Xuân về trên bản Mông Khuổi Khít

Xuân về trên bản Mông Khuổi Khít
Các cô gái dân tộc Mông ở thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết chuẩn bị váy áo du xuân. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Các cô gái dân tộc Mông ở thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết chuẩn bị váy áo du xuân. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Khuổi Khít  là một trong những thôn vùng sâu, vùng xa nhất của xã 135 Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Anh Giàng Minh Phong, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Khít chia sẻ: Thôn có 52 hộ dân, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mông. Kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn là phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Vài năm trở lại đây, thực hiện theo định hướng phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương, thôn đã vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cây mang lại giá trị kinh tế cao; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động...

Hiện nay, 100% các hộ dân trong thôn tham gia trồng rừng, với tổng diện tích gần 80 ha. Ngoài ra, các hộ dân trong thôn còn trồng chuối, với tổng diện tích khoảng 25 ha... Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Thôn đã có nhà văn hóa gắn với sân thể thao giúp người dân có nơi hội, họp, giao lưu văn hóa văn nghệ thể dục thể thao. 100% trẻ em trong thôn được đến trường đầy đủ. 100% hộ dân được sử dụng điện; 90% hộ dân có nhà ở đảm bảo kiên cố; trên 50% hộ dân có công trình vệ sinh đảm bảo. Thôn hiện còn 15 hộ nghèo (giảm 8 hộ so với năm 2019)...

Là hộ mới vươn lên thoát nghèo ở Khuổi Khít, anh Vàng Seo Nhà chia sẻ: Cách đây 3 năm, được thôn vận động, gia đình anh đã tiến hành trồng 3ha keo trên diện tích đất trước đây gia đình vẫn bỏ hoang. Dự kiến sang năm, gia đình anh sẽ thu hoạch được keo. Bên cạnh đó, để có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày, gia đình anh còn chăn nuôi gà, lợn và trồng 1000 cây chuối. Mỗi năm từ bán chuối, gia đình anh thu về khoảng 30 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này, cuối năm 2019, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và mua được xe máy phục vụ cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa...

Phong trào phát triển kinh tế ở Khuổi Khít hiện phát triển mạnh, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều hộ dân ở Khuổi Khít đang từng bước vươn lên làm giàu. Là hộ dân có kinh tế khá giả ở Khuổi Khít, anh Cù Seo Cú cho biết, trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng ngô, lúa nương nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây 4 năm anh chuyển sang trồng cây keo và mỡ. Theo anh Cù Seo Cú, so với trồng ngô, trồng lúa, trồng rừng không tốn nhiều công chăm sóc, đầu tư ít mà thu nhập lại cao hơn. Hiện, gia đình anh đang có 7 ha rừng keo, mỡ; 1 ha chuối. Cuối năm 2019, gia đình anh bán 0,3 ha mỡ thu về 50 triệu đồng. Hiện, trung bình mỗi năm từ trồng chuối và trồng rừng, gia đình anh thu về khoảng 80 triệu đồng. “Có thu nhập cao hơn những năm trước nên năm nay, mình đã chuẩn bị gạo ngon để gói bánh và một con lợn béo để mời mọi người trong thôn đến ăn Tết...”, anh Cù Seo Cú phấn khởi nói.

Đồng bào người Mông thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết tập thổi khèn để biểu diễn trong ngày Tết. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Đồng bào người Mông thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết tập thổi khèn để biểu diễn trong ngày Tết. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Có cuộc sống ấm no hơn, không khí Tết tại Khuổi Khít cũng rộn ràng hơn. Mọi người cùng nhau vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm cho ngày Tết. Các cô gái tất bật chuẩn bị những bộ váy áo đẹp nhất để du Xuân...

Chị Cù Thị Xiệu, thôn Khuổi Khít chia sẻ: Vào ngày đầu Xuân mới, người dân trong thôn thường đến nhà nhau chúc Tết, uống chén rượu mừng Xuân mới, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chúc những điều tốt đẹp trong năm mới... Sau đó, mọi người cùng tập trung ở nhà văn hóa thôn để cùng xem múa khèn, chơi các trò chơi: Đánh còn, đánh yến... Trước đây, người dân trong thôn thường nghỉ làm nhiều ngày để đi chơi Tết nhưng bây giờ khác rồi, sau mấy ngày nghỉ ngơi, du Xuân là bắt tay vào làm việc ngay...

Ông Phùng Đức Tân, Bí thư Đảng ủy xã Kiến Thiết cho biết: Khuổi Khít là một trong những thôn còn nhiều khó khăn của xã Kiến Thiết. Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự cần cù chịu khó trong lao động, sản xuất, cuộc sống của người dân thôn Khuổi Khít đã có nhiều thay đổi: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững theo từng năm (tỷ lệ tái nghèo thấp); thu nhập của người dân từng bước được cải thiện; các hủ tục lạc hậu đã bị loại bỏ, người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ bảo hiểm y tế; tình hình an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo... Qua đó, góp phần giúp xã giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

  Vũ Quang

Có thể bạn quan tâm