phong cách Nhật Bản.

Một số em được cô Shuto Mika hướng dẫn chơi trò Kendama - một trò chơi dân gian truyền thống và cũng là một môn thể thao rèn tính tập trung, kiên trì cùa người Nhật Bản.

Cuối cùng, cô Shuto Mika “chiêu đãi” cả nhóm một tiết mục văn nghệ: Một bản nhạc ngắn mà cô vừa tập được, trên đàn bầu của người Việt Nam.

Những nốt nhạc "Trống cơm," "Đội kèn tí hon" qua đôi tay của người mới tập đàn bầu còn chưa thuần thục, nghe ngộ nghĩnh và vui tai.

“Tôi đã muốn học một nhạc cụ, và quyết định chọn cây đàn bầu. Hình dáng của nó rất thanh thoát. Cảnh người ngồi gảy đàn cũng là một tạo hình rất đẹp. Cây đàn đặc biệt chỉ có một dây như cho ra muôn vàn âm thanh khác nhau, mỗi một lần đàn là một lần khám phá,” cô Shuto Mika cho biết về lý do chọn nhạc cụ này.

“Tôi sẽ tìm hiểu thêm về cây đàn bầu và tập thật nhiều bản nhạc hay. Hy vọng sau khi kết thúc nhiệm kỳ tình nguyện tại Việt Nam, về tới Nhật Bản, tôi có thể đánh đàn bầu, cho những người Việt Nam sống và làm việc tại Nhật được nghe những giai điệu của quê hương,” cô Shuto Mika tâm sự./.

“Hiện nay, tại Việt Nam, số người học tiếng Nhật ngày một nhiều. Tại Đà Nẵng, năm 2020 dự kiến sẽ có văn phòng của Đại sứ quán Nhật Bản được mở, cùng với nhiều cơ hội việc làm và nhu cầu sử dụng tiếng Nhật tăng lên.

Việc cung cấp tình nguyện viên dạy tiếng Nhật cho Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chúng tôi hy vọng sẽ mang tới các giải pháp phù hợp và hiệu quả cho công tác đào tạo của nhà trường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ này, để giúp sinh viên và giảng viên của nhà trường nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành sâu về ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng,” ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, chia sẻ./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục