Doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả vượt trội trong nền kinh tế

Khu vực doanh nghiệp FDI dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên tài sản và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác song mức đóng góp ngân sách lại rất khiêm tốn 18 tỷ đồng/doanh nghiệp, năm 2016.
Doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả vượt trội trong nền kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 còn phản ánh nhiều điểm hạn chế tại khu vực doanh nghiệp, như quy mô lao động bình quân/doanh nghiệp có xu hướng nhỏ dần, sự manh mún của các cơ sở sản xuất kinh doanh và tiến trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp diễn ra khá chậm,” ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

[Đột phá cơ chế góp phần tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam]

Ngoài ra, Báo cáo điều tra còn chỉ ra, công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt tại các cấp địa phương.

“Đây là hạn chế, bất cập lớn, cần nhìn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” ông Lâm nói.

FDI thu hút nhiều nhất về lao động

Theo Báo cáo, thời điểm 1/1/2017, cả nước có 517.900 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 505.100 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, còn lại 12.8600 doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình đầu tư và chưa đi vào sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ hiện vẫn chiếm đa số 98,1% trên tổng số doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, mặc dù doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa dẫn đầu về số lượng nhưng khu vực thu hút nhiều lao động nhất lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp – FDI.

Bình quân năm trong giai đoạn 2012-2017, số việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,8%, doanh nghiệp lớn tăng 5,3% đồng thời số lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,1%. Với con số này, ông Lâm cho rằng, “hoạt động cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước có tiến triển song quá trình thực hiện vẫn khá chậm.”

Và, người đứng đầu ngành thống kê cũng chia sẻ, các doanh nghiệp FDI góp phần tạo công ăn việc làm cho xã hội với mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và đạt 62,8% so với thời điểm 1/1/2012 và tăng bình quân năm 10,2%.

Doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả vượt trội trong nền kinh tế ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước thật)

FDI hiệu suất sinh lời vượt trội

Nắm các thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị và thị trường…, khu vực FDI có mức doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011 và chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có doanh thu thuần tăng 78,8% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 55,9% toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Đáng nói, khu vực kinh tế tạo động lực – doanh nghiệp Nhà nước lại có mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua và đạt 8,9%, chiếm tỷ trọng 16,7%.

Về hiệu quả kinh doanh, khu vực doanh nghiệp FDI dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên tài sản và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác với 6,9% (năm 2016), tiếp đến là khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,6% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,4%.

Tuy nhiên, nghịch lý vẫn đang tiếp diễn trong thời gian dài, khu vực kinh tế được cho là kinh doanh không hiệu quả - doanh nghiệp Nhà nước lại có các mức đóng góp ngân sách cao nhất 104 tỷ đồng/doanh nghiệp, mức chênh lệch này quá lớn so với doanh nghiệp FDI là 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Theo ông Lâm, bối cảnh kinh tế hội nhập, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, với các chủ trương, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục